Nhóm thơ Cẩm Phả ngày ấy...

00:00 12/10/2020

Nhóm thơ ở Cẩm Phả tự nhiên hình thành vào mùa thu năm 1977. Vừa làm mỏ về, tôi được các bác trong nhóm gọi tới...chơi tại nhà bác Trịnh Thi Thảo ở khu Cọc Ba (bây giờ là phường Cẩm Sơn. TP Cẩm Phả). Khi đến, tôi đã thấy có 7 người. Cao tuổi nhất là Bác Trần Văn Hoản. Các bác còn lại: Trần Thanh Tuấn, Đỗ Đức Tín, Trịnh Thi Thảo, Bùi Minh, Vũ Văn Điệu, Lê Văn An. Người mới tới có: Vũ Minh Huy, Trần Ngọc Tảo và tôi.

thanh-pho-cam-pha

Tp. Cẩm Phả - nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ - ảnh: Dương Phượng Đại

Trong buổi gặp mặt thân mật và đầm ấm ấy, tôi mới có dịp tìm hiểu thêm các bác. Thật sự trước đó, tôi chỉ biết có 2 người: Trần Thanh Tuấn - con người tài hoa bậc nhất nhưng cuộc đời đầy bão táp sóng gió và Đỗ Đức Tín - người điềm đạm, tốt tính, có cuộc đời khá êm ái thuận hòa. Sau khi chào hỏi, tìm hiểu sơ sơ về nhau, yêu cầu được đưa ra nên thành lập một nhóm người yêu thơ để sinh hoạt, giao lưu nơi này nơi khác. Trong nhóm có Vũ Minh Huy - Ông là Hội viên Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam nhưng thích làm thơ - Trần Ngọc Tảo và tôi lúc đó là Hội viên Hội VHNT Quảng Ninh. Các bác còn lại - 7 người - đều là cán bộ công nhân đang chuẩn bị làm thủ tục nghỉ hoặc đã về hưu. Tối hôm ấy, chúng tôi nhất trí chọn bác Trần Văn Hoản làm nhóm trưởng. Bác vừa cao tuổi lại có nhiều năm làm giáo viên, làm thợ may, rất có uy tín.

Việc sinh hoạt định kỳ một tháng hai lần. Định thì định thế nhưng chúng tôi còn trẻ, lại đang yêu thơ đến sâu sắc nên hầu như tối nào cũng tới tụ tập tại nhà bác Thi Thảo. Hôm gặp người này người khác nên dần dà việc họp định kỳ cũng không thể và không cần thực hiện nữa. Bác Trần Văn Hoản và Lê Văn An nhà ở Cọc Sáu vừa xa vừa cao tuổi nên ít khi tham gia. Lớp thơ trẻ chúng tôi ngày đó ở Cẩm Phả còn nhấp nhô Thanh Hao, Đào Ngọc Vĩnh, Ngô Xuân Hội, Lê Xuân Nguyện, Phạm Trọng Tý, Phạm Xuân Tĩnh và Hồ Viết Ngoạn nhưng vì nhiều lí do, họ chưa biết hoặc nghe láng máng và không hề tham dự. Lớp già hơn sau này tập trung khá đông: Nguyễn Thành, Trần Diệm, Phạm Bá Thuật, Ngô Chiêm, Nguyễn Lương Áp, Nguyễn Quát, Phạm Nhạ, Vũ Nhật Khoan...

Không khí các buổi sinh hoạt tự phát và rất vui vẻ, đồng điệu. Không khí đoàn kết, thẳng thắn và nghiêm túc. Chờ khi nào có điều kiện, tôi sẽ giới thiệu thơ của một số người lên trang Blog. Mỗi người mỗi vẻ. Nhìn chung thơ chủ yếu giao tiếp, ca ngợi tình yêu, quê hương, đất nước. nhưng khá nhiều bài suất sắc. Một số người như bác Trần Văn Hoản, Trần Thanh Tuấn, Đỗ Đức Tín còn liên kết với bầu bạn từ Nam Định, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Họ đã gửi thơ ra cùng xướng họa. Thơ khá trong sáng và vui.

Nhóm sinh hoạt chừng được 12 năm rồi dần dần chấm dứt quãng năm 1993. Tôi thường tự tìm nguyên nhân nhưng không rõ chính xác. Đông người có thể là sai nếu việc chọn lựa không chắc chắn? Một số giải thưởng các cấp đã khiến cho người được kiêu ngạo, người không tự ty chăng? Hay số người cao tuổi không còn mặn mà với thơ khi sức lực giảm sút và cơ chế thị trường tác động? Một số người theo con cháu rời bỏ địa bàn, xa cơ sở cũ, đi lại cách rách, ngại không tham gia nữa? Lực lượng bổ xung thêm nhiều nhưng đều già cả. Một số đông lần lượt qua đời. Các bác còn lại, tuổi không còn tráng kiện?

Là người trẻ nhất trong nhóm năm ấy, tôi sẽ có trách nhiệm giới thiệu dần những sáng tác tiêu biểu của các thành viên đến với bà con anh em trên Blog. Tuy thế, do thời gian đã quá xa. Việc bảo quản tư liệu, sách vở tại gia đình các bác ấy không được chú trọng đúng mức nên chắc gì đã đầy đủ.

Dù sao tôi cũng sẽ sưu tầm và công bố. Biết đâu mai sau, có người nào yêu thơ đến đất này, có thể biết rằng nơi đây vào cuối thế kỷ 20 đã có một nhóm người hăng hái nhiệt thành, chút ít tài hoa nhưng đầy đặn tình yêu thơ. Thơ họ nhiều cung bậc tình cảm nhưng trong sáng và không hề vụ lợi. Họ không ở tổ chức nào nhưng là gương mặt thơ tiêu biểu, báo hiệu giai đoạn mở đầu phong trào thơ rầm rộ ở một thành phố tương lai.

Dự định là như vậy nhưng rồi sự việc dây dưa với rất nhiều lý do, có khi chính đáng, có khi vu vơ mà bỏ bẵng. Đến hôm nay, cái dự tính ấy trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Bác Lê Văn An đã lâu tôi không còn gặp lại. Bác Đỗ Đức Tín vừa mới qua đời. Sáng nay đi viếng bác, lòng tôi vô cùng ân hận và tiếc nuối. Bác là người cuối cùng còn lưu giữ các sáng tác của bác và anh em ngày ấy. Không biết con cháu bác có giữ được những gì mà cha ông một thời đã say mê trong gian khổ làm ra để di dưỡng tinh thần không?

Nhà thơ Trần Tâm