Nhà báo Xuân Ba kể về hai lần bị khởi tố

00:00 12/10/2020

Cách đây hơn 20 năm, tôi cùng anh Xuân Ba, anh Tô Nam, anh Phạm Nguyên Bảng v.v.ở Báo Tiền phong lên Hồ Ba Bể. Buổi tối, anh Phạm Nguyên Bảng, anh Tô Nam và anh lái xe ngủ trong ngôi nhà sàn của dân ở Pác Ngòi còn tôi và anh Xuân Ba chèo thuyền độc mộc ra giữa hồ uống rượu với sung, hút thuốc lào và nói chuyện thâu đêm. Những chuyện anh Xuân Ba kể với tôi đêm đó có chuyện anh bị khởi tố vì bài viết của anh về ngành Dầu khí, đăng trên báo Tiền phong. Chuyến đi Ba Bể lần này thực ra các anh anh đi…lánh nạn (?).

nha-bao

   Nhà báo Xuân Ba

Chuyện xảy ra đã lâu, tôi không nhớ tình tiết của vụ việc nêu trên. Sau này, tôi có thời gian dài làm cùng tòa nhà Báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương với anh (khác cơ quan). Tôi ở tầng 7, anh làm ở tầng 2. Thi thoảng ghé qua phòng anh, chúng tôi chỉ hút thuốc lào, uống rượu chay, tuyệt nhiên không nhắc lại chuyện cũ. Chuyện anh bị khởi tố đã được nhà báo Thọ Bình và Lê Sơn kể lại trong bài “Chẳng có ai tẻ nhạt trên đời” (bài phỏng vấn Xuân Ba) đăng trên Vietnamnet. Nhân Ngày Báo chí CM VN tôi trích giới thiệu bài phỏng vấn anh Xuân Ba của Thọ Bình- Lê Sơn, trong đó nói về 2 lần Xuân Ba bị khởi tố:

    “Thực ra trước khi dành hết tâm huyết cho thể loại phóng sự thì tôi (Xuân Ba) đã từng gần 10 năm là Phó ban Kinh tế của báo. Vì vậy tôi nghĩ rằng địa hạt điều tra đối với tôi không có gì xa lạ cả. 10 năm trước tôi đã từng viết các bài điều tra như về nợ đọng khó đòi “Bắc thang lên hỏi ông Giời/ Mười một ngàn tỷ có đòi được không”; “Chưa tỉnh, được- mất, khóc- cười”...

     Có bài điều tra tôi thể hiện dưới dạng kịch một cảnh ba hồi. Đó là một dạo ở Hà Nội người ta đua nhau lập Cty TNHH, làm ít nhưng lừa nhiều. Tôi đã nắm được toàn bộ số liệu từ các cơ quan chức năng. Sau đó tôi lên hỏi ông Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội là người ký quyết định để thành lập các Cty này. Tôi viết bài báo có title là “Những chữ ký làm rầu thành phố” (rầu là rầu rĩ chứ không phải là giàu đâu. Đó là một cách chơi chữ). Tôi thể hiện dưới dạng kịch một cảnh ba màn. Cảnh đầu tiên là tôi vào gặp ông Chủ tịch thành phố ra sao. Màn cuối cùng ông ấy đuổi tôi ra.

    Còn chuyện tôi bị khởi tố trong khi viết loạt bài về ngành dầu khí thì thực ra đây là một vụ cấu kết để tham nhũng tiền Nhà nước, nhưng đã đụng vào phần nhạy cảm nhất mà khi ấy tôi không lường hết được.

     Đáng ra khi báo chí phanh phui những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì người ta nên làm quyết liệt hơn để đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực ấy thay vì khởi tố các nhà báo với mục đích là để tìm ra người cung cấp tư liệu cho báo chí. Những việc làm như vậy chỉ tạo điều kiện để cho những kẻ sai phạm thêm lộng hành mà thôi.

     Những ngày bị khởi tố đó tôi đã hoàn thành một cuốn sách từ 5 năm trước. Tuy nhiên, tôi có thể nói một điều rằng trong nghề báo của chúng ta thì tai nạn nghề nghiệp là điều rất khó tránh. Có người bị một lần và không bao giờ có thể gượng dậy được nữa, hoặc chỉ một lần bị thôi thì mất sức chiến đấu, tàn phế suốt đời. Tuy nhiên cũng có người bị nạn, “điều trị” khỏi, trở lại viết rất hăng.

     Nhưng nói thật là số đó vô cùng hiếm hoi. Tôi cũng phải thừa nhận rằng sau khi tôi gặp nạn thì ai đó đã đạt được một điều là làm cho tôi “hèn” hơn chẳng hạn.

     Về lần thứ 2 tôi bị khởi tố là thế này:

     Thời bấy giờ Viện KSND và công an một thành phố nọ ra tận Hà Nội. Người ta triệu tập tôi vào trong đó. Không triệu tập được nên gửi công văn cho Công an Hà Nội và Công an quận Hoàn Kiếm, nơi tôi cư trú để giúp đỡ họ đưa tôi vào. Nhưng thời gian họ ra Hà Nội thì tôi lại đang công tác ở một tỉnh phía Nam do Tổng Biên tập phân công. Còn trong vụ dầu khí Cơ quan điều tra gọi lên, gọi xuống tới ba chục lần, kéo dài trong 2 năm.

     Đó là lần đầu tiên tôi dùng quyền được luật định là nhà báo có quyền từ chối cung cấp nguồn tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện KSNDTC. Khi ấy cơ quan điều tra yêu cầu tôi cung cấp nguồn tin nhưng tôi đã từ chối, tức là tôi thực hiện quyền luật định. Phải mất thời gian khá lâu, người ta đi lên Viện KSNDTC để lấy yêu cầu này và người ký lệnh buộc tôi phải cung cấp nguồn tin cho cơ quan điều tra chính là ông Phạm Sỹ Chiến, lúc ấy là Phó Viện trưởng Viện KSNDTC. (sau này ông Nguyễn Sỹ Chiến bị khởi tố trong vụ PM 18)Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng tài liệu tôi nhận được là của một bạn đọc mà tôi không biết tên qua đường bưu điện.

     Sau những lần như vậy tôi cũng cảm thấy chán nản và tự nhỏ với mình là: “Thôi, từ nay mình chỉ viết những vấn đề vô thưởng vô phạt thôi”, nhưng rồi, như người ta nói, nghề nó chọn người chứ không phải người chọn nghề, và rồi nhiều khi mình không muốn nhưng dường như có một ma lực nào đó cuốn mình đi, lại lao vào cuộc và quên đi, lại hăng lên và thế là... lại viết”.

Cao Thâm