Nhiều câu hỏi 'đau đầu' cho đề án phát triển DNNN quy mô lớn

00:00 12/10/2020

Chính phủ vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu (đề án) với ba nhiệm vụ chính, gồm vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp này trong xây dựng và mở rộng chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới; phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu; và rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về DNNN.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc sự quản lý của Ủy ban.

Một trong những điều cần làm rõ là khái niệm DNNN “quy mô lớn” và sự phân biệt nó với tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu. Minh họa: Khều

DNNN “quy mô lớn” có phải là tập đoàn?

Điểm cần làm rõ đầu tiên liên quan đến đề án nói trên là khái niệm DNNN “quy mô lớn” và sự phân biệt nó với tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu. Theo cách viết trong đề án thì có thể hiểu DNNN “quy mô lớn” bao gồm tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu. Đến đây thì lại nảy sinh ra ba vấn đề liên quan dưới đây:

1. Ngoài tập đoàn kinh tế nhà nước ra, những DNNN nào thuộc phạm vi điều chỉnh của đề án này? Nếu nói là “quy mô lớn”, thì ở quy mô (vốn?) nào và cụ thể thế nào? Cần nói thêm ở đây là thực tế thì có thể coi các tập đoàn kinh tế nhà nước là các DNNN quy mô lớn rồi, bao trùm hầu hết các DNNN có quy mô đáng kể khác ở hầu khắp mọi lĩnh vực rồi nên khó mà hình dung vẫn còn DNNN “quy mô lớn” nào đó còn sót lại, chưa được đề cập đến.

2. Khái niệm tập đoàn kinh tế nhà nước “đa sở hữu” dường như mới xuất hiện từ năm 2017 trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII. Đây là một khái niệm mới, chưa được định nghĩa rõ ràng, cụ thể gồm, ví dụ, để được gọi là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu thì Nhà nước phải sở hữu tối thiểu bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp, ở cấp độ nào (công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết…). Nói rộng ra nữa, vậy DNNN “quy mô lớn” được đề cập trong đề án có được phép gồm cả những DNNN “đa sở hữu”?

Điểm liên quan nữa là cho dù Nhà nước có sở hữu đa số trong các tập đoàn kinh tế nhà nước thì về bản chất, chúng không phải là sở hữu nhà nước nữa nên không thể gọi là tập đoàn kinh tế nhà nước được, mà phải là cái gì đó đại loại như tập đoàn kinh tế (liên doanh, cổ phần). Do đó, các tập đoàn kinh tế này nói riêng và DNNN “quy mô lớn” đa sở hữu nói chung sẽ không còn/không nên được gọi là DNNN đúng nghĩa nữa. Mà như thế thì liệu chúng có nên chịu chế tài theo hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về DNNN được đề cập đến trong đề án hay không?

3. Vì đã có sự đồng sở hữu bởi thành phần kinh tế tư nhân và nước ngoài nên tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nếu cứ duy nhất theo định hướng sản xuất kinh doanh của Nhà nước, là định hướng thường không nhất thiết trùng hợp với định hướng của chủ sở hữu thuộc các thành phần khác, thì dễ dẫn đến khả năng mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu sẽ không hấp dẫn được các nhà đầu tư phi Nhà nước. Nói cách khác, một khi đã (muốn) thành lập mô hình sở hữu đa thành phần trong các tập đoàn kinh tế thì cần phải để các tập đoàn kinh tế này vận hành theo nguyên lý thị trường, tức cũng có nghĩa là tính định hướng nhà nước với chúng, được thể hiện ở trên các khía cạnh như công cụ bình ổn kinh tế vĩ mô hoặc sẽ không còn nữa, hoặc nó sẽ trở thành nguyên nhân cho những xung đột pháp lý một khi cứ áp đặt ý chí của Nhà nước trong định hướng hoạt động của tập đoàn kinh tế “cổ phần” này.

Tóm lại, nếu các khái niệm, định nghĩa còn không được làm rõ ngay từ đầu thì mọi kế hoạch, đề án chắc chắn sẽ vấp phải tình trạng dò dẫm, lúng túng, mâu thuẫn, bất đồng, bất nhất trong việc xác định mục tiêu, thực thi, vận hành và tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.

Cái cũ còn chưa rõ, sao phải làm cái mới?

Đề án nói trên có nhiệm vụ phát triển DNNN quy mô lớn và/gồm các tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu. Vì các DNNN quy mô lớn và tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu này chắc chắn gồm các tập đoàn kinh tế được thí điểm thành lập trong giai đoạn 2005-2009 nên việc phát triển DNNN quy mô lớn và/gồm các tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu cũng có nghĩa là (bao gồm việc) phát triển các tập đoàn kinh tế được thành lập thí điểm này.

Điểm mấu chốt ở đây là việc thí điểm thành lập 11 tập đoàn kinh tế nhà nước trước đây dường như chưa bao giờ được đánh giá và tổng kết một cách đầy đủ, tổng quát và chính thức. Tuy Thủ tướng Chính phủ có ban hành Quyết định 1428 năm 2012 về kết thúc thí điểm hình thành tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam và tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Việt Nam (đây là hai trong số 11 tập đoàn kinh tế được thành lập thí điểm), nhưng việc này không có nghĩa là (mô hình) chín tập đoàn kinh tế nhà nước còn lại đã thành công, cần được tiếp tục phát triển và nhân rộng, hay khuôn khổ, cơ chế, chính sách pháp luật về các tập đoàn kinh tế nhà nước đã rõ ràng. Lưu ý thêm rằng tuy cũng đã có một vài đánh giá về những vấn đề này nhưng đó chỉ là những đánh giá mang tính cá nhân, và vẫn chỉ dừng lại ở mức rất chung chung, định tính.

Nêu những chi tiết như trên để chỉ ra những vấn đề bất ổn, bất hợp lý liên quan. Trong khi những vấn đề cơ bản về tập đoàn kinh tế nhà nước chưa được làm rõ (như thế nào là tập đoàn kinh tế nhà nước, nó có phải là một mô hình thành công, xứng đáng tồn tại và cần tiếp tục phát triển, nhân rộng hay không, và nếu là mô hình thành công thì đâu là những yếu kém hiện hữu cụ thể cần khắc phục của mô hình này...) thì việc tiếp tục xây dựng đề án này cho thấy hoặc tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập thí điểm trước đây không phải là/chẳng có gì chung với “DNNN quy mô lớn” và “tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu” được nêu trong định hướng xây dựng đề án; hoặc đơn giản hơn là đã quên mất sự hiện diện của 11 tập đoàn kinh tế nhà nước thí điểm này. Điều nào trong hai khả năng này cũng đều là không nên.

Và lại chồng chéo

Trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) được giao nhiệm vụ xây dựng đề án thì Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) cũng lại được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc sự quản lý của Ủy ban.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là sự phân tách nhiệm vụ như trên có tạo ra sự chồng chéo, mâu thuẫn, dẫm chân lên nhau giữa Bộ KH&ĐT và Ủy ban hay không?

Như đã phân tích, DNNN quy mô lớn và tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu rất có thể là gồm các tập đoàn kinh tế nhà nước đã được bàn giao cho Ủy ban quản lý. Nếu để Bộ KH&ĐT xây dựng đề án phát triển (mà có lẽ sẽ phải gồm chiến lược tổng thể đầu tư, phát triển doanh nghiệp) cho các doanh nghiệp/tập đoàn kinh tế này thì sẽ dẫn đến khả năng đề án phát triển của Bộ KH&ĐT không tương thích, phù hợp với cái của Ủy ban. Ngược lại, Ủy ban hoạch định chiến lược phát triển cho các doanh nghiệp thuộc sự quản lý của mình cũng có khả năng sẽ mâu thuẫn với định hướng của Bộ KH&ĐT đối với các DNNN và tập đoàn kinh tế nhà nước nói chung.

Để khắc phục tình trạng trên thì buộc phải có thêm một yêu cầu nữa, đại loại là Bộ KH&ĐT/Ủy ban chủ trì phối hợp (với bên kia) xây dựng chiến lược đầu tư phát triển... Nhưng đến đây thì câu hỏi tiếp theo sẽ là vậy thì thành lập ra Ủy ban để làm gì? Chẳng phải là Ủy ban ra đời chỉ làm rối/khó thêm tình hình hay sao? 

Phan Ngọc Minh