Những câu chuyện kỳ bí ở đền Yên Tùy

00:00 12/10/2020

Đổi hướng đền vì linh thiêng quá! Đền Yên Tùy, hay còn gọi là đền họ Hồ, được xây dựng vào thế kỷ XVII cùng thời với đền ông Hoàng Mười (hay còn gọi là Mỏ Hạc linh từ), trên vùng đất của làngYên Tùy, xã Yên Pháp, tổng Đô Yên, phủ Hưng Nguyên, nay là làng Yên Tùy, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đền thờ ông Hồ tướng công, một người thuộc dòng họ Hồ đã có công với nước, với dân Yên Tùy. Trước đây, đền Yên Tùy có Thần phả và Sắc phong của triều đinh phong kiến, nhưng trong cải cách ruộng đất năm 1955-1956, Thần phả và Sắc phong bị thất lạc. Trải qua thời gian và các biến cố của lịch sử, đến nay đền chỉ còn lại một số phế tích như đá kê cột, một ít gạch, ngói… Mặc dù đền Yên Tùy đã không còn nhưng các câu chuyện linh thiêng huyền bí về ngôi đền vấn được nhân dân trong làng truyền tai nhau kể lại. Theo ông Trương Văn Đạt một người dân của xóm Yên Tùy, sống gần đền cho biết: trước đây khi mới xây dựng đền Yên Tùy có hướng quay ra sông Vĩnh, nhìn về núi Phượng Hoàng (núi Quyết). Nhưng do đền linh thiêng quá, nhân dân đi qua trước của đền phải cởi mũ, nón nếu không về sẽ bị ốm, trâu bò nhiều lúc đi làm đồng qua đó về nhà cũng bị bệnh, thuyền đánh cá của ngư dân nhiều lúc đi qua cửa đền cũng tự nhiên dừng lại, dù có cố sức chèo chống thế nào. Sự linh thiêng đó ảnh hưởng rất lớn đến việc làm ăn của nhân dân trong làng nên làng đã đổi hướng đền sang hướng mới là ngoảnh mặt ra dòng sông Lam và nhìn về dãy Hồng Lĩnh, từ đó, việc đi lại, làm ăn của nhân dân trong làng được tiện lợi hơn.

ong-tran-van-dat Ông Trần Văn Đạt

Lươn leo lên trên cột đền Người dân Yên Tùy còn kể cho chúng tôi nghe về một câu chuyện hết sức lạ kỳ đó là vào năm 1978, đúng thời điểm lũ lụt to, một số người dân đã bắt gặp một hiện tượng rất kỳ lạ đó là có 2 con lươn to bằng cổ tay người lớn cứ quấn vào nhau rồi leo lên cột đền. Nghe chuyện này, chúng tôi thấy vô cùng khó hiểu, bởi lươn thì có thể có con to vì sống lâu năm nhưng việc hai con cùng quấn vào nhau rồi leo lên cột đền thì thật là kỳ lạ. Thấy chúng tôi tò mò về việc này, một người dân nhiệt tình đưa chúng tôi tới nhà bà Thiều Thị Tuấn. Người đã trực tiếp chứng kiến sự việc này. Đang ở trong nhà chơi với hai cháu nhỏ, khi thấy có người đến tìm hiểu về câu chuyện hai con lươn ở đền Yên Tùy, bà Tuấn vồn vã mời chúng tôi vào nhà uống nước. Nhấp xong ngụm nước chè xanh bà kể: Chuyện là thế này các chú à, vào năm 1978, là năm bão lụt to, nước ngập vào nhà tôi, nên mẹ chồng tôi (bà Ngô Thị Cửu - PV) với tôi và một người em dâu của là bà Bá Thị Minh có ý định chuyển một số dụng cụ lên nốc (tiếng địa phương, nốc là thuyền nhỏ) rồi chở ra đền Yên Tùy trú tạm để chờ nước rút xuống rồi quay về nhà. Thống nhất xong, mọi người chéo nốc ra đình, lúc này cũng vào khoảng tầm 4-5 giờ chiều. Sau khi tôi chuyển một số đồ dùng lên trên mái đền thì nhìn thấy bên trong đền có một con rắn hổ mang to đang dập dềnh trên sóng nước ở gần cột đền, được một lát con rắn biến mất thì lại thấy hai con lươn to đùng, màu vàng chói, quấn vào nhau theo sóng nước leo lên trên cột đền, thấy thế, tôi liền bảo với mọi người là nên về, ở đây thiêng lắm không ở được đâu. Nghe thế, mọi người liền chuyển đồ đạc ra nốc, chèo ngay về nhà và kể chuyện này cùng với mọi người trong xóm. Kể xong, bà Thiều Thị Tuấn nói, các chú không tin thì hỏi cả làng này, ai cũng biết chuyện này cả.

ba-thieu-thi-tuan Bà Thiều Thị Tuấn kể lại điều bà chứng kiến Khoai lang trồng không có củ Qua cuộc nói chuyện, bà Tuấn còn cho chúng tôi biết một câu chuyện khác cũng vô cùng kỳ lạ đó là sau khi đền bị xuống cấp, nhiều người dân trong xóm tới cày đất trong đền để trồng khoai lang. Nhưng điều lạ là khoai lang trồng phát triển rất tốt, dây khoai phình ra rất to nhưng lạ thay không hề có củ nào, trong khi đó, ở những khoảnh đất bên cạnh thì củ rất nhiều. Bà Tuấn cho biết sự việc này diễn ra không chỉ một lần mà diễn ra 3 lần làm cho những người trồng khoai trong đền rất khiếp sợ. Từ giã nhà bà Tuấn, chúng tôi đem hai câu chuyện có phần liêu trai này tới tìm gặp ông Trần Văn Lĩnh là xóm trưởng, xóm Yên Tùy. Nghe chúng tôi trao đổi, ông Lĩnh cũng cho biết, về câu chuyện có hai con lươn quấn lấy nhau leo lên cột đền ông được nghe chính người trong làng mình kể lại vì năm 1978 ông đang đi bộ đội ở Lạng Sơn. Còn chuyện trồng khoai lang trong đền mà không có củ thì ông cho biết chính ông cũng chứng kiến sự kiện này. Qua trao đổi với ông Trần Văn Lĩnh chúng tôi được biết, hiện tại nhân dân trong xóm đang tổ chức khôi phục lại ngôi đền linh thiêng này để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh cho mọi người.

le-cung-tho-than Lễ cũng thổ thần động thổ phục dụng đền

Hoàng Kiểm – Viết Thắng