Những chủ tịch ngân hàng có học vị tiến sĩ

00:00 12/10/2020

bang-tamông chỉ nắm giữ nhiều cổ phần, khá nhiều chủ tịch ngân hàng còn có trình độ học vấn đáng nể.

Bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HDBank

Tiến sĩ - Chủ tịch HDBank Lê Thị Băng Tâm.

Bà Tâm được giới trong ngành đánh giá cao không chỉ tài lãnh đạo mà còn là người có học vấn đáng nể. Bà sinh năm 1947, ở Phú Yên, tốt nghiệp khóa học Quản lý kinh tế cao cấp, Tiến sĩ kinh tế tại Liên Xô chuyên ngành tài chính tín dụng và có Chứng chỉ tài chính quốc tế tại North University London (Anh).

Hiện bà đang nắm giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank). Ngoài ra, bà còn là thành viên Hội đồng quản trị độc lập Công ty Vinamilk, cố vấn cao cấp cho một số định chế tài chính nước ngoài.

Với một nền tảng kiến thức tốt, cộng với một bề dày kinh nghiệm, bà đã đưa HDBank phát triển khá nhanh. Sau khi mua lại SGVF và sáp nhập DaiABank, nhà băng đã trở thành một trong các ngân hàng lớn tại Việt Nam.

Trước khi về HDBank, bà từng nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng như: Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước; Thứ trưởng, Ủy viên ban cán sự - Bộ Tài chính; Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Trong thời gian công tác tại Kho bạc Nhà nước và Bộ Tài chính, bà Tâm đã chủ trì nhiều chương trình lớn trong lĩnh vực quản lý tiền tệ, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính đối ngoại.

Ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch DongA Bank

Tiến sĩ - Chủ tịch DongA Bank Cao Sỹ Kiêm.

Ông Kiêm sinh năm 1941, tại Thái Bình và là Tiến sĩ kinh tế. Ông từng nắm giữ cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong khoảng thời gian dài 1989-1997.

Dù đã bước qua tuổi 70, nhưng ông vẫn còn rất nhiều tâm huyết, trí lực muốn cống hiến cho ngành ngân hàng. Ông là vị Thống đốc đầu tiên sau khi rời nhiệm đã quyết định nắm giữ vị trí cao nhất tại một ngân hàng cổ phần. Theo đó, tháng 4/2014, ông chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á.

Theo như lời của Tổng giám đốc Trần Phương Bình, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm là một người tài đức vẹn toàn. Từ khi về ngân hàng, ông đã có nhiều đóng góp lớn liên quan đến định hướng phát triển gắn liền với chính sách điều hành để giúp nhà băng vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm tiến hành tái cơ cấu toàn diện.

DongA Bank là một ngân hàng tầm trung, được chú ý nhiều trong mảng dịch vụ khách hàng cá nhân, thường đi đầu trong hiện đại hóa công nghệ và phát triển dịch vụ… Mới đây nhà băng  này vừa đưa vào dịch vụ mới là ngân hàng tự động (auto banking). Tuy nhiên, do chịu tác động bởi những khó khăn của tình hình kinh tế nên thời gian gần đây, ngân hàng đang đối mặt với nhiều khó khăn về nợ xấu cao, lợi nhuận sụt giảm... Do đó, trọng trách của ông Kiêm sẽ rất nặng nề trong việc phối hợp với vị CEO Trần Phương Bình tiến hành tái cấu trúc toàn diện ngân hàng và dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng 2 năm.

Ngoài vị trí cao nhất tại DongA Bank, Tiến sĩ Kiêm cũng là đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia và là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Vietinbank

Tiến sĩ - Chủ tịch Vietinbank Nguyễn Văn Thắng.

Ông Thắng sinh năm 1973 tại Hà Nội, là Tiến sĩ ngành Tài chính lưu thông tiền tệ, Học viện Tài chính - Kế toán. Ông gắn bó với Vietinbank ngay từ khi mới vừa rời ghế nhà trường năm 1996 ở vị trí cán bộ kinh doanh đối ngoại Chi nhánh Ba Đình.

Với một nền tảng kiến thức vững chắc cộng sức trẻ năng động, ông Thắng đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình khi có nhiều đóng góp quan trọng cho ngân hàng này. Do đó, chỉ sau 15 năm, ông đã được bầu vào Hội đồng quản trị và được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Vietinbank trước khi chính thức đảm nhiệm chức Chủ tịch nhà băng này (đại diện cho 40% vốn Nhà nước tại Vietinbank) vào tháng 4/2014.

Dưới thời ông Nguyễn Văn Thắng, VietinBank đã có thương vụ M&A đình đám khi hoàn tất việc bán 19,73% cổ phần cho cổ đông chiến lược là The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, Ltd.

Ngoài ra, dấu ấn của vị thuyền trưởng với gần 20.000 cán bộ, nhân viên của VietinBank là đã giúp họ đảm bảo được việc làm với thu nhập liên tục tăng cao (theo báo cáo tài chính 2014, VietinBank là một trong những ngân hàng trả lương cao nhất hệ thống).

Với sự điều hành trực tiếp của ông, dù những năm qua, nền kinh tế trong nước và thế giới trải qua giai đoạn khủng hoảng, song VietinBank vẫn hoạt động ổn định. Tính đến cuối quý I/2015, tổng tài sản đạt 646.000 tỷ đồng.

Ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch ACB

Tiến sĩ - Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy.

Ông Huy sinh năm 1978, là con trai ông Trần Mộng Hùng (người sáng lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu - ACB). Ông Huy tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman (Mỹ) vào năm 2002. Năm 2011, ông Huy bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Golden Gate (Mỹ).

Tuổi đời còn khá trẻ, và đảm nhận chức chủ tịch trong thời điểm "bão tố" khi Bầu Kiên bị bắt, lúc ấy, tài sản ngân hàng đã giảm tới 30% và lần đầu tiên kinh doanh thua lỗ nhưng với nền tảng kiến thức vững chắc, được đào tạo bài bản, ông Huy đã từng bước giúp ACB thoát khỏi khó khăn và đi vào hoạt động ổn định.

Ông liên tục đưa ra những chiến lược hoạt động khá mới mẻ để cải tổ ACB, và mới nhất là việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu mới mang phong cách hiện đại, trẻ trung với kỳ vọng tạo ra một hình ảnh mới mẻ cho ACB.

Hoạt động kinh doanh dưới thời ông cũng có những chuyển biến khá tích cực. Kết thúc năm 2014, ngân hàng giải quyết gần 90% những tồn đọng liên quan đến vụ Bầu Kiên, Huyền Như. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2013 và vượt 2% so với kế hoạch đề ra.

Năm 2015, ngân hàng đặt chỉ tiêu tăng trưởng tổng tài sản, tiền gửi, cho vay đồng loạt ở mức 13%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và lợi nhuận trước thuế hơn 1.300 tỷ đồng. Hết quý I/2015, lợi nhuận ACB đạt 359 tỷ đồng, tín dụng tăng hơn 3%. Năm 2016, khi ngân hàng đã xử lý gần như hoàn toàn các tồn đọng của quá khứ, mức lợi nhuận được ban lãnh đạo cho biết có thể đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương giai đoạn trước.

Ông Phương Hữu Việt - Chủ tịch Ngân hàng Việt Á

Tiến sĩ - Chủ tịch VietABank Phương Hữu Việt.

Ông Việt sinh năm 1964 tại Bắc Ninh, là Tiến sĩ kinh tế. Trước đây, vào giai đoạn 1982-1988, ông được cử đi học tại Đại học Hàng Hải Odessa - Liên Xô cũ. Sau đó về nước và công tác tại Bộ Công an, được biệt phái làm Chủ tịch Công ty Thương mại, Đầu tư và Du lịch Việt Phương - nay là Công ty Tập đoàn Đầu tư Việt Phương.

Đầu năm 2011, ông Việt và Công ty Việt Phương đã mua 51 triệu cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Việt Á (17,36%). Đến tháng 8/2011, ông trở thành Chủ tịch của ngân hàng này.

VietABank đang là một trong những ngân hàng cần được tái cơ cấu. Dưới sự điều hành của vị chủ tịch có trình độ, chuyên môn cao này, nhiều chiến lược cốt lõi được triển khai và ngân hàng đang từng bước có sự thay đổi. Một trong những giải pháp có thể hiệu quả mà vị chủ tịch này hướng đến là tìm cộng lực từ những ngân hàng khác. Do đó, năm 2014, nhà băng cũng đã xin chủ trương hợp nhất, sáp nhập.

PV