Nhập nhằng việc cấm GrabTaxi “bành trướng” địa bàn

00:00 12/10/2020

Chỉ thị nhập nhằng, không rõ ràng của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc cấm mở rộng địa bàn hoạt động của GrabTaxi đang gây hiểu nhầm cho cả phía doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ảnh: Ngọc Dương

Sau "phản pháo" của Grab trước thông tin bị Bộ GTVT cấm mở rộng địa bàn, trả lời PV chiều 27/6, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT giải thích: "Nếu ứng dụng trong taxi để kết nối thuận lợi với hành khách (như mô hình của GrabTaxi - PV), và đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh như Bộ yêu cầu thì việc mở rộng địa bàn hoạt động không vấn đề gì".

Điều đó có nghĩa là, GrabTaxi được phép mở rộng địa bàn. Tại sao đề nghị mở rộng địa bàn của Grab chỉ trong vòng một tuần lại quay ngoắt, chuyển từ cấm sang không cấm?

Văn bản kiểu "hiểu thế nào cũng được"

Chuyện là trước đó, Grab Việt Nam đề nghị mở rộng dịch vụ GrabTaxi ra các tỉnh Ninh Thuận, Đồng Tháp, Gia Lai...  

Trong văn bản số 5519 ngày 25/5 gửi Sở GTVT Ninh Thuận, Bộ GTVT khẳng định luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo sự thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên việc ứng dụng chỉ được áp dụng đối với các đơn vị vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh và phương tiện đã được cấp phù hiệu vận tải. Đồng thời phải chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Đáng chú ý, nếu tại điều a, khoản 3, Bộ yêu cầu Grab "không triển khai thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng (Hợp đồng vận tải điện tử) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận” thì ngay tại điều b lại yêu cầu : "Không được trực tiếp làm việc với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khi chưa có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải và Sở GTVT Ninh Thuận (bao gồm cả xe taxi)”.

Nôm na là điều a cấm Grab mở rộng địa bàn thì điều b lại được hiểu là nếu có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải và Sở GTVT tỉnh, Grab sẽ được trực tiếp làm việc với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội trọng tài thương mại TP.HCM (HCCAA) cho rằng văn bản trả lời của Bộ GTVT là để trả lời cho vấn đề liên quan tới việc “Công ty TNHH GrabTaxi đề nghị triển khai dịch vụ Grab Taxi cho doanh nghiệp vận tải taxi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”. Vì vậy, dịch vụ được nói tới trong phạm vi văn bản này là dịch vụ Grab Taxi. Và điều a, khoản 3 sẽ được hiểu là GrabTaxi không được phép ứng dụng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

"Có thể nói đây là một văn bản không rõ ràng, hướng dẫn kiểu hiểu thế nào cũng được, không biết Bộ cấm cái gì, không cấm cái gì. Điều này không chỉ làm khó doanh nghiệp mà còn tự gây rắc rối cho đơn vị quản lý" - ông Hậu nói.

Một ứng dụng, cái cấm cái không

Ngay sau thông tin bị cấm mở rộng, Grab đã phải ra thông báo giải thích rõ GrabTaxi và GrabCar đều là dịch vụ đặt xe thông qua ứng dụng Grab. Tuy nhiên, GrabTaxi chỉ là dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab và đã đăng ký với Bộ Công thương là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử. "GrabTaxi không phải là một dịch vụ thuộc Đề án thí điểm theo Quyết định số 24 của Bộ GTVT áp dụng với GrabCar nên có thể hoạt động tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc sau khi đã ký kết hợp đồng hợp tác với những đơn vị kinh doanh taxi được Sở GTVT địa phương cấp phép" - đơn vị này khẳng định.

Được biết, hiện GrabTaxi cũng đang được triển khai tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Huế và Lâm Đồng.

Để làm rõ vấn đề trên, trả lời PV chiều 27/6, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cũng khẳng định: "Nếu ứng dụng trong taxi để kết nối thuận lợi với hành khách (như mô hình của GrabTaxi - PV), và đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh như Bộ yêu cầu thì việc mở rộng địa bàn hoạt động không vấn đề gì".

Với lập luận của cả Grab và Bộ GTVT có nghĩa là trong một ứng dụng của Grab sẽ có tiện tích bị cấm mở rộng phạm vi hoạt động (GrabCar) và có những tiện ích được "thả cửa" hoạt động như GrabTaxi, GrabBike, GrabFood...

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đánh giá : Quản lý kiểu nửa có nửa không như vậy sẽ dẫn đến sự nhập nhằng, không rõ ràng. Đã là Grab, cùng một ứng dụng thì đều phải xếp chung vào một loại hình, có tính chất chung. Đã cấm thì cấm tất mà đã cho thì cho tất. Không nên không quản được thì cấm và phân nhỏ quản lý, "đẩy quả bóng" về cho địa phương tự quyết như cách quản lý hiện nay. "Đã qua 2 năm thí điểm, cơ quan quản lý cần nhanh chóng có một cơ chế, hành lang pháp lý xuyên suốt, rõ ràng dựa trên tinh thần đảm bảo quyền lợi, an toàn cho người tiêu dùng, doanh nghiệp chấp hành pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế" - ông Hậu đề xuất.

Hà Mai