Nhiều doanh nghiệp thoát nỗi lo bị cưỡng chế thuế

00:00 12/10/2020

Thông tư 39/2018 của Bộ Tài chính vừa có hiệu lực từ 5/6/2018 sẽ giúp nhiều doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ bị cưỡng chế thuế.

Thông tư 39/2018 sửa đổi Thông tư số 38/2015 quy định về "thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quản; thuế XK, thuế NK và quản lý thuế đối với hàng hóa XK,NK" với mục tiêu hàng đầu là tạo sự minh bạch trong thực hiện thủ tục hải quan.

Hải quan Bình Dương kiểm tra nguyên liệu vải NK. Ảnh: T.Hòa

Nỗi khổ của doanh nghiệp vì Thông tư 38/2015

Các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu là đối tượng đầu tiên cảm nhận sự bất cập của thông tư 38/2015. Kể từ khi Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2015, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã nhận được phản hồi của nhiều doanh nghiệp nêu các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện việc hoàn thuế, không thu thuế.

Theo phản hồi của các doanh nghiệp, tại Khoản 1, Điều 119 Thông tư 38 quy định, doanh nghiệp nộp hồ sơ nhưng không nêu rõ các biểu mẫu, yêu cầu báo cáo kèm theo, do đó các doanh nghiệp không biết chuẩn bị những biểu mẫu gì để kiểm tra đối chiếu với hải quan.

Bên cạnh đó, thời gian thực hiện bộ hồ sơ thuế và quy trình kiểm tra theo Thông tư 38 cũng khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Căn cứ vào Điều 114 và Điều 129 thì việc làm hồ sơ thuế với các tờ khai XNK hàng hóa của doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm tra trước, hoàn thuế, không thu thuế sau và phải tiến hành kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp. Việc kiểm tra trước hoàn thuế sau thuộc thẩm quyền của cục trưởng và do chi cục trưởng tổ chức thực hiện. Theo bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Thực hiện theo đúng quy trình này sẽ mất rất nhiều thời gian, khó bảo đảm hoàn thành hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế trong thời gian ân hạn 275 ngày, dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp bị cưỡng chế thuế rất cao và số thuế truy thu sẽ lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Thông tư 39/2018 sửa đổi theo hướng quy định rõ cách thức xác định số tiền thuế phải nộp đối với tờ khai XKK lần đầu đã xác định được số tiền thuế.

Theo bà Phương Dung, các điều kiện quy định tại Điều 129 tất cả các doanh nghiệp có hoạt động theo loại hình sản xuất xuất khẩu thì đều xếp vào diện kiểm tra trước, hoàn thuế, không thu thuế sau. “Điều này không đúng theo thực tế quản lý rủi ro” - bà Dung nhận định.

Đồng bộ quy định chống gian lận thuế

Theo đại diện Cục Giám sát quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan), một trong những điểm quan trọng được bổ sung, sửa đổi của Thông tư 39/2018 là quy định về hồ sơ hải quan được chuẩn hóa và thống nhất. Cụ thể, trong Thông tư 38 hồ sơ hải quan được quy định rải rác ở nhiều điều (Điều 16; Điều 82; Điều 86; Điều 87; Điều 93; Điều 142; Điều 143). Thông tư 38 cũng không quy định rõ ràng số lượng chứng từ phải nộp, xuất trình tại thời điểm thông quan, tại thời điểm kiểm tra sau thông quan và đặc biệt những chứng từ phải lưu tại trụ sở doanh nghiệp. Do đó, cả doanh nghiệp và cán bộ hải quan đều lúng túng trong việc xác định những chứng từ nào là chứng từ phải nộp, chứng từ nào phải lưu tại doanh nghiệp và nếu đã nộp cho hải quan thì có phải lưu tại doanh nghiệp không?

Tháo gỡ vướng mắc này, hồ sơ hải quan đã được quy định gọn tại Điều 16 và Điều 16a, Thông tư 39. Một điểm mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được Thông tư 39 cụ thể hóa là nộp hồ sơ hải quan dưới dạng điện tử. Theo cơ quan hải quan, quy định hiện nay cho phép người khai hải quan có thể lựa chọn nộp hồ sơ hải quan dưới dạng giấy hoặc dạng điện tử. Nhưng thực tế vẫn còn tình trạng hải quan cửa khẩu yêu cầu doanh nghiệp ngoài hồ sơ điện tử phải nộp cả hồ sơ giấy. Cũng theo đại diện Cục Giám sát quản lý hải quan, so với Thông tư 38/2015, Thông tư 39/2018 có bổ sung, sửa đổi các quy định về kiểm soát hải quan, đảm bảo ngăn ngừa gian lận vi phạm về hải quan.