Nhiều doanh nghiệp kiểm toán đang... "điếc không sợ súng"

00:00 12/10/2020

Cách mạng công nghệ 4.0 đang và sẽ tác động lớn đối với ngành nghề kế toán, kiểm toán trong tương lai không xa, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong ngành này đang "điếc không sợ súng".

Cách mạng công nghệ 4.0 vừa đặt ra thách thức nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội đối với ngành nghề kế toán, kiểm toán, tài chính

Thách thức không nhỏ

Mặc dù các KTV, doanh nghiệp kiểm toán nhìn thấy các cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 đối với ngành nghề, tuy nhiên, qua khảo sát có thể thấy, các KTV và doanh nghiệp kiểm toán tại Việt Nam hiện nay còn thờ ơ và chỉ mới bắt đầu tìm hiểu ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, máy học, blockchain vào trong ngành nghề của mình để thích nghi và ứng phó với sự phát triển của CMCN 4.0.

Qua kết khảo sát đánh giá ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 đến lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính và đặc biệt là ảnh hưởng đối với các kiểm toán viên (KTV) và doanh nghiệp kiểm toán cho thấy, mặc dù thông tin truyền thông rất nhiều nhưng thực tế chỉ có hơn một nửa có sự quan tâm cao và chỉ hơn 10% KTV là có sự quan tâm đặc biệt. Trong khi đó điều đáng cảnh báo là có đến 5% số người được khảo sát không và ít quan tâm đến CMCN 4.0 là gì. Đồng thời 1/3 KTV được khảo sát cho rằng CMCN 4.0 là vấn đề bình thường như mọi việc khác.

Về cơ bản các doanh nghiệp kiểm toán, KTV cho rằng CMCN 4.0 đang và sẽ tác động lớn đối với ngành nghề kế toán, kiểm toán (67%) và một số ít (5%) nhận thức được CMCN 4.0 sẽ tác động làm biến đổi sâu sắc, toàn diện ngành nghề trong tương lai không xa. Tuy nhiên, số liệu còn thể hiện điều khiến chúng ta phải quan tâm đó là có đến 25% các doanh nghiệp kiểm toán, KTV cho rằng CMCN 4.0 chỉ tác động bình thường như các yếu tố khác hiện đang tác động đến công việc của họ (như cạnh tranh giá phí, các kỹ thuật kế toán - kiểm toán truyền thống, tuân thủ chuẩn mực, chính sách chế độ…); và có đến 3% cho rằng CMCN 4.0 rất ít tác động đến công việc mà họ đang thực hiện, cung cấp cho khách hàng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, hầu hết KTV, doanh nghiệp kiểm toán đánh giá CMCN 4.0 tạo ra “cơ hội lớn” đối với KTV và DNKiT. Cụ thể cơ hội lớn nhất là giúp các KTV, doanh nghiệp kiểm toán khai thác dữ liệu mà họ thường xuyên thu thập trong quá trình cung cấp dịch vụ kế toán - kiểm toán của khách hàng (74%) và nâng cao chất lượng dữ liệu chính xác hơn và chi tiết hơn (70%). Trong khi đó vẫn còn 1/3 số lượng KTV, doanh nghiệp kiểm toán còn bàng quan, thậm chí từ 1%-9% cho rằng CMCN 4.0 rất ít, thậm chí không mang lại cơ hội gì cho ngành nghề kế toán, kiểm toán, tài chính.

Bên cạnh đánh giá CMCN 4.0 tạo ra “Cơ hội lớn” thì kết quả khảo sát cho thấy các KTV, doanh nghiệp kiểm toán đánh giá CMCN 4.0 tạo ra sự “Thách thức lớn”. Một số vị trí công việc truyền thống sẽ biến mất, ngành nghề bị mai một dần; hoặc một số chuyên gia hoài nghi rằng các dịch vụ kế toán và kiểm toán sẽ không cần người lao động do áp dụng công nghệ số hóa.

Sự “Thách thức lớn” được các KTV, doanh nghiệp kiểm toán đánh giá nhiều nhất đó là yêu cầu về lao động có hiểu biết, cập nhật về lĩnh vực công nghệ thông tin do khách hàng ứng dụng nhiều công nghệ vào hoạt động kinh doanh (62%).

Ngoài ra, các KTV và doanh nghiệp kiểm toán nhận thức rằng họ đang thiếu kiểm soát về các dữ liệu kế toán hơn trước kia. Đồng thời họ còn nhận thấy về mặt kế toán ghi sổ, nhập liệu sẽ thay thế bằng máy móc, nhập liệu tự động, hệ thống tự tích hợp, đồng bộ sẽ làm giảm việc làm. Về mặt kiểm toán, sự phức tạp của cuộc cách mạng có thể khiến các KTV không còn là KTV mà trở thành các kỹ sư tin học. Do đó, ảnh hưởng của CMCN4.0 sẽ đòi hỏi các KTV phải bồi dưỡng thật vững kiến thức về công nghệ thông tin để có để hiểu được các giao dịch phức tạp (ví dụ Blockchain), các thủ thuật, xây dựng các phần mềm để có thể chứa được dữ liệu, thủ thuật phát hiện việc biến đổi, thao túng các số liệu dựa trên môi trường tự động hóa...

Điều đặc biệt, các KTV, doanh nghiệp kiểm toán (27%) thấy quan ngại sâu sắc đến việc CMCN 4.0 sẽ đặt ra thách thức phải xem xét đến các vấn đề thuộc phạm trù đạo đức nghề nghiệp sẽ bị thay đổi. Các dữ liệu lớn thu thập trong quá trình cung cấp dịch vụ tư vấn, kế toán, tài chính, kiểm toán cho khách hàng sẽ được sử dụng, phân tích như thế nào; vấn đề về tính cạnh tranh độc quyền của các doanh nghiệp kiểm toán lớn; vấn đề về lao động số. Liên quan đến vấn đề đạo đức này còn nổi lên nội dung thách thức mới cho các cơ quan quản lý Nhà nước là do các doanh nghiệp kiểm toán cũng như khách hàng của các doanh nghiệp kiểm toán lớn đang tiến rất nhanh trong công nghệ, trong khi các cơ quan quản lý không có đủ nguồn lực để bắt kịp với những gì mà các doanh nghiệp lớn này đang làm. Đồng thời, các doanh nghiệp kiểm toán lớn (ví dụ như Big 4) đang tập trung nguồn lực lớn để phát triển công nghệ thì điều này sẽ trở thành rào cản cho các doanh nghiệp kiểm toán vừa và nhỏ vì các Big 4 sẽ kiểm soát thị trường nhiều hơn nữa (có thể là độc quyền) khi họ đạt được các tiến bộ công nghệ nhanh chóng.

Phần đông (khoảng hơn 1/2) các KTV, doanh nghiệp kiểm toán đều cho rằng CMCN 4.0 đem đến thách thức lớn và sâu sắc trong tương lai về các loại hình dịch vụ, phương pháp và cách thức cung cấp dịch vụ, sự cạnh tranh trong ngành nghề. Trong khi đó vẫn còn gần 50% KTV, doanh nghiệp kiểm toán còn cho rằng là đây là câu chuyện bình thường, thậm chí từ 1%-15% cho rằng CMCN 4.0 rất ít, thậm chí không đem đến thách thức gì đối với ngành nghề kế toán, tài chính, kiểm toán.

Về mức độ triển khai của các KTV, doanh nghiệp kiểm toán để thích nghi với CMCN 4.0, mặc dù các KTV, doanh nghiệp kiểm toán nhìn thấy các cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 đối với ngành nghề. Tuy nhiên, hiện tại các KTV và doanh nghiệp kiểm toán chủ yếu chỉ đang dừng ở mức độ “tìm hiểu” (66%), một số KTV và doanh nghiệp kiểm toán thì “đã có kế hoạch” (12%), số ít các doanh nghiệp kiểm toán “đang triển khai” (5%), rất ít các doanh nghiệp kiểm toán “đã triển khai và áp dụng một phần” (3%), còn lại thì đến 14% các KTV và doanh nghiệp kiểm toán “chưa làm gì” để thích nghi và ứng phó với sự phát triển của CMCN 4.0. Do vậy, có thể nói rằng các KTV và doanh nghiệp kiểm toán tại Việt Nam hiện nay còn đang thờ ơ và chỉ mới bắt đầu tìm hiểu ứng dụng các vấn đề về trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, máy học, blockchain vào trong ngành nghề của mình.

Doanh nghiệp làm gì để thích nghi

 

Các doanh nghiệp kiểm toán mong muốn được hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật trong việc phát triển ứng dụng kiểm toán, kế toán…

Để thích nghi với CMCN 4.0, các KTV và doanh nghiệp kiểm toán đang “quan tâm” đến các giải pháp trong đó lớn nhất là xây dựng và ứng dụng các công cụ hỗ trợ, đặc biệt là công cụ phân tích dữ liệu (82%), và thiết lập môi trường làm việc ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp với (79%)...

Để có thể nắm vững và tận dụng được cơ hội từ CMCN 4.0 thì các KTV và doanh nghiệp kiểm toán nên nhận thức rằng họ cần có sự nhận thức tốt về CMCN 4.0 và sẵn sàng tìm kiếm những cơ hội mà nó mang lại. Đồng thời, các kế toán viên, KTV, chuyên gia tài chính vận hành trong cuộc CMCN 4.0 cần phải nhận thức rằng họ đang thiếu kiểm soát về các dữ liệu kế toán hơn trước kia. Các kế toán viên, KTV, chuyên gia tài chính đang trở thành các chuyên gia tư vấn ở các mảng đan xen lẫn nhau. Ví dụ, kế toán môi trường bị ảnh hưởng rất lớn bởi những thông tin vật chất cụ thể chủ yếu là nằm trong tay các kỹ sư. Nếu khả năng kết nối tăng nhanh hơn thì các thông tin kế toán sẽ không còn là dữ liệu của riêng các kế toán viên, kiểm toán viên và chuyên gia tài chính.

Về cơ bản các KTV, doanh nghiệp kiểm toán có mức độ “mong muốn lớn” và “sâu sắc, mạnh mẽ” nhận được hỗ trợ từ VACPA và Bộ Tài chính. Cụ thể, đó là được hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật trong việc phát triển ứng dụng kiểm toán, kế toán, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ công nghệ thông tin để phục vụ công việc...

Đối với các trường đại học, các yêu cầu xã hội hiện nay đang tạo áp lực lên việc thay đổi chương trình đào tạo theo hướng thực hành. Đồng thời, với sự thay đổi và tác động của CMCN 4.0 thì một lần nữa đặt thêm sức nặng yêu cầu thay đổi lớn giáo trình, phương pháp đào tạo. Cụ thể với hai chuyên ngành kế toán và kiểm toán trong các trường đại học, cần đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán theo hướng có các ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin  để sinh viên có thể thích nghi với điều kiện và môi trường làm việc 4.0 khi ra trường.  Các trường đại học có thể đầu tư vào công nghệ để sinh viên có thể thực hành để có kinh nghiệm thực tế trong các bối cảnh CMCN 4.0, có được các kiến thức về những tác động xã hội tiềm ẩn của hệ thống tự động hóa và hệ thống thông minh và cách thức giải quyết các vấn đề này.

Đặc biệt, các hội nghề nghiệp (như VACPA, ACCA) có thể phối hợp với các công ty và cơ sở đào tạo để tổ chức những khóa học phù hợp. Các khóa học có thể bao gồm những nội dung như mã hóa, quản lý thông tin ở những nền tảng chia sẻ được như điện toán đám mây và đánh giá những nhu cầu về kế toán theo thời gian thực của những các đối tượng khác nhau từ nhà quản trị doanh nghiêp, các cổ đông, người lao động, các cơ quan phi chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và các bên có lợi ích liên quan khác.