Vĩnh biệt bác Bành Thông

00:00 12/10/2020

LTS. Nghệ sĩ - Nhà báo Bành Thông, Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam, UVBTV Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, đã qua đời vào hồi 23 h04, ngày 4/5/2016 (tức ngày 28/3/âm lịch), hưởng thọ 76 tuổi.

Nghệ sĩ – Nhà báo Bành Thông tên thật là Đào Đức Thông; sinh ngày 19/8/1941; quê và thường trú tại thôn Miêu Nha, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ông là người đa tài trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật từ làm thơ, viết báo đến viết kịch bản sân khấu, chèo, tuồng, cải lương…Ở lĩnh vực nào ông cũng được ghi nhận với hàng chục huy chương.  Ông nguyên là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Hà Sơn Bình; là người chủ trì thành lập CLB thơ Việt Nam và giữ vị trí Chủ tịch CLB thơ Việt Nam từ khi thành lập đến nay.

Trong 9 năm làm Chủ tịch CLB thơ Việt Nam, Nghệ sĩ – Nhà báo Bành Thông  đã tập hợp lực lượng đông đảo người yêu thơ trong cả nước với trên 9 nghìn hội viên. Đây là mô hình xã hội hội hóa thơ đầu tiên ở VN, có hệ thống từ trung ương đến địa phương. CLB thơ VN đã góp phần bảo tồn, phát triển và tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam.

Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập – DoanhnghieppNet xin chia buồn với BTV CLB Thơ Việt Nam, BTV Hiệp hội PT Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam cùng gia đình cố nghệ sĩ – Nhà báo Bành Thông và giới thiệu bài viết về Nghệ sĩ – Nhà báo Bành Thông.

nha-tho

Nghệ sĩ - Nhà báo Bành Thông trao giải thơ xuất săc cho Hội viên cao tuổi 

Tôi quen bác Bành Thông (thường gọi thân mật là bác Bành) cách đây hơn chục năm. Ngày ấy tôi làm ở Nxb Lao động, thi thoảng gặp bác ấy đến Nxb để liên kết xuất bản tập “Hương Ngoại ô”. Đây là tập thơ, tập hợp sáng tác của các tác giả Hà Tây, Hòa Bình v.v.- nơi bác Bành từng làm Phó Tổng biên tập của tờ Văn nghệ Hà Sơn Bình.

Hội văn nghệ Hà Sơn Bình (tỉnh Hà Tây và Hòa Bình sáp nhập) ngày xưa có nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Ngay cơ quan tôi khi ấy cũng có mấy nhà văn trưởng thành từ “lò” Văn nghệ Hà Sơn Bình như nhà văn Phạm Ngọc Chiểu, nhà văn Tạ Bảo v.v.

Tôi nhớ, có lần tôi mời bác Bành và Nhà văn Tạ Bảo đến gia đình bên ngoại tôi dự bữa cơm tất niên. Trong bữa ăn, bác Bành đọc thơ, bình luận thơ, nói chuyện văn chương, thế sự. Bác Bành nói chuyện hay đến nỗi, mấy người hàng xóm kéo đến, người thì sà vào chiếu, người bám song cửa sổ, nghe bác Bành nói chuyện, vỗ tay rầm rầm.

Nhiều nhà văn, nhà thơ từng đến thăm nhà tôi. Dù đã được giới thiệu, nhưng mọi người trong gia đình chẳng nhớ ai, chỉ nhớ mỗi bác Bành – “cái bác cao lớn, mặc com lê, thắt cà vạt đỏ, nói chuyện hay hay là…”. Hàng xóm tôi có cụ Khánh, trạc tuổi mẹ tôi. Mỗi lần mẹ tôi ra chơi, hai cụ thường quấn quýt, nói chuyện, rồi đọc thơ cho nhau nghe. Thì ra, lâu nay tôi quan tâm sáng tác của những người nổi tiếng hoặc mới xuất hiện trên văn đàn; rồi lạm bàn những chuyện chúng tôi thường cho là hàn lâm, là hiện đại; mà không biết rằng, ngay những thân của mình, những người xung quanh mình, họ cũng có nhu cầu về sáng tác, về giao cảm văn chương, về nhu cầu công bố tác phẩm – dù chỉ là truyền miệng cho một người nghe. Ngay cụ Khánh, hàng xóm tôi đã sáng tác hàng trăm bài thơ. Đưa cho tôi tập bản thảo, cụ Khánh ngập ngừng, nói, cụ làm thơ cho vui và nhờ tôi xem, có thể chọn đăng cho cụ một vài bài trên báo.

Quả thật, thơ cụ rất khó đăng vào tờ báo chuyên ngành khoa học công nghệ, nơi tôi  làm việc (khi đó tôi làm ỏ Tạp chí Than); đăng vào các tờ báo chuyên về văn học- nghệ thuật có lẽ càng khó hơn. Lúc này tôi tìm đến bác Bành. Nghe chuyện, bác Bành bảo, nếu tác phẩm không vi phạm những điều Luật Xuất bản nghiêm cấm thì cậu cứ đưa đây, tôi in cho. Lúc này, bác Bành đã là Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam, xuất bản định kỳ Hương Đất Việt và Sổ tay Người yêu thơ. Tôi bỏ ra hơn trăm nghìn bạc, mấy tuần sau đã có mấy cuốn sách biếu cụ Khánh. Cụ Khánh cầm cuốn sách dày, in đẹp, trong đó có ảnh, trích ngang lí lịch và 3 bài thơ của mình, được sửa chữa, biên tập lại, mừng run lên, không tin thơ mình được đăng vào cuốn sách sang trọng như thế. Và chính tôi, cũng rất mừng, vì món quà tặng cụ thật ý nghĩa, lớn hơn giá trị tiền mặt nếu tôi biếu cụ.

Sau này, tôi nghe một số người phàn nàn cách làm này của bác Bành. Họ cho rằng, đã có thơ đăng sách, báo, tác giả phải được nhuận bút chứ ai lại như bác Bành, in thơ của người ta, đã không trả nhuận bút lại còn vận động tác giả bỏ tiền ra mua tác phẩm của mình!

-Cậu buồn cười! – bác Bành thường có câu của miệng như thế – Bây giờ việc phát hành khó khăn, hầu hết các tác giả có nhu cầu công bố tác phẩm của mình phải tự bỏ tiền túi ra mà in rồi tự phát hành. Nếu họ chưa đủ điều kiện để xuất bản cả tập thì CLB chúng tôi in từng trang cho họ, tập hợp lại thành tập. Hai hình thức xuất bản này về bản chất có khác gì nhau đâu.

Lại rằng, việc xuất bản ồ ạt như thế, liệu chất lượng sẽ ra sao, bác Bành?

-Cậu buồn cười! Một bài thơ, có thể chỉ cần cho một người; ví như tiếng đàn của Bá Nha ngày xưa bên Tàu chỉ mỗi Chung Tử Kỳ nghe. Khi Bá Nha chết, Chung Tử Kỳ đành đập cây đàn. Làm sao có thể coi thường sức sáng tạo trong dân được! CLB Thơ Việt Nam là một sân chơi quần chúng chứ không phải là hội nghề nghiệp, trong số đó có nhiều thành viên là người dân lao động bình thường, họ làm thơ để chơi, để thỏa mãn nhu cầu giải tỏa tâm trạng chứ không có ý định tạo lập thương hiệu hay phong cách để theo kịp thời đại. Người làm thơ có hai điều sung sướng – bác Bành tiếp - Một là thơ của mình được trình làng. Hai là thơ của mình có nhiều người đọc. Cuốn Hương Đất Việt và Sổ tay thơ của CLB Thơ VN đã làm được điều đó. Mỗi tháng, chúng tôi đều cố gắng giới thiệu một tác giả. Có thể là bài thơ của anh chưa hay so với người khác nhưng lại hay hơn so với những bài thơ khác của anh thì chúng tôi vẫn đăng. Vì đó là sự cố gắng của người ta và cái lòng của người ta với thơ nữa. Có như thế, CLB Thơ Việt Nam mới là mô hình xã hội hội hóa thơ đầu tiên, có hệ thống từ trung ương đến địa phương.

CLB Thơ Việt Nam hiện nay đã lên tới hơn 9 nghìn hội viên. Việc kết nạp vào CLB Thơ thực hiện nhanh và quanh năm, chứ không có “mùa”, qua bình xét, đấu đá ầm ĩ như các hội chuyên ngành. Có người phàn nàn, việc kết nạp “đại trà” như thế e rằng, CLB trở thành sân chơi dễ dãi, bát nháo:

-Cậu buồn cười! Tại sao lại phải hoãn cái sự sung sướng của người ta lại nhỉ? Tại sao cứ phải chạy chọt, cầu cạnh mới được vào hội này, hội nọ nhỉ. Ở CLB thơ VN, chúng tôi phân cấp cho các lãnh đạo cơ sở tự thẩm định về tư cách đạo đức của ứng viên, chỉ cần có một hội viên cũ giới thiệu, làm đơn theo mẫu CLB cấp và nộp kèm mấy bài thơ, mỗi đợt gom khoảng chục người gửi lên đây là tôi ký quyết định, làm Thẻ hội viên, gửi về ngay.

Tôi đã được xem Thẻ hội viên của CLB. Đẹp, trang trọng. CLB còn tặng Kỷ niệm chương cho những người có thành tích xây dựng CLB, rất đẹp. Những hội viên của CLB được cấp thẻ đều gọi tuốt là “Nhà thơ”. Có người lại phàn nàn rằng, CLB Thơ Việt Nam kết nạp hội viên và “phong” danh hiệu “nhà thơ” nhanh và dễ dàng như thế là “đụng hàng” đến các nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam:

-Cậu buồn cười! Nếu quy định phải là hội viên Hội nhà văn mới được gọi là “nhà thơ”, “nhà văn” thì cụ Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan phải gọi là gì? Người ta cứ quan niệm phải thế này thế kia mới là nhà thơ. Còn tôi thì quan niệm khác. Giáo viên thì dạy đại học hay dạy mẫu giáo đều là giáo viên; công nhân chế tạo thiết bị điện tử hay thợ cơ khí đều gọi là công nhân; cầu thủ đá bóng thì cứ ra sân được gọi là cầu thủ dù trong đội tuyển quốc gia hay trong các đội bóng đá phong trào của cơ quan doanh nghiệp. Thế nên, đã là hội viên CLB thơ, tôi cứ cho gọi tuốt là nhà thơ. Sao cứ phải là hội viên ở hội này, hội nọ mới được gọi là nhà thơ, nhà văn, nhỉ! Điều mà chúng tôi ghi nhận và luôn tự hào là CLB Thơ Việt Nam có hơn 9 nghìn hội viên nhưng đoàn kết, thân ái; không có chuyện chửi bới, đấu đá nhau…

tang-hoa

Nghệ sĩ - Nhà báo Bành Thông tặng hoa chúc mừng Tác Phẩm Mới tại Hội nghị CTV và Bạn đọc, năm 2014. Trái sang: GS. Nguyễn Lân Dũng, nhà báo Cao Thâm, Đinh Thị Hường và Nghệ sĩ - Nhà báo Bành Thông.

Sinh thời, bác Bành cùng tôi, nhà thơ Chủ Thu Hằng và GS. Nguyễn Lân Dũng đã nhiều lần bàn bạc để nâng tầm TÁC PHẨM MỚI – Chuyên đề Văn học Nghệ thuật do tôi, Chử Thu Hằng và GS. Nguyễn Lân Dũng thành lập. Nhưng ý tưởng đó chưa thành thì bác Bành đã đi xa. Nhiều dự định của bác Bành ở CLB thơ VN vẫn đang dở dang.

Nhưng bác Bành ơi, những gì bác đã làm cho người yêu thơ Việt Nam; cho sự nghiệp văng chương VN cũng đã đáng ghi nhận và khiến nhiều người nghiêng mình kính nể rồi. Vĩnh biệt bác Bành Thông!

Cao Thâm