Nhân tố giúp ASEAN hướng tới một tương lai kỹ thuật số vững chắc

00:00 12/10/2020

Mặc dù cuộc cách mạng kỹ thuật số đã mang lại nhiều lợi ích cho Đông Nam Á, song khu vực này còn có một cơ hội riêng để đạt được tiến bộ thậm chí còn nhanh hơn bằng việc củng cố các nền tảng của nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển.

ASEAN nỗ lực theo đuổi công nghệ kỹ thuật số.

Với cương vị là chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2019, Thái Lan đặt mục tiêu thúc đẩy ASEAN sẽ trở thành một hiệp hội kỹ thuật số. Dựa trên tầm nhìn đó, Thái Lan đã đẩy mạnh tiến trình và các cuộc tranh luận giữa các quốc gia thành viên ASEAN, tất cả đều có thông điệp rằng ASEAN cần phải phát triển nhanh hơn nữa để đối phó với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Mỗi lĩnh vực của nền kinh tế tại các nước ASEAN có thể làm được nhiều hơn trong việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và mô hình kinh doanh thông minh. Để giúp các khu vực tư nhân, các chính phủ cũng cần phải tự biến đổi: sử dụng các công nghệ như phân tích dữ liệu và hệ thống thông minh, phát triển các nền tảng kỹ thuật số và sắp xếp hài hòa các cách tiếp cận với các quy trình pháp lý đặc biệt cho an ninh mạng, nhận dạng kỹ thuật số và quản lý dữ liệu.

Boutheina Guermazi, Giám đốc Phát triển Kỹ thuật số của Ngân hàng Thế giới, nhận định Đông Nam Á đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực kỹ thuật số. Tuy nhiên, các quy định và sự thiếu tin tưởng vào các giao dịch điện tử kìm hãm sự phát triển của các hệ thống kỹ thuật số. Do đó, các nước ASEAN cần vượt qua những thách thức này để tạo ra các nền kinh tế kỹ thuật số toàn diện, mạnh mẽ.

Trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật số biến đổi gần như tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế-xã hội, lực lượng lao động trong khu vực cũng cần có các kỹ năng bắt kịp xu hướng. Các hệ thống giáo dục sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kiến thức về kỹ thuật và các kỹ năng mềm cần có để cạnh tranh. Tuy nhiên, sự phát triển kỹ thuật số ở Đông Nam Á không thể chỉ dựa vào các nền tảng ảo. Một lĩnh vực hậu cần hoạt động tốt là rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số, đặc biệt là thương mại điện tử. Trong khu vực, một khung pháp lý hiện đại hóa về hậu cần có thể làm tăng khả năng cạnh tranh, giảm chi phí hậu cần và cải thiện chất lượng dịch vụ.

Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng công nhận rằng an ninh mạng là trách nhiệm chung của nhiều quốc gia. Do đó, ASEAN cần nỗ lực để phát triển một khuôn khổ khu vực nhằm đối phó với các thách thức an ninh mạng, chia sẻ các thực tiễn hữu hiệu nhất và đưa ra một kế hoạch, thiết lập một nền tảng chung cho sự phát triển các quy tắc tự nguyện để dẫn dắt hành vi của đất nước.

 Đ.A