Nhiều bất cập về thuế thu nhập cá nhân do lạc hậu

00:00 12/10/2020

Trong khi lạm phát tăng, đồng tiền mất giá tính theo hàng năm… thì mức đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cũng như giảm trừ gia cảnh vẫn đứng yên tại chỗ. Điều này khiến nhiều người nộp thuế ngao ngán khi hàng tháng, thu nhập cứ rơi rụng đi vì bị kế toán khấu trừ thuế TNCN.

Thuế đứng yên, thu nhập thực tế teo tóp

Anh Nguyễn Văn Hùng (quận Đống Đa, Hà Nội) là nhân viên một DN tư nhân trong lĩnh vực xây dựng. Mỗi tháng tổng thu nhập của anh ở mức 12 triệu đồng. Sau khi trừ đi 9 triệu đồng thu nhập không chịu thuế, mức thu nhập chịu thuế của anh ở mức 3 triệu đồng, chịu thuế TNCN bậc 1 với mức thuế 5%. Như vậy, dù mức thu nhập không cao so với mặt bằng giá cả sinh hoạt của cuộc sống thành thị, anh vẫn phải đóng mỗi tháng 150.000 đồng/tháng thuế TNCN. “Chúng tôi sẵn sàng đóng thuế nhưng mức thu nhập chịu thuế nên phù hợp hơn. Với mức sống TP, mọi thứ đều đắt đỏ mà mức đóng thuế TNCN quá cao sẽ khiến chúng tôi không xoay trở kịp” - anh Hùng nói.
Cũng theo anh Hùng, mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng/người theo Luật Thuế hiện hành cũng là quá lỗi thời so với mặt bằng giá và thu nhập hiện nay. Anh tính toán, kể cả khi các con học trường công, học phí hơn 1 triệu đồng/ tháng thôi, cộng với chi phí ăn ở, đi lại, sức khỏe… cũng đã vượt mức mức 3,6 triệu đồng/người/tháng rồi.
Theo luật thuế hiện hành, thuế suất thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần, quy định tại Điều 22 - Luật Thuế TNCN. Cụ thể, với mức thu nhập đến 5 triệu đồng/tháng hoặc đến 60 triệu đồng/năm, thuế suất thuế TNCN là 5%. Thuế suất 10% áp dụng cho phần thuế thu nhập tính thuế từ trên 5 - 10 triệu đồng/tháng hoặc trên 60 - 120 triệu đồng/tháng. Thuế suất 15% áp dụng cho mức thu nhập trên 10 - 18 triệu đồng/tháng hoặc 120 - 216 triệu đồng/năm. Mức thuế suất 20% áp dụng cho mức thu nhập chịu thuế trên trên 216 - 384 triệu đồng/năm hoặc trên 18 - 32 triệu đồng/tháng. Mức thuế suất 25% áp dụng cho phần thuế thu nhập tính thuế trên 32 - 52 triệu đồng/tháng hoặc 384 - 624 triệu đồng/năm. Mức thuế suất 30% áp dụng cho phần thuế thu nhập tính thuế trên 624 - 960 triệu đồng/năm hoặc trên 52 - 80 triệu đồng/tháng. Mức thuế suất 35% áp dụng cho phần thu nhập chịu thuế trên 80 triệu đồng/tháng hoặc trên 960 triệu đồng/năm. 

Nhiều người nộp thuế ngao ngán khi hàng tháng, thu nhập cứ rơi rụng đi vì bị kế toán khấu trừ thuế TNCN

Sau nhiều năm áp dụng luật Thuế TNCN, trong khi CPI liên tục tăng thì các mức đánh thuế TNCN vẫn đứng yên. Năm 2013, CPI tăng 6,03%; năm 2014 tăng 4,09%; năm 2015 tăng 0,63%; năm 2016 tăng 4,74%; năm 2017 tăng 3,53%; 8 tháng đầu năm 2018 tăng 2,59%. Dự kiến, năm 2019, CPI tăng khoảng 4%, nghĩa là sau 5 năm Luật Thuế TNCN có hiệu lực, CPI sẽ tăng khoảng 23% và phải điều chỉnh ngưỡng thu nhập chịu thuế theo quy định của luật.
Làm sao khoan sức dân và tránh lỗi thời?
Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty Luật Inteco cho biết, Luật Thuế TNCN hiện hành ra đời vào năm 2007 và sửa đổi một lần vào năm 2012. Nghĩa là, đạo luật này vẫn đang áp dụng cách hiểu và nguyên tắc của 12 năm về trước lên cuộc sống của hiện tại. Theo ông Phong, sự lạc hậu, trước hết biểu hiện ở cách mà đạo luật này đưa ra các ngưỡng thu nhập chịu thuế, với những con số cố định như thu nhập 5 triệu đồng/tháng, từ 5 - 10 triệu đồng/tháng… Trong khi lạm phát, đồng tiền mất giá tính theo hàng năm thì thu nhập đạt ngưỡng chịu thuế lại được ấn định trong nhiều năm, dẫn tới hệ quả là thu nhập thực tế mà người nộp thuế giữ lại ngày càng trở nên ít hơn và giảm dần theo hàng năm. Về mặt nguyên tắc, thu nhập chịu thuế phải có sự biến thiên theo hướng tỷ lệ thuận với mức độ lạm phát, nhưng sự lạc hậu của Luật Thuế TNCN là đang đưa ra một sự chốt cứng, dẫn tới thu nhập thực tế bị nghịch đảo với lạm phát.
Việc giảm trừ gia cảnh là giải pháp để người dân đạt mức sống tối thiểu, và chỉ những thu nhập trên ngưỡng tối thiểu mới bị tính thuế. Tuy nhiên, quy định này tồn tại ở mấy vấn đề như: Giá cả hàng hóa tăng lên hàng tháng, các dịch vụ sinh hoạt phát sinh nhiều và nhu cầu chi tiêu tăng lên hơn rất nhiều nhưng mức thu nhập giảm trừ gia cảnh vẫn ổn định từ năm 2012 cho đến nay; và thu nhập của những người phụ thuộc không tăng hoặc tăng chậm dẫn tới người nộp thuế phải bù thêm khá nhiều chi phí để chăm sóc cho người phụ thuộc nhưng không được tính khi quyết toán thuế TNCN.
Trước tình trạng Luật Thuế TNCN bộc lộ nhiều bất hợp lý, lạc hậu so với thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị các ban, ngành liên quan nhanh chóng có kiến nghị sửa đổi. Theo chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức, không nên đưa ra con số tuyệt đối về mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc mà có thể dựa vào mức lương tối thiểu do Nhà nước ban hành. Đồng thời, nên tính toán lại các mức thuế suất trong biểu thuế theo hướng giảm để khuyến khích người dân tham gia đóng thuế đầy đủ.
Ở một khía cạnh khác, Luật sư Hà Huy Phong cho rằng, các nhà làm luật vẫn đang hình dung cá nhân chỉ phát sinh thu, không phát sinh chi nên thuế chỉ căn cứ vào nguồn thu mà không tính đến các khoản chi hợp lý của cá nhân người đó và người phụ thuộc. Do đó, không xây dựng cơ chế hạch toán chi phí đầu vào cho cá nhân khi kê khai và quyết toán thuế TNCN. Cơ chế hạch toán một chiều như vậy, vô tình dẫn tới đẩy cá nhân vào nhiều hoạt động gian lận thuế, giúp các cơ sở kinh doanh khác trốn thuế (không lấy hóa đơn VAT…).

Hà Lâm