NHÌN LẠI THẾ GIỚI 2019: Cuộc chiến không khoan nhượng chống tin giả

00:00 12/10/2020

Trong năm 2019, cuộc chiến chống thông tin giả (fake news) và thông tin xấu độc trên toàn thế giới đã có những chuyển biến mạnh mẽ.

Biểu tượng Facebook tại California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhận thức rõ mối nguy hiểm khôn lường và phức tạp mà loại "virus" trên gây ra, nhiều chính phủ và tổ chức trên thế giới đã có thái độ nghiêm túc, hành động quyết liệt, bên cạnh đó là sự hợp tác trên quy mô toàn cầu chống lại vấn nạn toàn cầu này.

Các trang mạng xã hội đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc kết nối thế giới, nhưng đồng thời cũng tạo mảnh đất màu mỡ để tin tức giả và thông tin độc hại lan tràn như một bệnh dịch. Nếu các hình ảnh, video và tin tức giả được ví như loại virus nguy hiểm thì mạng xã hội chính là vật chủ lây nhiễm.

Hiện có 3,2 tỷ người trên toàn thế giới sử dụng mạng xã hội hằng ngày, trong đó có khoảng 2,25 tỷ người dùng Facebook, do vậy tin giả không đơn thuần chỉ để tăng lượt xem, mà còn có thể thao túng đám đông, gieo rắc ý tưởng độc hại tới lượng người khổng lồ.

Trong năm qua, ước tính các chiến dịch tung tin giả đã diễn ra ở ít nhất 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, không chỉ làm tổn hại lợi ích của các cá nhân, tổ chức mà còn là lợi ích nhiều quốc gia và trật tự thế giới. Các cuộc biểu tình, bạo loạn đã nổ ra tại nhiều nước và tin giả là tác nhân gây ra những căng thẳng xã hội.

Tin giả ngày càng trở nên nguy hiểm khi chúng được lan truyền có tổ chức, có chủ ý, bóp méo sự thật đến mức phi lý, góp phần kích động bạo lực, gây rối loạn xã hội, làm bất ổn kinh tế lẫn chế độ chính trị, thậm chí còn đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia.

Trong cuộc đảo chính bất thành của phe đối lập tại Venezuela hồi cuối tháng 4, Tổng thống Nicolas Maduro đã bác bỏ thông tin được lan truyền qua mạng rằng ông "có kế hoạch chạy sang Cuba nhưng được Nga thuyết phục ở lại Venezuela". Thông tin này sau đó được xác định là hoàn toàn bịa đặt, nhằm tạo sự hoang mang trong người dân Venezuela.

Trước đó, trong tháng 3, cảnh sát Indonesia đã phát hiện và bắt giữ những đối tượng lập ra nhóm mang tên "Gia đình mạng quân đội Hồi giáo" (MCA), chuyên sản xuất tin tức giả mạo nhằm bôi xấu lãnh đạo, gây bất ổn chính trị và thậm chí làm nhiễu thông tin về cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này.

Trong thời gian dài chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Indonesia, nạn tin giả cũng đã nở rộ ở quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới này.

Chiến dịch này lan rộng đến mức chính phủ phải tổ chức họp báo hằng tuần để vạch mặt những kẻ tung tin giả và đính chính lại những thông tin sai sự thật. Tin tức giả mạo hướng tập trung vào những vấn đề tôn giáo và sắc tộc của ứng cử viên, có thể mang tính chất kích động cao bởi đây là những vấn đề có sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Indonesia.

Biểu tượng Google tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Ở Ấn Độ và nhiều nước khác ở châu Á, Trung Đông, châu Phi, tin tức giả mạo thường nhắm vào chủ đề tôn giáo với ý đồ chính trị. Những tin tức sai sự thật được tạo ra hòng tạo mâu thuẫn trong các cộng đồng tôn giáo khác nhau.

Hậu quả của vấn nạn tin giả trong lĩnh vực tôn giáo, sắc tộc là rất nguy hiểm bởi có thể dẫn tới sự thù ghét, xung đột, chiến tranh giữa các cộng đồng, từ đó tạo ra những khu vực bất ổn quy mô lớn.

Bất chấp những cảnh báo, chiến dịch bầu cử nghị viện châu Âu giữa năm nay cũng chịu tác động của làn sóng tin giả. Một loạt tài khoản giả mạo tại Italy đã bị phát hiện phát tán tin giả vào thời điểm trước cuộc bầu cử này.

Kết quả điều tra cho thấy 23 trang trên Facebook tại Italy đã phát tán thông tin sai lệch, gây chia rẽ trong xã hội như nội dung chứa tư tưởng bài Do Thái, phản đối vaccine, chống người nhập cư. Các trang này có khoảng 2,5 triệu lượt người theo dõi và hơn 10 trang ủng hộ các đảng theo chủ nghĩa dân túy và cánh hữu.

Ngay tại Mỹ, tin giả thậm chí có thể có mặt ngay trên báo in, báo điện tử, truyền hình chính thống hoặc lan tỏa trên các phương tiện truyền thông và các mạng xã hội với cấp độ nhanh. Ranh giới giữa thật và giả trong các bản tin của báo chí Mỹ cũng đã châm ngòi cho một cuộc chiến vẫn đang âm ỉ giữa ông chủ Nhà Trắng và giới truyền thông Mỹ hiện nay.

Dưới sức ép của chính quyền và dư luận, một số ông chủ của các hãng công nghệ lớn, điển hình là Giám đốc điều hành mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook cũng đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, cam kết hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra về những chiến dịch tung tin giả.

Ngay tại nước Nga, làn sóng tin giả thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều. Những thông tin về các vụ khủng bố nhằm vào thủ đô Moskva và vùng ngoại ô hay những con số thương vong cao gấp 4-5 lần thực tế trong các vụ tai nạn được liên tiếp đưa ra trên các trang mạng xã hội dù cơ quan an ninh Nga khẳng định những sự việc trên không có thật.

Tin thất thiệt, sai sự thật đã gây sự hoang mang, bức xúc trong dư luận, đồng thời gây ra cả những phản ứng tiêu cực từ phía người dân.

"Sự bành trướng" trên mức độ toàn cầu của vấn nạn tin giả khiến cuộc chiến chống tin giả cũng đã thành cuộc chiến mang quy mô toàn cầu. Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 74 Đại Hội đồng LHQ ở New York, Mỹ tháng 9/2019, hơn 20 quốc gia, trong đó có nhiều nước phương Tây, đã ký thỏa thuận ngăn chặn lan truyền tin giả trực tuyến.

Các nước tham gia thỏa thuận cam kết quảng bá thông tin được báo cáo độc lập, đa dạng và xác thực trên Internet. Thỏa thuận này nhằm nhấn mạnh trách nhiệm của các nhà cung cấp Internet trong việc thúc đẩy kiểm soát nội dung để thoát khỏi sự hỗn loạn thông tin như hiện nay.

Năm 2019, thêm hàng loạt quốc gia đã đưa ra các biện pháp chống vấn nạn này. Đơn cử như như hồi tháng 10 vừa qua, luật chống tin giả tại Singapore đã chính thức có hiệu lực, những ai có hành vi phát tán các thông tin sai sự thật chứa nội dung cố ý gây hại tới lợi ích của công chúng sẽ phải đối mặt với án phạt lên tới 100.000 SGD (hơn 72.000 USD), thậm chí bị phạt tù giam lên tới 10 năm.

Tại Thái Lan, đầu tháng 11 vừa qua, Trung tâm chống tin giả đã chính thức đi vào hoạt động, sử dụng trí tuệ nhân tạo và các nhân viên giám sát đã được huấn luyện nhằm nhận diện và xác minh các thông tin giả mạo.

Trung Quốc không cho phép bất cứ mạng xã hội nào của nước ngoài được hoạt động, thay vào đó, Bắc Kinh hối thúc các công ty công nghệ của nước này sáng tạo và đưa vào sử dụng các mạng xã hội riêng vừa để kiểm soát an ninh mạng vừa coi đó là biện pháp hạn chế tin giả.

Tại Nga, hồi tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành luật chống tin giả, theo đó chính quyền có thể khóa các trang web không đáp ứng các yêu cầu xóa bỏ những nội dung sai lệch. Các cá nhân có thể bị phạt tới 400 nghìn ruble (hơn 8.300 USD) vì phát tán và lan truyền tin giả trực tuyến vi phạm nghiêm trọng tới trật tự công cộng.

Biểu tượng Instagram (phải) trên máy tính bảng tại Lille, Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trước sức ép của chính quyền và cộng đồng yêu cầu các trang mạng xã hội nỗ lực hơn nữa để xử lý vấn nạn tin giả ngày càng gia tăng, Facebook, Twitter, Youtube, cùng nhiều mạng xã hội khác đều tự nâng cao trách nhiệm đối với các nội dung được đăng tải.

Hồi tháng 9, mạng xã hội Twitter đã đóng hàng nghìn tài khoản vì phát tán tin giả, thổi phồng hay kích động tình hình tại Hong Kong (Trung Quốc), Saudi Arabia, Yemen gây bất ổn dư luận như một phần của cuộc chiến tranh tuyên truyền trong những khu vực vốn đang rơi vào tình trạng căng thẳng này.

Trước đó, Facebook xóa rất nhiều tài khoản giả mạo ở Saudi Arabia, Ai Cập và UAE vì đăng thông tin sai sự thật về các điểm nóng trong khu vực như Libya, Sudan và Yemen.

Mới đây nhất, Facebook cũng xóa trang mạng "I Love America" và các trang liên quan vì vi phạm chính sách chống tài khoản giả mạo sau khi điều tra cho thấy các trang được hàng triệu người theo dõi này đăng tin sai lệch với mục đích can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Facebook cũng thông báo đầu tư 300 triệu USD theo kế hoạch liên kết 3 năm với các tờ báo, cơ quan xuất bản chính thống, nhằm tạo điều kiện để đăng tải các thông tin chất lượng.

Instagram cũng vừa thông báo mở rộng mạng lưới kiểm chứng thông tin bên thứ ba ra toàn thế giới, qua đó tăng quy mô cuộc chiến chống tin giả ra toàn cầu....

Có thể nói cuộc chiến chống tin giả đang bước vào hồi khốc liệt nhất, khi mà còn nguy hiểm hơn cả fake news, công nghệ “siêu giả” (Deepfake) với khả năng cắt ghép khuôn mặt và hủy hoại danh tiếng của người khác chỉ trong vài nút bấm đã xuất hiện và được dự báo có thể tạo nên những "cơn ác mộng" cho Internet trong tương lai.

Bên cạnh đó, mọi biện pháp quản lý và kiểm soát sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu không có sự phối hợp và thể hiện trách nhiệm của mỗi người dân tham gia mạng xã hội.

Việc nhận diện các tin giả và độc hại, không xem hay chia sẻ những thông tin xấu này sẽ góp phần tạo ra môi trường mạng lành mạnh hơn và một thế giới an toàn hơn./.

TRẦN THANH BÌNH/TTXVN