Những đại tư bản báo chí giàu có

00:00 12/10/2020

Bối cảnh truyền thông, báo chí Mỹ hiện nay giống như phần còn lại của đất nước này, đang được định hình bởi những ý tưởng bất chợt của giới siêu giầu.

Đại tư bản báo chí

Vào tháng 11 vừa qua, Joe Ricketts, nhà tỉ phú sáng lập công ty môi giới trực tuyến TD Ameritrade, người đứng đầu gia đình sở hữu Chicago Cubs, nhà tài trợ triệu đô cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Donald Trump, và là cha của Thống đốc bang Nebraska, đã đóng cửa DNAinfo, tờ báo tin tức địa phương do ông sáng lập, và Gothamist, mạng lưới blog mà ông đã mua chỉ vài tháng trước đó. Đóng cửa hai tờ báo chẳng có ý nghĩa gì với ông ta khi DNAinfo báo lỗ và hệ thống mạng blog Gothamist không đủ đem lại lợi nhuận để tạo ra sự thay đổi đáng kể về tài sản đối với một người đàn ông giàu có đang sở hữu hơn 2 tỷ đô la. Nhưng đối với các phóng viên, điều đó có nghĩa là họ không còn được giao nhiệm vụ bao phủ tìm kiếm thông tin ở khu phố Brooklyn, các cuộc họp của hộI đồng cộng đồng... sẽ có hàng trăm phóng viên đột nhiên thất nghiệp.

Thật sự là một điều đáng phẫn nộ, khi các phóng viên mất việc làm vì lý do “thị trường”. Khi một nhà máy ngừng hoạt động vì lao động rẻ hơn ở nước ngoài hoặc khi các tờ tạp chí phải ngừng xuất bản vì các công ty đồng hồ xa xỉ chuyển ngân sách tiếp thị của họ sang những người có ảnh hưởng trên Instagram..., chúng ta có thể giận dữ và tuyệt vọng, nhưng chúng ta hoàn toàn phải chấp nhận việc đó như một tất yếu trong xu hướng kinh tế phát triển toàn cầu. Nhưng, sinh kế của chúng ta, những phóng viên nhà báo, bị gián đoạn vì ý thích bất chợt của một người, khi “bàn tay vô hình” được thay thế bằng một người rất dễ nhìn thấy và gây sốc, thì đó sẽ là một trải nghiệm gây hoang mang hơn nhiều.

Thời điểm này, chúng ta có thể quan sát thấy rằng cách mà bối cảnh truyền thông Mỹ được chuyển đổi trong thế kỷ 21 đang khiến nó trở nên gần giống với bối cảnh truyền thông của thế kỷ 18 và 19. Sự hưng thịnh của một nền báo chí mang tính đảng phái, cởi mở hơn các chuẩn mực chuyên nghiệp được xây dựng trong thời kỳ thịnh vượng sau chiến tranh. Từ thế kỷ 19 đã có rất nhiều cá nhân có quá nhiều quyền lực đối với báo chí, giống như một thuật ngữ thường được sử dụng: “Nhà đại tư bản báo chí.”

Điều quan trọng cần nhớ là Ricketts chỉ có sức mạnh đó vì không ai khác muốn chi tiền để làm những gì ông ta đang làm. Điều này không có nghĩa ông ta nên bị coi là một người anh hùng thất bại, chủ yếu ta cần thấy rằng một ngành công nghiệp báo chí truyền thông dựa vào những người như Joe Rickettses để duy trì chính nó đang gặp rắc rối sâu sắc. 

Điều hành báo chí như một doanh nghiệp

Mô hình “đại tư bản báo chí” tại Mỹ sẽ luôn hoạt động miễn là có một ai đó đủ tiềm lực và muốn trở thành một nhà “tư bản báo chí”. Thông thường, các tỷ phú mua lại hoặc đầu tư vào thị trường truyền thông vì lý do tiền bạc hoặc muốn nâng tầm ảnh hưởng.

Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ, mang lại lợi ích thực sự cho báo chí. Sau khi mua lại tờ The Washington Post, người sáng lập Amazon, tỉ phú Jeff Bezos, đã nhận lại được rất nhiều tiền từ việc đầu tư vào hướng điều tra nghiêm túc và cung cấp trở lại cho tờ báo các nguồn lực để đạt được sự tăng trưởng lớn mạnh, đặc biệt ở mảng báo điện tử. Người sáng lập eBay, Pierre Omidyar, chủ sở hữu First Look Media, nơi có rất nhiều nhà báo danh tiếng đang được cung cấp nguồn lực cần thiết để thực hiện những công việc quan trọng. Omidyar tin tưởng mạnh mẽ và chân thành vào tầm quan trọng của báo chí đối với một xã hội tự do.

Trong thời kỳ thống trị của các trang mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay như Google và Facebook, nơi đang chiếm phần lớn số tiền quảng cáo của doanh nghiệp, việc xuất bản cuối cùng cũng chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta có những thứ thật sự đặc sắc để xuất bản. Jeff Bezos và Omidyar luôn đặt niềm tin vào sứ mệnh mà các tờ báo phải mang đến, nhưng chắc chắn cả hai vị tỉ phú hàng đầu thế giới này đều không muốn điều hành báo chí giống như một tổ chức từ thiện. Cả hai đều muốn điều hành báo chí giống như một doanh nghiệp.

Những người ban đầu quyết định đầu tư vào báo chí với mục đích kiếm lời, có thể sẽ chán nản hoặc mệt mỏi vì mất tiền, chỉ còn lại những nhà đầu tư vì mục đích khác, có thể là mục đích chính trị. Những nhà đầu tư có đủ tiền dự trữ để không quan tâm đến việc tờ báo đó hoạt động như một doanh nghiệp mang lại lợi nhuận có lợi thế hơn những người khác. Việc tờ Gawker (một blog của Mỹ được thành lập bởi Nick Denton và Elizabeth Spiers có trụ sở tại thành phố New York) có được độc giả và doanh thu để tự duy trì hoạt động, đã tạo ra sự khác biệt để tồn tại so với số phận của tờ Gothamist mang lại khoản lợi nhuận khiêm tốn cho tỉ phú Ricketts, nhưng vẫn bị đóng cửa. Tuy nhiên, việc tiếp tục để tồn tại hay đóng cửa một tờ báo, đôi khi phụ thuộc vào quan điểm mục đích của ông chủ tỉ phú đó, cả hai nhà đầu tư vào hai tờ báo có thể sẽ cùng mất tiền, nhưng một trong số họ có thể giúp được cho một tổng thống được bầu.

Nhìn lại quá khứ dường như những điều này là không thể tránh khỏi, các quy chuẩn về sự công bằng và đạo đức báo chí Mỹ nổi lên trong thời kỳ mà báo và tạp chí là những khoản đầu tư tốt cho mục đích tài chính thông thường.

Nhu cầu thị trường luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định nội dung báo chí. Một tờ báo lớn có thể nghiêng một chút về cánh tả hoặc cánh hữu, nhưng phải luôn giữ được sức mạnh để tồn tại: nội dung phải truy cập được vào tận sâu con mắt người đọc.

Quy tắc kinh tế mới xác định hình thức tin tức mới

Chúng ta đang thấy thị trường dường như khiến cho các tờ báo không còn quan tâm gì đến sở thích của khán giả, chỉ quan tâm đến những lợi ích công, từ đó định hướng làm thay đổi cách thu thập thông tin và bài viết. Sau khi xây dựng những phòng tin tức online, Mashable, Mic và Vocativ đã loại bỏ hàng tá công việc biên tập quen thuộc, sử dụng nội dung bằng video clip, ngay cả khi độc giả vẫn ưa thích đọc văn bản hơn. Các thương hiệu lớn thích đầu tư tiền quảng cáo vào video do đó các công ty truyền thông cũng tìm cách thỏa mãn nhu cầu của họ.

Các nhà đầu tư truyền thông không chuyên về báo chí tìm hiểu về báo chí một cách hời hợt và sau đó nhảy vào đầu tư dẫn đến việc phá hủy những di sản quý giá mà tờ báo đó đang nắm giữ, khiến số phận của ngành báo chí Mỹ trở nên thiếu đặc sắc, trong tay những người giàu có ngoại đạo với những tin tức cá nhân nhàm chán.

Điều lạ lùng là, trong thói quen chi tiêu của những tỉ phú giàu có, thường xuyên áp dụng lý thuyết kinh tế truyền thống về lợi ích hợp lý, các nhà đầu tư truyền thông dường như cho thấy niềm tin chân thành hơn vào sức mạnh của báo chí so với những nhà xuất bản tự do phô trương. Ông trùm sòng bạc và nhà tài trợ lớn của Tổng thống Donald Trump, Sheldon Adelson đã bỏ lượng tiền lớn ra mua lại tờ Tạp chí Las Vegas Review vì ông tin rằng việc kiểm soát một tờ báo ở quê nhà thật sự quan trọng đối với lợi ích kinh doanh và chính trị lâu dài của mình.

Những gì xảy ra với báo chí phản ánh sự chuyển đổi rộng lớn hơn của xã hội Mỹ. Sự cai trị của giới tinh hoa công nghệ giàu có một phần nguyên nhân do sự thiếu thận trọng của những nhà kỹ trị. Và thực sự, điều đó chỉ có ý nghĩa trong một thời đại mà mọi người đều cảm thấy như cuộc sống của họ phù hợp với ý thích bất chợt của một vài người giàu có. Ngay cả chính quyền các thành phố lớn cũng cố gắng hứa hẹn sẽ sửa đổi để làm hài lòng và thu hút đầu tư từ những tỉ phú như Jeff Bezos, Bill Gates...

Báo chí thì vẫn luôn vận động thay đổi để cập nhật theo xu thế xã hội.

Ngọc Thái