Nhà đầu tư dồn dập bán tháo, nhiều cổ phiếu giảm sâu

00:00 12/10/2020

Sau kỳ nghỉ lễ, áp lực bán tháo được các nhà đầu tư thực hiện khiến chứng khoán trải qua 3/4 phiên giảm liên tiếp. Nhiều cổ phiếu theo đó đã giảm khá sâu sau một tuần làm việc.

Xu hướng giảm điểm áp đảo thị trường

Trải qua những ngày nghỉ lễ 2/9, thị trường chứng khoán trong nước nhập cuộc tuần làm việc mới với tâm lý khá thận trọng. Tâm lý thận trọng đeo bám giới đầu tư trong phần lớn những phiên giao dịch.

Theo đó, thị trường trải qua tuần giao dịch (từ 3 – 7/9) theo chiều hướng điều chỉnh với 3/4 phiên giảm điểm (phiên đầu tuần nghỉ lễ). Xu hướng bán tháo liên tục áp đảo thị trường, kèm thanh khoản thấp. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, dầu khí…chịu áp lực chốt lời mạnh và cũng là những nhóm ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số chung, điển hình là VCB, BID, GAS, VJC...

Trong tuần qua, khối ngoại cũng được xem là một trong các rào cản lớn của thị trường khi đều đặn duy trì hoạt động bán ròng. Với tâm điểm giao dịch hướng đến nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, hoạt động bán ròng đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động hấp thụ cung của dòng tiền trong nước.

Thị trường đã trải qua một tuần giao dịch với xu hướng giảm điểm là chủ đạo. Ảnh minh họa

Với 3/4 phiên giảm điểm, thị trường chứng khoán trong nước tuần vừa qua đã ghi nhận đà giảm của cả hai chỉ số bên sàn Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể, chỉ số Vn-Index giảm 2,09% khi chốt tuần ở mức 968,90 điểm. Cùng với đó, chỉ số HNX-Index cũng đóng cửa tuần với mức giảm 0,97% và dừng tại 111,70 điểm. 

Cùng với đó, thanh khoản trên cả hai sàn đồng loạt sụt giảm. Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn TP.HCM đạt hơn 157 triệu đơn vị/phiên, giảm 1,83% so với tuần giao dịch trước. Sàn Hà Nội đạt trung bình hơn 40,59 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 1,18%.

Trong tuần qua, cổ phiếu được ghi nhận là giảm mạnh nhất trên sàn TP.HCM là TGG của Công ty cổ phần xây dựng và đầu tư Trường Giang, với mức giảm gần 28% giá trị chỉ qua 4 phiên giao dịch của tuần qua. Tiếp sau đó là KAC và SMA với mức giảm lần lượt là hơn 19% và 16%.

Bên sàn Hà Nội, cổ phiếu ECI của Công ty cổ phần Bản đồ và Tranh ảnh Giáo dục dẫn đầu danh sách giảm mạnh nhất tuần, với mức giảm hơn 26% giá trị. Tiếp sau là SGH và KSK với mức giảm tương đương là 20%.

Nhà đầu tư nên thân trọng giao dịch

Trải qua một tuần làm việc với xu thế giảm điểm là chủ đạo, thị trường chứng khoán được nhận định còn nhiều rủi ro. Vì vậy, nhà đầu tư cận thận trọng khi quyết định tham gia giao dịch.

Theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt – VCSC, phiên tăng điểm cuối tuần đã mang lại nhiều kỳ vọng về việc tạo đáy ngắn hạn của thị trường, mặc dù hành trình để xác nhận đáy của chỉ số Vn-Index còn khá nhiều trở ngại với nhiều mức kháng cự nằm khá gần nhau ở phía trên.

“Trước mắt trong phiên giao dịch tới, chỉ số Vn-Index có thể sẽ xuất hiện những rung lắc trong quá trình kiểm định kháng cự tại 972 - 977 điểm. Xa hơn, đó là cặp kháng cự mạnh tại 988 - 990 điểm", Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt – VCSC nhận định.

Còn theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán FPT – FPTS, phiên hồi phục tích cực đã xuất hiện và các cổ phiếu bluechips cũng xác nhận tín hiệu đảo chiều tại ngưỡng hỗ trợ mạnh như dự kiến. Tuy nhiên, vẫn còn khá sớm để lạc quan hơn cho biến động ngắn hạn của chỉ số Vn-Index bởi đây có thể chỉ là phản ứng mang tính kỹ thuật sau áp lực bán quá đà của 4 phiên trước đó.

Công ty cổ phần chứng khoán FPT – FPTS cho rằng, nhà đầu tư vẫn nên bảo lưu trạng thái quan sát. Danh mục nếu có sử dụng margin nên chủ động giảm tỷ lệ vay trong các phiên hồi phục để tránh rủi ro bất ngờ từ các yếu tố bên ngoài.

Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BSC cũng cho rằng, sự lan tỏa của dòng ngân hàng ra thị trường chung đang có sự tích cực lớn dẫn đến phần lớn thị trường ở trong sắc xanh. Đặc biệt nhóm VN30 có tới 26 cổ phiếu tăng điểm.

Trên quan điểm của BSC, sau đợt điều chỉnh từ 1,000 điểm là kháng cự tâm lý mạnh, thị trường cần thêm sự tích lũy để vượt thoát ngưỡng này trong thời gian tới. Nhà đầu tư nên quan sát thêm những cổ phiếu dẫn dắt dòng ngân hàng và dầu khí.

Minh Ngọc