Nhân cách doanh nhân cộng đồng Do Thái

00:00 12/10/2020

Người Do Thái (thời cổ gọi là người Hebrew) là dân tộc thành công nhất trên nhiều lĩnh vực trí tuệ, nhưng có lẽ ít ai biết họ còn rất xuất sắc trên phương diện kinh tế, tài chính, thương mại. Họ đạt được những thành tựu trong hoàn cảnh hết sức khó khăn: suốt 2.000 năm qua, toàn bộ dân tộc Do Thái buộc phải sống lưu vong phân tán, “ăn nhờ ở đợ” khắp thế giới, đi tới đâu (trừ ở Mỹ) cũng bị xa lánh hoặc hắt hủi, xua đuổi, tước đoạt, thậm chí hãm hại, tàn sát vô cùng dã man, bị cấm sở hữu bất cứ tài sản cố định nào như nhà đất, tài nguyên thiên nhiên… Phần lớn cộng đồng người Do Thái lưu vong định cư ở các nước châu Âu và Mỹ. Rất nhiều nhà lý thuyết kinh tế hàng đầu thế giới là người Do Thái, các lý thuyết mà họ xây dựng có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn, nếu không muốn nói là mang tính quyết định tới quá trình tiến hóa của nhân loại. Có tới 41% chủ nhân giải Nobel Kinh tế trong giai đoạn 1901-2007 là người Do Thái (13 người). Paul Samuelson (1970), Milton Friedman (1976) và Paul Kurgman (2008)… là những tên tuổi nổi tiếng trong giới kinh tế hiện nay. Các lý thuyết của họ được toàn thế giới thừa nhận và học tập, áp dụng… Khoảng một nửa số doanh nhân giàu nhất nước Mỹ, 21 trong số 40 nhân vật giàu có đứng đầu bảng xếp hạng của Tạp chí Forbes là người Do Thái. Người Do Thái giỏi làm kinh tế xét cả về phương diện lý thuyết lẫn thực hành. Vì vậy, việc nghiên cứu nhân cách của các doanh nhân thành đạt thuộc cộng đồng Do Thái sẽ đem lại những bài học bổ ích cho các doanh nhân Việt Nam. Tri thức quý hơn tiền bạc Người Do Thái không phủ nhận tầm quan trọng của tiền bạc, họ nhận thấy những mặt tích cực mà tiền bạc với vai trò là một phương tiện, công cụ sẽ làm cuộc sống của họ thuận lợi hơn, an toàn hơn và cũng giúp họ mở rộng tri thức. Họ coi việc tự lập về tài chính là thước đo quan trọng cho sự trưởng thành và trong nền tảng giáo dục gia đình, cha mẹ luôn khuyến khích con cái yêu lao động, ham mê làm việc để bản thân không lệ thuộc, chủ động cuộc sống và làm chủ vận mệnh của mình. Tuy nhiên, người Do Thái vẫn đánh giá trí tuệ cao hơn tiền bạc, tài sản. Do luôn phải sống trong điều kiện và tình cảnh hiểm nguy, họ nhận ra một điều quan trọng rằng, tiền bạc, nhà cửa có thể bỏ lại nhưng thứ luôn đi với họ là trí tuệ, con người còn thì còn trí tuệ, trí tuệ mới chính là nguồn gốc để giải quyết khó khăn, đương đầu với nghịch cảnh và vươn lên làm chủ. Coi trọng trí tuệ hơn tri thức Trí tuệ không giống với tri thức hay thông tin, trí tuệ theo cách hiểu của người Do Thái là những tri thức có khả năng ứng dụng làm thay đổi cuộc sống, mang lại ích lợi cụ thể. Họ không coi trọng những tri thức “chết”, những giáo điều sách vở không mang tính thực tế. Tuy nhiên, việc hiểu sâu, hiểu rộng, thu nhập thông tin là nền tảng để hình thành trí tuệ - tức là khả năng ứng phó thông minh và cải biến hoàn cảnh. Họ rất coi trọng học vấn nhưng học vấn vẫn ở địa vị thấp hơn trí tuệ. Họ coi người có học vấn nhưng thiếu trí tuệ là “con lừa cõng nhiều sách vở.” Người biết kiếm tiền mới là người có trí tuệ Do Thái là một dân tộc rất coi trọng trí tuệ. Thành công của họ cũng thường do cực kỳ mưu trí mà giành được, đặc biệt khi xét tới vai trò của doanh nhân Do Thái đối với nền tài chính thế giới. Người Do Thái coi trọng quá trình học tập suốt đời, học tập phải tư duy. Họ không cần phải học tập trong các trường chính quy, mà có thể thông qua tự học để thâu lượm những tri thức cần thiết. Không phải ai có tri thức cũng có trí tuệ, người có trí tuệ là người biết dùng tri thức mình có để kiếm tiền. Nếu người có tri thức uyên bác mà không biết dùng tri thức đó kiếm tiền thì tri thức đó chỉ là thứ trống rỗng, giống như một kẻ cõng trên mình cả đống sách mà không biết dùng để làm gì thì cũng vô dụng. Khiêm tốn Người Do Thái quan niệm dù tài giỏi đến đâu cũng phải khiêm tốn. Người nào kết hợp được trí tuệ và đức tính khiêm tốn mới thật sự là bậc trí giả. Trong con mắt người Do Thái, trí tuệ và khiêm tốn không tách rời nhau. Người nào nhận mình hạnh phúc chắc chắn họ hạnh phúc. Nhưng nguời nào tự nhận mình thông minh, chắc chắn kẻ đó ngu xuẩn. Người Do Thái cho rằng con người không nên phô trương học thức, tài năng của mình một cách tùy tiện, chỉ khi cần thiết mới phô bày. Không nản chí trước thất bại Qua cách so sánh của Sheldon Adelson, người ta thấy ở ông niềm khát khao kinh doanh và sư tự tin vào những cơ hội kinh doanh mới luôn xuất hiện. Nhờ triết lý kinh doanh và tham vọng mãnh liệt đó mà Sheldon Adelson nhìn đâu cũng có thể kiếm được tiền. Bản thân ông cho rằng mình sinh ra là để làm bất cứ thứ gì kiếm ra tiền. Tư duy độc lập và chủ động Người Do Thái không mù quáng phục tùng quyền uy, họ tin mỗi con người đều đặc biệt và duy nhất dưới sự che chở của Chúa. Vì vậy, mỗi người cần khẳng định bằng năng lực và tự xây dựng cuộc sống. Chính sự khuyến khích tư duy độc lập, không lệ thuộc vào gia thế, truyền thống khiến mỗi thanh niên Do Thái có ý chí tự lập ngay từ nhỏ và có khả năng theo đuổi lý tưởng của mình. Họ không thể hiện quyền uy bằng sự phô trương, khoe khoang vô ích, nhưng biết cách xây dựng hệ thống hỗ trợ, bảo vệ, củng cố khả năng của mình và doanh nghiệp. Chính tư duy độc lập, luôn xác định phương hướng, cách tiếp cận mới giúp họ có cái nhìn mới lạ về những hiện tượng, vấn đề xung quanh. Họ có cách tiếp cận độc đáo, nhờ vậy có thể vượt qua được nghịch cảnh, phát hiện vấn đề mới, thực hiện giải pháp khác biệt và đặt mình vào những vị thế có lợi với nguồn lực đầu tư ít. Tinh thần học hỏi suốt đời Người Do Thái có câu: “Nước trong giếng sâu không bao giờ hết, còn nước trong giếng cạn sẽ chóng cạn kiệt tới đáy”. Doanh nhân cũng phải có học thức uyên bác, phải coi việc học tập là một nghĩa vụ suốt đời. Người Do Thái gắn kết đồng tiền với tri thức, cho rằng doanh nhân cũng phải có học thức uyên bác. Theo họ, tri thức và tiền bạc thành tỷ lệ thuận với nhau. Chỉ có nắm được tri thức, đặc biệt tri thức nghiệp vụ, sẽ không phải đi đường vòng, đến đích trước người khác và có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nhanh hơn. Doanh nhân Do Thái cho rằng, doanh nhân cần một tố chất cơ bản, đó là phải có tri thức phong phú về mọi mặt, đồng thời là một sự đảm bảo căn bản để kiếm được nhiều tiền trên thương trường. Tri thức phong phú sẽ tạo ra tầm nhìn sâu rộng. Nhờ có tầm nhìn đó, người thương nhân mới có được phán đoán chính xác, thu được thành công trong thương nghiệp. Theo người Do Thái, một người chỉ biết quan sát sự vật từ một góc độ chưa xứng đáng là một doanh nhân, cũng chưa phải một con người hoàn thiện. Thỏa mãn bản thân và những người xung quanh Người Do Thái không quá thiên vị bản thân và cũng không cực đoan là chỉ sống cho những người xung quanh. Họ luôn muốn cùng tồn tại và cùng chiến thắng. Trước hết họ tôn trọng và yêu thương chính bản thân mình bằng cách lao động, làm việc để đảm bảo sự tồn tại, điều kiện sống tốt nhất, đồng thời họ cũng dành sự quan tâm cho những người xung quanh và cộng đồng. Họ đặt trách nhiệm và nghĩa vụ cá nhân lên trên hết, mọi sai lầm, thất bại đều xuất phát từ mỗi cá nhân. Vì vậy, trước khi nhận xét, đánh giá người khác thì họ có thái độ khắc phục, sửa chữa những sai lầm của bản thân. Họ đặt ra cho mình trách nhiệm cao với công việc nhưng cũng biết cách giành thời gian để nghỉ ngơi. Cách thức này giúp họ thư giãn, lấy lại năng lượng sau tuần làm việc căng thẳng, củng cố các mối quan hệ với người thân trong gia đình, tĩnh tâm nhìn lại những gì đã qua. Phùng Xuân Nhạ - UV Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (Chủ biên)