Những đôi tay có mắt

00:00 12/10/2020

Nếu chỉ nghe những giai điệu trong trẻo, lúc bổng lúc trầm, lúc nhanh lúc chậm của những chiếc đàn đá, đàn t’rưng, đàn bầu… không ai có thể ngờ chúng được bật ra từ những đôi tay thoăn thoắt “nhảy múa” của những nghệ sĩ khiếm thị.

Những bàn tay như có mắt ấy là của các nghệ sĩ khuyết tật ở văn phòng 2 - Tổ chức Hỗ trợ giáo dục trẻ em thiệt thòi Việt Nam (OSEDC), mang đến cảm xúc thú vị và sự thán phục của người nghe.

Vốn nhiều năm gắn bó với công việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật, ông Nguyễn Văn Nghĩa - người thành lập văn phòng 2 của OSEDC và trực tiếp chăm lo cho trẻ ở đây, nhận ra rằng việc cho trẻ khuyết tật học thêm nhạc cụ không chỉ giúp các em vơi bớt mặc cảm mà còn giúp các em một nghề để mưu sinh khi rời mái ấm.

Ông Nghĩa bắt đầu cho trẻ khuyết tật học nhạc vào năm 2006 với guitar và organ, đến năm 2008, ông hướng các em học song song nhạc cụ hiện đại lẫn nhạ c cụ dân tộc. Từ chỗ “thử” vì tò mò, đến nay, mái ấm đã thành lập được một đội văn nghệ âm nhạc dân tộc gồm đủ loại nhạc cụ như đàn đá, đàn tứ, bầu, tranh, sáo, t’rưng, trống… Thời điểm đông nhất, ban nhạc có đến gần 30 thành viên, trong đó có những em có thể chơi được ba, bốn loại nhạc cụ.

Người bình thường học nhạc cụ dân tộc đã khó, với người khiếm thị càng khó gấp bội, nhất là với những loại nhạc cụ phức tạp như đàn t’rưng, đàn đá. “Dù biết đánh guitar và đang lõm bõm học organ nhưng tôi từng nghĩ mình không thể chơi được các nhạc cụ dân tộc. Chưa bao giờ được nhìn thấy đàn t’rưng, tôi không biết hình thù của nó ra sao. Chỉ đến khi đánh thử, tôi mới biết đó là các ống tre nằm rất sát nhau. Tôi đụng lung tung khi gõ đàn và đã nghĩ mình sẽ không bao giờ có thể chơi được loại nhạc cụ này” - Nguyễn Văn Phận (quê Bình Định) chia sẻ.

Nhung doi tay co mat

Nhiều thành viên trong nhóm có thể chơi được ba, bốn loại nhạc cụ (Ảnh do OSEDC cung cấp)

Là thành viên sáng mắt hiếm hoi của nhóm, nhưng con đường để trở thành “nghệ sĩ” đàn bầu của Vi Thị Lên thật gian nan. Quê ở tận một xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La, Lên không có chút khái niệm nào về âm nhạc. Được cho nghe nhạc một thời gian dài để quen với giai điệu, nhưng có chút “phản xạ” về âm nhạc rồi, việc luyện tập đàn bầu với Lên có lúc tưởng mãi mãi chỉ là ước mơ. Ngày đàn được trọn vẹn bài Trống cơm, Lên mừng muốn khóc vì cuối cùng cô cũng đã vượt qua chính mình.Được sự khích lệ của ông Nghĩa và giáo viên dạy đàn, suốt một thời gian dài sau đó, Phận và các bạn chỉ nghe tiếng đàn và làm quen với từng nốt nhạc trên các ống tre. Không nhìn được, bù lại, những bạn trẻ khiếm thị được trời phú cho đôi tai rất nhạy và đôi tay khéo léo. Từng giai điệu, tiết mục dần trở nên tròn trịa, trong trẻo và ngân vang hơn chỉ bằng trí nhớ, cảm giác… của từng nghệ sĩ. Sau khoảng bốn năm, đến nay Phận đã có thể chơi khá thành thạo đàn t’rưng, đàn đá, trống và đàn tứ.

Giáo viên dạy nhạc mỗi tuần chỉ đến một buổi, nên để chơi thành thạo nhạc cụ, học viên phải tự tập là chính. Cái khó nhất với cả nhóm là sự phối hợp giữa các thành viên để hòa thành một tiết mục tập thể. Thời gian luyện tập, khả năng, kỹ năng sử dụng nhạc cụ, kiến thức nhạc lý… không ai giống ai. Chỉ một người lạc nhịp, lạc tông tiết mục sẽ chuệch choạc.

Không ai bảo ai, nhưng các thành viên đều có chung suy nghĩ, dù là người khuyết tật nhưng nếu đã đi biểu diễn thì phải đảm bảo tiết mục hoàn chỉnh nhất và chinh phục người xem bằng chính khả năng của mình chứ không phải bằng lòng thương hại. Nhiều tiết mục hòa tấu của nhóm như Cô gái vót chông, Trống cơm, Âm vang đất nước, Điệp khúc mùa xuân, Tiếng chày trên sóc Bombo, Tây nguyên chào mặt trời… khiến người xem ngạc nhiên đến ngỡ ngàng.

Những năm gần đây, đội văn nghệ OSEDC đã trở thành nhóm nhạc dân tộc quen thuộc đối với nhiều học sinh, sinh viên ở TP.HCM và một số tỉnh thành lân cận. Những đôi tay nghệ sĩ run run, những trái tim đập loạn nhịp… khi nghe tiếng hò reo của khán giả, đã dần bình tĩnh, vững vàng hơn sau từng suất diễn, để đón nhận những tràng vỗ tay, những tiếng ồ lên đầy thích thú từ hàng ghế khán giả.

Âm nhạc mở cánh cửa cho những bạn trẻ khuyết tật bước ra khỏi thế giới nhỏ bé của mình, để tung cánh bay đến những miền đất rộng lớn, nơi đầy ắp nụ cười và niềm tin. Nguyễn Văn Chúc hớn hở khoe từ ngày được đi biểu diễn, em có thêm rất nhiều bạn mới, là học sinh, sinh viên các trường quốc tế và cả những bạn nhỏ có cuộc sống còn khó khăn, kém may mắn hơn mình. Điều khiến tất cả các thành viên trong nhóm tâm đắc nhất chính là những ý kiến, lời chia sẻ của một số giáo viên, hiệu trưởng nhà trường nơi nhóm đến biểu diễn: “Câu chuyện của các thành viên trong nhóm sẽ khuyến khích các em học sinh biết yêu thương, chia sẻ và là những tấm gương về nghị lực để các em học tập và vươn lên”.

Theo phunuonline.com.vn