Nhiều sức ép gia tăng lên lãi suất cho vay

00:00 12/10/2020

Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều thay đổi, cùng với những thay đổi trong điều hành tín dụng của cơ quan quản lý, áp lực lên lãi suất ngày càng hiện hữu.

Giới chuyên gia cho rằng giảm lãi suất cho vay là vô cùng khó khăn, thậm chí từ nay đến cuối năm, việc ổn định tiền đồng, ổn định lãi suất, kiểm soát lạm phát vẫn gặp nhiều áp lực.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy, thời điểm này, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi, đặc biệt là đối với các kỳ hạn dài. Chẳng hạn, Vietcapital Bank niêm yết lãi suất tiền gửi dài hạn trên từ 24 tháng lên tới 8,6%/ năm; ở kỳ hạn 12 tháng ngân hàng BacABank và NCB đang niêm yết ở mức 8%; NamABank là 7,9%; OCB là 7,8%… Một số ngân hàng khác gia tăng thanh khoản bằng việc phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 8,6% – 9%/năm.

Lãi suất huy động vẫn cao

Cụ thể, từ tháng 4, VietABank điều chỉnh lãi suất chứng chỉ tiền gửi ghi danh cho khách hàng cá nhân cao nhất là 9,1%/năm với nhận lãi cuối kỳ và 8,38%/năm với hình thức nhận lãi hàng tháng.

SHB có chương trình phát hành 10.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, lãi suất 8,9%/năm. Cá nhân mua chứng chỉ mệnh giá dưới 2 tỷ đồng, lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng lần lượt là 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm. Với chứng chỉ mệnh giá 2 tỷ đồng trở lên, lãi suất áp dụng lần lượt là 8,7%/năm; 8,8%/ năm và 8,9%/năm

Maritimebank cũng đã giới thiệu một loại chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn tới 30% so với lãi suất tiền gửi thông thường của ngân hàng này là 6,8%, 7,3% và 7,7% cho các kỳ hạn 6, 12 và 18 tháng.

Trong cuộc đua phát hành chứng chỉ tiền gửi còn có sự xuất hiện của "ông lớn" ngân hàng quốc doanh như BIDV có chương trình chứng chỉ tiền gửi trung, dài hạn từ đầu tháng 3, lãi suất 7,6%/năm cho hình thức lãi suất cố định và 7,5%/ năm cho lãi suất thả nổi.

Việc đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi là dễ hiểu trong bối cảnh quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cho các ngân hàng đã giảm từ 45% về mức 40% và rất có thể sẽ bị rút xuống mức 30% theo một lộ trình sắp tới. Do đó nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn ở các ngân hàng càng trở nên cấp thiết.

suc-ep-len-ty-gia-1162-1559141287.jpg

Chủ trương nhất quán của NHNN là chủ động điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản; chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay

Chịu sức ép lớn

Một chuyên gia tài chính nhận định thêm yếu tố nữa khiến các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất huy động là do áp lực lạm phát.

Trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2019 tổ chức ngày 29/5, các chuyên gia Viện kinh tế và chính sách (VEPR), nhận định lạm phát cả năm 2019 là khó kiểm soát hơn và đưa ra dự báo nhiều khả năng có thể lên tới 4 – 5%.

Nhóm nghiên cứu đưa ra hai kịch bản, một là kinh tế tăng trưởng chậm hơn dự kiến, lạm phát chỉ đạt mức 4,21%. Trong kịch bản thứ hai, lạm phát cả năm ở mức 4,79%, cao hơn mục tiêu của Quốc hội đề ra (4%).

Nguy cơ lạm phát theo kịch bản thứ hai có thể xảy ra, nếu có sự cộng hưởng từ sức ép lạm phát gia tăng đến từ bên trong và bên ngoài. Cụ thể, trong nước, các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công cũng như điều chỉnh tăng giá xăng dầu đã được thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ gây áp lực lớn gia tăng lạm phát.

Bên ngoài là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang căng thẳng, đem đến những sức ép mới khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ thị trường Trung Quốc, gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa khi cả Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam.

Từ những đánh giá trên, các chuyên gia cho rằng áp lực lạm phát tăng cao chắc chắn sẽ gây áp lực lên lãi suất. Tuy nhiên, ở góc độ của cơ quan giám sát tài chính quốc gia, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết thông điệp của Chính phủ cũng như các định chế tài chính đều khẳng định trong năm 2019, cung tiền ổn định, tỷ giá cũng ổn định, thanh khoản toàn hệ thống khá tốt, lãi suất liên ngân hàng ở mức ổn định. Do đó, về cơ bản lãi suất sẽ được duy trì ở mức ổn định.

Chủ trương nhất quán của NHNN là chủ động điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản; chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Trước những thách thức luôn tồn tại trong những điều kiện nêu trên, các chuyên gia cho rằng mặt bằng lãi suất có giữ được ổn định hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng điều hành của các cơ quan quản lý.

Ts.Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm NHNN nên tiếp tục tăng lượng cung tiền ra thị trường, giúp các ngân hàng thương mại dồi dào thanh khoản hơn, từ đó sẽ có thêm điều kiện hạ lãi suất.

Hoàng Hà