'Nhanh chân' đón sóng dịch chuyển đơn hàng

00:00 12/10/2020

Trong khi sóng dịch chuyển nhà máy của doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc chưa thể "ngày một, ngày hai" tới Việt Nam. Thay vào đó, các doanh nghiệp Việt có thể "nhanh chân" đón đơn hàng dịch chuyển của họ sang Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện có 3 xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI toàn cầu, gồm: Dịch chuyển nhà máy, dịch chuyển vốn của công ty mẹ và dịch chuyển đơn hàng.

Đang có cơ hội 

Bộ KH&ĐT cho biết, tính đến 20/6/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 8,65 tỷ USD, bằng 95,1% so với cùng kỳ năm 2019.

san-xuat-cong-nghiep-phu-tro-3979-159402

 Doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm được cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Trung Quốc (Ảnh: TL) 

Tuy vậy, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết hiện chưa có bằng chứng về việc xu hướng dịch chuyển FDI từ các nước sang Việt Nam sau dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Việc dịch chuyển các chuỗi sản xuất toàn cầu cần thời gian 3-5 năm.

Vì thế, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc dịch chuyển nhà máy là rất khó vì các công ty trên toàn cầu đang phải co cụm bởi dịch bệnh. Chính vì vậy, cơ hội trước mắt mà Việt Nam có thể đón bắt chính là dịch chuyển đơn hàng của các tập đoàn sang sản xuất ở Việt Nam.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, cho biết, phần thâm hụt xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã chuyển dịch chủ yếu sang Việt Nam. Ông chứng minh, xuất khẩu từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ năm 2019 giảm 90 tỷ USD so với 2018. Trong đó, 31 tỷ USD chuyển dịch sang các nước châu Á, Việt Nam chiếm 14 tỷ USD, tương đương 46%.

Thời gian gần đây, doanh nghiệp (DN) Mỹ đang trong quá trình tìm kiếm đối tác Việt Nam. Các lĩnh vực được ưu tiên bao gồm hàng công nghệ, hàng tiêu dùng, thiết bị vật tư y tế, ngành điện, nguyên liệu linh kiện đầu vào sản xuất và công nghiệp phụ trợ...

Theo đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, đây là những lĩnh vực rất tiềm năng, phù hợp với năng lực sản xuất của DN Việt. Trên thực tế, DN nội đã tham gia sản xuất và cung ứng một phần trong chuỗi cung ứng với đối tác Mỹ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, nhìn nhận, trong khi các công ty trên toàn cầu co cụm vì dịch bệnh, việc mở thêm các nhà máy ở Việt Nam cũng là điều khó. Chính vì vậy, cái dễ nhất mà Việt Nam có thể đón chính là dịch chuyển đơn hàng sang sản xuất ở Việt Nam.

Theo ông Phú, các tập đoàn sẽ phải chuyển giao công nghệ, dịch chuyển một phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất để tránh rủi ro từ thuế hoặc từ Covid-19 khi đặt tất cả ở Trung Quốc. Ở gần Trung Quốc cho Việt Nam lợi thế đón làn sóng này.

Về vấn đề này, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho biết, có thông tin nhận định sau đại dịch này, các công ty đa quốc gia có thể chuyển mua hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia thứ 3. Đây là cơ hội tốt của Việt Nam.

Có nắm bắt được cơ hội hay không?

Tuy nhiên, bà Bình cho rằng thực tế, việc chuyển sản xuất, mua hàng sang quốc gia thứ 3 ngoài Trung Quốc đã được các công ty trong mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm từ vài năm trở lại đây. VASI và các DN hội viên đã tiếp rất nhiều các khách hàng như vậy. Tuy nhiên, sản phẩm Việt Nam khó cạnh tranh về chất lượng, chủng loại và giá cả sản phẩm với Trung Quốc.

 "Chính phủ cần có các chương trình đặc biệt, hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành. Đây là điểm DN quan tâm nhất hiện nay, không chỉ với CNHT, các ngành chế tạo mà tất cả các ngành", Bà Bình kiến nghị

Liên quan đến CNHT và khả năng mua hàng từ các quốc gia có thể di dời khỏi Trung Quốc, Phó Chủ tịch VASI kiến nghị, Chính phủ cần tiếp cận để đàm phán cụ thể với các công ty đa quốc gia này. Song song với đó, cần có kế hoạch chi tiết hình thành các tổ hợp/liên danh CNHT gồm các DN nhỏ, các cụm liên kết sản xuất hoặc có biện pháp cụ thể ưu đãi cho các công ty CNHT cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất đáp ứng yêu cầu mới. Cần xây dựng các chương trình hiệu quả khuyến khích hỗ trợ khởi sự DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho biết, DN FDI có rất nhiều hình thức đầu tư vào Việt Nam. Họ có thể không mở nhà máy mà liên doanh, liên kết với DN trong nước để sản xuất. Vì vậy, DN Việt Nam cần phải có chiến lược để tham gia vào chuỗi sản xuất, hợp tác kinh doanh với họ. 

Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú chỉ ra, thiếu kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất đang là rào cản để DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. "Để hợp tác với mình, DN nước ngoài thường phải trực tiếp sang thăm nhà máy, kiểm tra điều kiện nhà xưởng, máy móc thiết bị. Nếu thấy ưng, họ sẽ hợp tác, chuyển 1 - 2 dây chuyền sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế hoặc tránh dịch", ông chia sẻ. 

Tuy nhiên, ông Phú cũng lưu ý, ngay cả khi các DN nước ngoài chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam. Không loại trừ nguy cơ, họ có ý đồ thâu tóm. Vì vậy, DN Việt Nam cần có sự chuẩn bị cho tương lai làm chủ công nghệ, nếu không chúng ta cũng chỉ là nơi né thuế. Học hỏi công nghệ, kiểu dáng là bước quan trọng để Việt Nam làm chủ sản xuất.

Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh thu hút FDI

Hiện nay, nhiều nước Đông Nam Á đang có kế hoạch tạo ưu thế thu hút FDI. Đơn cử, Indonesia có kế hoạch thành lập 19 khu công nghiệp vào năm 2024. Họ cũng đang cắt giảm thuế suất thuế doanh nghiệp xuống 22% từ 25% trong năm nay, sau đó xuống 20% ​​vào năm 2022, sớm hơn một năm so với kế hoạch trước đó.

Ủy ban Đầu tư của Thái Lan đã phê duyệt các ưu đãi cho ngành nông nghiệp vào ngày 17/6, nhằm vào các công ty nước ngoài chuyển dịch từ Trung Quốc. Malaysia đề nghị miễn thuế 15 năm cho các nhà sản xuất mới đầu tư trên 500 triệu ringgit (117 triệu USD). Myanmar sẽ ưu tiên sàng lọc các khoản đầu tư theo kế hoạch của các công ty quốc tế mạnh về tài chính...

Về phần Việt Nam, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, sẽ khẩn trương chuẩn bị các điều kiện và tăng cường xúc tiến thu hút có chọn lọc và hợp tác đầu tư nước ngoài, trong đó rà soát, chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch đầu tư, tập trung hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.

Ông Dũng khẳng định: Việt Nam sẽ tranh thủ thời cơ, nắm bắt tình hình và kế hoạch hoạt động của một số quốc gia trong việc khuyến khích và hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp dịch chuyển cơ sở sản xuất.

Đồng thời, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Lê Thúy