Những ai hưởng lợi trong dịch Covid-19?

00:00 12/10/2020

Đối với nhiều doanh nghiệp, đại dịch Covid-19 là một rủi ro ngoài dự tính khó khăn nhất mà họ từng phải đối mặt. Với việc mọi sinh hoạt xã hội bị đình trệ, các cửa hàng phải đóng cửa và dòng tiền cạn kiệt, thì việc làm thế nào để tồn tại đang là bài toán khó chung cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện đây đó một số doanh nghiệp và các cá nhân duy trì được lợi nhuận và tiếp tục có thu nhập tốt, bất chấp tình hình chung của nền kinh tế. Sau đây là một số ví dụ được thống kê.

Khi dịch COVID-19 xuất hiện, các tập đoàn lớn trên thế giới có cơ hội phản ứng tốt hơn khi họ thường có nhiều tiền mặt, cho phép bảo vệ người lao động, điều chỉnh mô hình kinh doanh và tiết kiệm các khoản cứu trợ tốn kém từ chính phủ. Thập kỷ qua là khoảng thời gian mang lại lợi nhuận cao nhất trong lịch sử cho các tập đoàn lớn. Các công ty trong danh sách Fortune 500 toàn cầu đã chứng kiến mức tăng lợi nhuận lên 156% từ 820 tỷ USD năm 2009 lên 2,1 nghìn tỷ USD vào năm 2019. Tăng trưởng lợi nhuận của họ vượt xa mức tăng trưởng GDP toàn cầu, kéo theo thị phần lớn hơn bao giờ hết trong miếng bánh kinh tế toàn cầu. Thống kê của Oxfam cho thấy 32 trong số các tập đoàn lớn nhất thế giới dự kiến đến hết năm 2020 sẽ kiếm được nhiều hơn 109 tỷ USD, so với mức trung bình 4 năm gần đây. Bốn công ty công nghệ lớn: “GAFA” gồm Google, Apple, Facebook và Amazon - dự kiến sẽ cùng nhau kiếm thêm gần 27 tỷ USD lợi nhuận trong đại dịch và tiếp tục lập những kỷ lục lợi nhuận mới. Và đặc biệt, Microsoft cho đến nay vẫn là công ty dẫn đầu về lợi nhuận siêu khủng bất kể đại dịch. Dự kiến đến hết năm 2020, Microsoft có thể sẽ đạt doanh thu nhiều hơn 19 tỷ USD so với cùng kỳ các năm trước. Như vậy, chỉ riêng năm công ty công nghệ ‘GAFAM’ này đã chiếm 46 tỷ USD lợi nhuận tăng trưởng bất chấp đại dịch Covid-19.

Trong ngành dược phẩm, tập đoàn Merck đang chiếm vị trí dẫn đầu với mức siêu lợi nhuận trong năm 2020 dự kiến đạt 4,9 tỷ USD, theo sau là Johnson & Johnson và Roche (khoảng 3 tỷ USD mỗi doanh nghiệp). 

Tại châu Âu, Nestlé, Deutsche Telekom, ASML và Telecom Italia đang là các doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất. Tại các quốc gia có thu nhập trung bình khác, Reliance Industries ở Ấn Độ, BUA Cement ở Nigeria và gã khổng lồ viễn thông Nam Phi MTN đang nổi lên là các doanh nghiệp thu được lợi lớn, có thể lên đến 169% từ các đợt phong tỏa trên khắp châu Phi.

Amazon hiện được cho là tập đoàn hưởng lợi nhất từ dịch Covid-19. Mức lợi nhuận của năm tài chính 2020 được dự đoán tăng 95% so với năm trước. Chỉ trong quý đầu tiên năm nay, việc người dân đua nhau tích trữ nhu yếu phẩm đã giúp đẩy doanh số bán hàng của hãng tăng 26% so với cùng kỳ. Với tổng cộng 876.000 nhân viên toàn thời gian và bán thời gian tính đến tháng 7/2020, Amazon đã trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân thâm dụng nhiều lao động nhất thế giới. Covid-19 cũng giúp gia tăng đáng kể tài sản của người sáng lập, cũng là CEO hiện nay của Amazon là Jeff Bezos. Hiệnn nay Jeff Bezos đã trở thành người giàu nhất thế giới với khối tài sản trị giá 200 tỷ USD. Mặc dù vậy, mô hình hoạt động của Amazon vẫn dựa vào hàng trăm nghìn nhân công kho hàng và đội ngũ lái xe có thu nhập thấp. Các cơ quan chính quyền, công đoàn và cả các nhà đầu tư cũng đã kêu gọi Amazon minh bạch và quan tâm hơn vấn đề sức khỏe và an toàn cho nhân viên của mình trong đại dịch. Để so sánh sự chênh lệch thu nhập giữa lãnh đạo và nhân công Amazon được rõ hơn, Jeff Bezos có thể thưởng cho tổng số 876.000 lao động của mình mỗi người 105.000 USD mà vẫn duy trì số tài sản mình có từ trước khi Covid-19 bùng phát. 

Amazon và bài học chuyển đổi online mùa dịch Covid-19

Amazon

Ứng dụng phát trực tuyến nội dung giải trí Netflix cũng đã có thêm 10,1 triệu thuê bao trả phí đăng ký mới trong đại dịch Covid-19. Điều này đã mang lại khoản lợi nhuận 720 triệu USD trong tổng số 6,15 tỷ USD doanh thu trong quý II vừa qua của hãng (tính từ tháng 4 đến tháng 6). Netflix dự kiến sẽ có thêm 2,5 triệu thuê bao mới trong quý III, trong khi các nhà phân tích dự đoán con số có thể lên đến 5,27 triệu thuê bao mới. Mặc dù dịch Covid-19 cũng đang dần có những ảnh hưởng tiêu cực đến Netflix, song doanh nghiệp vẫn dự báo đạt tỷ suất lợi nhuận cận biên đạt 16% vào năm 2020 và 19% vào năm 2021. Hiện Netflix có 193 triệu thành viên trả phí tại hơn 190 quốc gia. Đối thủ của Netflix hiện nay, ngoài các ứng dụng phát trực tuyến nội dung giải trí khác như Disney+, Hulu hay Apple, còn có ngôi sao TikTok đang xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông hiện nay.

Tencent hiện cũng đang chứng kiến mức doanh thu và lợi nhuận tăng vọt nhờ số lượng người chơi game trên di động tăng đột biến trong bối cảnh giãn cách xã hội toàn cầu. Tổng doanh thu cho quý II năm 2020 là 114,8 tỷ NDT (16,2 tỷ USD), tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận có mức tăng trưởng 29% so với cùng kỳ lên 31,2 tỷ NDT (4,4 tỷ USD). Trò chơi trực tuyến chiếm khoảng 1/3 doanh thu của Tencent trong giai đoạn này, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái lên 38,2 tỷ NDT (5,5 tỷ USD). Sự gia tăng chủ yếu được thúc đẩy bởi doanh thu cao hơn từ trò chơi dành cho smartphone ở cả Trung Quốc và thị trường toàn cầu, đạt tổng doanh thu 35,9 tỷ NDT (5,1 tỷ USD). Mặc dù mức độ tương tác của người dùng trên smartphone tăng lên so với cùng kỳ năm trước, nhưng hiện đà tăng đã giảm do người lớn và học sinh đang trở lại đi làm và đi học.

Chủ tịch kiêm CEO Tencent Pony Ma Huateng

Ngoài ra, có một số lĩnh vực hiện đang chứng kiến mức tăng trưởng vượt trội nhờ đại dịch Covid-19, chúng bao gồm: gia sư trực tuyến; thương mại điện tử; tập luyện tại gia, freelance hay kinh doanh thiết bị chăm sóc sức khỏe. Điều này đã mang đến cơ hội cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đơn cử như một số ví dụ sau: 

Stitch & Story. Khởi nghiệp trong lĩnh vực bán hàng thủ công, Stitch & Story cung cấp dịch vụ dạy và bán tài liệu hướng dẫn cho những người muốn học cách đan quần áo ngay tại nhà mình.

Coronavirus small business diary – Stitch & Story CEO Jennifer Lam

Jen Hoang (L) và Jennifer Lam (R), đồng sáng lập Stitch & Story

Trước việc bị chôn chân tại nhà trong nhiều ngày, nhiều người Anh đã tìm đến dịch vụ của hai nhà đồng sáng lập Jennifer Lam và Jen Hoang. Doanh số trong tháng ba vừa qua của doanh nghiệp đã tăng ồ ạt 800% so với cùng kỳ năm trước. “Cảm giác được chế tạo các sản phẩm thủ công mang đến trải nghiệm mới mẻ mà các thiết bị điện tử không còn mang lại được” - Jennifer Lam cho biết.

Tone & Sculpt. Vào tháng 1/2019, doanh nhân trong lĩnh vực thể dục thẩm mỹ Krissy Cela đã cho ra mắt ứng dụng hướng dẫn luyện tập và bổ sung dinh dưỡng giúp phụ nữ giữ gìn vóc dáng và cải thiện sức khỏe. Dịch Covid-19 xuất hiện đã khiến nhu cầu tập thể dục tại gia tăng lên và góp phần đẩy thị phần của Tone & Sculpt tăng chóng mặt. Chỉ trong tháng 4, lượt tải của ứng dụng đã tăng 88% và doanh thu đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Laithwaite's Wine. Covid-19 mang lại cho nhà cấp rượu tại gia Laithwaite cơ hội bất ngờ giúp tăng doanh số bán hàng lên 117% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước. Người dân Anh cũng đang uống thêm rượu khi tán gẫu với bạn bè qua ứng dụng Zoom, và lượng khách hàng mới của Laithwaite đã tăng 300% so với cùng kỳ năm trước. Laithwaite’s Wine không những phục vụ được nhu cầu của người dân đang bị hạn chế ra ngoài, mà còn góp phần duy trì hoạt động của các doanh nghiệp rượu tại địa phương..

Laithwaite's Wine

Bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn có lãi, thì cổ đông của các doanh nghiệp đang chịu áp lực tài chính hay thậm chí phải nhận hỗ trợ từ chính phủ, vẫn ghi nhận mức chi trả cổ tức tăng lên so với cùng kỳ. Ở một số quốc gia, bao gồm Pháp và Hoa Kỳ, lệnh cấm tạm thời đối với việc mua lại cổ phiếu đã được thông qua đối với các công ty nhận quỹ cứu trợ của chính phủ. Tuy nhiên, việc cần sự hỗ trợ của chính phủ đã không ngăn cản một số công ty tiếp tục ưu tiên chi trả cổ tức cho các cổ đông, ví dụ như:

Các công ty hóa chất khổng lồ BASF và Bayer đã lần lượt được cấp 1 tỷ bảng Anh (1,3 tỷ USD) và 600 triệu bảng Anh dưới dạng các khoản vay khẩn cấp từ chính phủ Anh. Cổ đông của Bayer đã nhất chí bỏ phiếu trả 2,75 tỷ Euro tiền cổ tức chỉ vài tuần trước khi nhận tiền cứu trợ. Còn BASF vào tháng 6 vừa qua đã thông qua kế hoạch trả 3,03 tỷ Euro tiền cổ tức, là mức tăng so với năm trước, mặc dù lợi nhuận bị sụt giảm. Kể từ tháng 1, cổ tức của công ty đã lớn gấp 4 lần lợi nhuận thu được trong hai quý đầu tiên năm nay.

Tại Pháp, 7 các công ty (Vivendi, Capgemini, Michelin, Publicis, Solvay, Veolia và Vinci) đã thông qua quyết định tiếp tục chi trả cổ tức, đồng thời sử dụng tiền hỗ trợ của chính phủ để trả lương cho nhân viên. Bất chấp lời kêu gọi của chính phủ hạn chế chi trả cổ tức, các công ty trong top CAC 40 tại thị trường chứng khoán Pháp đã chi trả tổng cộng 35–40 tỷ Euro tiền cổ tức.

Một số công ty lớn của Hoa Kỳ đang mắc kẹt với kế hoạch chi trả cổ tức mặc dù đang rơi vào cảnh phải viện đến cứu trợ từ chỉnh phủ hoặc sa thải bớt nhân viên. Ví dụ, Royal Caribbean, Halliburton, General Motors và McDonald's đều đã sa thải hoặc cắt giảm giờ làm và lương của nhân viên trong khi vẫn phải duy trì các khoản thanh toán cổ tức. Caterpillar, Levi Strauss, Stanley Black & Decker, Steelcase và World Wrestling Entertainment cũng đã làm như vậy, trong khi vẫn tiếp tục kế hoạch trả hơn 700 triệu USD kết hợp chia cổ tức bằng tiền mặt.

Công ty xi măng lớn nhất Nigeria, Dangote Cement, bị cáo buộc đã sa thải hơn 3.000 nhân viên mà không thông báo trước hoặc trái với thủ tục, vẫn dự kiến ​​sẽ trả 136% lợi nhuận cho các cổ đông trong năm tài chính 2020. 

Nhà bán lẻ quần áo Kohl’s của Mỹ đã trả 109 triệu USD cổ tức mặc dù phải hủy lượng đơn đặt hàng trị giá 150 triệu USD, khiến các công nhân may mặc ở Bangladesh và Hàn Quốc phải đối mặt với hậu quả xấu.

Công ty ô tô của Đức BMW đã trả hơn 1,6 tỷ Euro tiền cổ tức mặc dù đã yêu cầu chính phủ Đức và các cơ quan địa phương hỗ trợ tài chính.

Giống như ngành công nghiệp hàng không và ô tô, ngành công nghiệp khai thác nhiên liệu hóa thạch cũng đã chứng kiến một khoản thời gian dài cổ đông được duy trì thanh toán cổ tức, bất chấp tình hình tài chính bấp bênh của doanh nghiệp. Khoản lợi tức này lẽ ra đã có thể dùng vào việc tái đầu tư, cải tiến công nghệ, giảm ô nhiễm môi trường, đào tạo nhân lực hay hỗ trợ giảm thiệt hại môi trường – xã hội gây ra từ các dự án lớn. Thay vào đó, lĩnh vực khai thác dầu khí đã tích lũy một lượng lớn nợ, trong khi vẫn duy trì mua lại cổ phiếu và trả cổ tức trong bối cảnh giá dầu giảm. Tập đoàn dầu khí BP thông báo sẽ cắt giảm 10.000 việc làm, đồng thời duy trì các khoản chi trả cổ tức hào phóng cho cổ đông. Chevron cũng thống báo sẽ giảm 10 – 15% trong tổng số 45.000 lao động toàn cầu của hãng, mặc dù lượng tiền chi trả cổ tức và mua lại cổ phần trong quý I vẫn lớn hơn nhiều doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Thực tế một số công ty đang duy trì các khoản chi trả của cổ đông mặc dù điều kiện tài chính bấp bênh cho thấy sự hạn chế khả năng đưa ra quyết định hợp lý của các công ty dưới áp lực của các cổ đông – mà đôi khi quyền lợi của cổ đông lại đi ngược với quyền lợi của người lao động và xã hội.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu tác động tiêu cực chung và dây chuyền từ đại dịch Covid-19, một số doanh nghiệp và mô hình startup vẫn tìm thấy cơ hội phát triển và thậm chí tăng trưởng kinh doanh trong mùa dịch. Mặc dù vậy, quyền lợi của người lao động đôi khi không song hành cùng lợi nhuận mà các chủ doanh nghiệp thu được. Đặc biệt hơn, sự ưu đãi, cứu trợ từ các chính phủ đôi khi không đến được đúng nơi những người cần, không duy trì được việc làm của người lao động, mà trái lại, vô tình phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ các cổ đông. Đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu, song vẫn tiếp tục tiếp diễn trong đại dịch Covid-19. Điều đó đòi hỏi sự quan tâm chú ý hơn nữa của các chính phủ, cũng như kêu gọi sự tự giác chung tay vì cộng đồng của các chủ doanh nghiệp tư bản.

 Ths. Nguyễn Trần Minh Trí