Nhiều doanh nghiệp nội địa có dấu hiệu rõ ràng việc báo lỗ, chuyển giá

00:00 12/10/2020

Hiện nay không chỉ các doanh nghiệp FDI mà có cả nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách Nhà nước, trong đó có vụ việc tiêu biểu là Sabeco… Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết.

Ảnh minh họa

Trong tuần qua, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 29 cho ý kiến thẩm tra dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung các nguyên tắc cơ bản trong kê khai, nộp thuế và quản lý thuế đối với nhóm người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết để tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp, tăng cường tính minh bạch, rõ ràng, ổn định.

Dự thảo Luật cũng đã luật hóa một số nguyên tắc cơ bản về giao dịch liên kết đã được quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, gồm: Nguyên tắc quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết;  Áp dụng cơ chế đơn giản hoá trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết đối với người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro thấp; Nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, thông tin dữ liệu đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; Quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết...

Ngoài ra, trong bối cảnh phát triển mạnh loại hình kinh doanh thương mại điện tử như việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo... thông qua các phương tiện như phát sóng truyền hình, các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội của nước ngoài tại Việt Nam, dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Cụ thể, xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online; bổ sung quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, quản lý giám sát dòng tiền, thực hiện khấu trừ thuế đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thương mại điện tử trong trường hợp tổ chức kinh doanh không có hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Phát biểu tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy viên Nguyễn Thị Yến cho biết, trong giai đoạn 2015-2017, có khoảng 50% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có hiện tượng chuyển giá, trong đó có những doanh nghiệp FDI rất lớn, có doanh nghiệp kê khai lỗ nhiều năm liền và mặc dù kê khai lỗ liên tục, song nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất.

Trước thực trạng này, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ thì sẽ gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước, tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác

Vì vậy, theo bà Yến, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này cần có giải pháp quản lý khắc phục tình trạng này, cùng với đó cũng cần đặt vấn đề về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, công tác quản lý nhà nước về chuyển giá còn nhiều bất cập và hạn chế bởi đây là vấn đề tương đối phức tạp. Hiện nay không chỉ các doanh nghiệp FDI mà có cả nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách Nhà nước, trong đó có vụ việc tiêu biểu là Sabeco mà Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị truy thu thuế.

Để khắc phục tình trạng trên, theo Bộ trưởng Dũng, dự thảo Luật cũng sẽ có các quy định tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý thuế; cùng với đó là có các chế tài, gắn trách nhiệm với cá nhân, cơ quan cụ thể; tăng cường quản lý một số vấn đề còn bị buông lỏng như kiểm soát thực chất giá trị đầu tư của doanh nghiệp so với kê khai để hưởng khấu hao.

Liên quan đến các quy định gắn với hội nhập kinh tế quốc tế và hợp tác quốc tế về thuế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho rằng, cách thể hiện trong dự thảo Luật chưa làm nổi bật các vấn đề liên quan đến thuế quốc tế cần được gia cố thêm bởi đây là vấn đề quan trọng. Đặc biệt trong môi trường kinh tế số, kinh tế chia sẻ, giao dịch điện tử cung cấp dịch vụ qua biên giới dự thảo cần tính đến những vấn đề chống xói mòn thuế, và đề cập ngay trong nguyên tắc quản lý thuế.

Theo đại biểu Chi, dự thảo Luật đã có quy định nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức” nhưng quy định này là chưa rõ ràng, khó áp dụng, cần phải làm rõ bản chất của nguyên tắc này là quản lý thuế căn cứ vào bản chất của giao dịch trong trường hợp không có sự nhất trong bản chất giao dịch hay hoạt động với hình thức của hợp đồng.

Đại biểu Chi cho rằng, cần bổ sung quy định bảo đảm quyền thu thuế của Việt Nam như việc các doanh nghiệp liên kết phải nộp thuế tương xứng với phần giá trị tạo ra tại Việt Nam; đánh thuế với các giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp của các công ty nước ngoài sở hữu tài sản tại Việt Nam.

Ủy viên Nguyễn Vân Chi nhấn mạnh, khi đưa ra các nguyên tắc quản lý thuế thì trong từng điều khoản của dự thảo luật từ việc quy định ấn định thuế, kê khai thuế… đều phải tuân theo các nguyên tắc đó.

Ngoài ra, để bảo đảm hiệu quả thực thi luật trong bối cảnh mới, dự thảo luật cũng cần bổ sung các khái niệm theo thông lệ quốc tế như quy định về cơ sở thường trú, giao dịch liên kết, thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế ...

Hoàng Hải