Nguyễn Khắc Phục, nhớ nghĩ ngày xa

00:00 12/10/2020

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, tác giả nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản sân khấu và điện ảnh nổi tiếng, qua đời ở tuổi 70 sáng 20/5 sau thời gian chống chọi bạo bệnh.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (1947-2016). Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (1947-2016). Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Lần ấy được ngược sông Chảy để lên Thác Bà với Nguyễn Khắc Phục. Usáu mấy mà ngó trẻ và hoạt, ăn vận khá bít rít những quần ngố áo lắm họa tiết. Lão bảo mặc thế này cho người ta khỏi bắt nạt! Ai mà dám nạt thứ văn bút chưa hẳn là cổ thụ nhưng đã chớm những rườm rà khép tán ấy? Nguyễn Khắc Phục lên Thác Bà để làm kịch bản cho phim50 năm người Sông Đà. Lão lại mặn chuyện. Những thứ không đầu không cuối mà nghe rất bắt tai bởi cái mạch uyên bác lẫn có duyên. Lão kể lần đầu lên Thác Bà là năm 1961, thời điểm phát lệnh khởi công công trường xây dựng thủy điện Thác Bà. Khi ấy lão đang còn là cậu bé mới hơn 10 tuổi. Cậu học trò quê Nam Định dịp nghỉ hè ngược tàu Yên Bái lên chơi với người anh ruột làm công nhân công trường là Nguyễn Khắc Kiên. Những ngày ở công trường là quãng thời gian thiên đường với Nguyễn Khắc Phục. Đơn giản là thấy lắm cái lạ của công trường thủy điện to nhất miền Bắc chủ nghĩa xã hội và nữa, được ăn no! Nhà văn bộc bạch thế. Sau này ở công trình Sông Đà, thi thoảng tôi vẫn gặp nhà văn lang thang. Chắc ông không phải đói như thuở trước và không chỉ lên chơi với ông anh Nguyễn Khắc Kiên khi ấy đã là một người thành danh là Tổng chỉ huy xây thủy điện Hòa Bình. Chắc ông đói tài liệu viết văn làm phim! Đợt ấy thấy Nguyễn Khắc Phục ló dạng ở công trường Sông Đà đã non tuần. Đêm đó, Bí thư Đoàn Sông Đà Đinh La Thăng thân ái ới phát, cho gom lại những Nguyễn Lương Ngọc, Tạ Duy Anh, Dương Kiều Minh,  Trần Chinh Vũ, Nguyễn Bá Cự, Giáng Vân… Người thì ở Đài phát thanh công trường, đứa thì ở Công ty ngầm rượu trắng lạc rang chuyện trò hát hò đến quá nửa đêm. Đám tụ ấy tinh những tay có máu viết lách cả nhưng mới dạng ngứa nghề, chỉ mới đang lừng khừng với mấy bài thơ, cái ký  in trên Văn Nghệ hoặc rải rác vài báo ở Hà Nội hay địa phương và tất thảy đều ắng lặng khi rụt rè ngồi yên vị để chịu nghe một Nguyễn Khắc Phục, em trai Tổng chỉ huy công trường kỹ sư Nguyễn Khắc Kiên- khi đó danh nổi chưa phải bằng cồn nhưng đã có đống có chỗ với những tày tặn tiểu thuyết cùng kịch bản sân khấu.  Truyền nghề, dạy nghề? Chả phải mà cánh viết lách chả thể thiếu kiểu giao lưu, chính xác là kiểu ngồi kiểu tụ bạ với nhau như thế. Gõ đến đây cứ bâng khuâng cái nỗi, nếu như công trường sông Đà góp cho cơ chế những yếu nhân như Ngô Xuân Lộc (phó thủ tướng), Nguyễn Hồng Quân, Cao Lại Quang, Trần Ngọc Chính (bộ trưởng và hai thứ trưởng Bộ Xây dựng), Đinh Tiến Dũng (bộ trưởng Tài chính), Đinh La Thăng… thì cũng tự hào góp cho hội văn bút nước nhà mà nay kẻ còn người mất những Tạ Duy Anh, Nguyễn Lương Ngọc, Trần Chinh Vũ, Dương Kiều Minh… Tất thảy tên ấy tuổi ấy đều cùng một lứa Sông Đà… này nọ cả! Ngồi ghế dưới nghển lên lấp ló cái đầu húi cua ngồ ngộ nhưng chắc khừ được cắm trên cái cần cổ vạm vỡ, cùng sức vóc hơi bị lạc của cái tuổi quá lục tuần đi đâu các em cũng ơi ới của lão chợt thầm tỵ. Chợt vẩn vơ  nghĩ đến mươi lăm cuốn tiểu thuyết của lão những là Bay qua cõi chết, Ngôi đền, Thuyền nhân, Thăng Long ký... Tác giả khoảng 80 kịch bản sân khấu, 12 kịch bản điện ảnh, vài trăm tập phim truyền hình và nhiều kịch bản lễ hội mà cái nào cũng có sức công phá của lạng, của những cân thuốc nổ cả. Giá lão khoan khoan mà ghìm bớt sức đi sức nghĩ cùng sức viết, chầm chậm tích cóp để âm thầm làm nên một thứ công phá cỡ bom tấn thì còn là tuyệt nữa? Nghĩ vậy nhưng không dám thốt sợ lão mắng cho dại mặt. Mừng cho ông anh. Đang có một người đẹp kém lão gần ba con giáp, học hành chữ nghĩa nghề viết hẳn hoi đã tự nguyện về nâng khăn sửa túi làm cho cái tuổi đầu lục tuần của lão tự dưng bừng lên sắc thái của thứ hạnh phúc mà không phải cái tuổi ấy của người đời ai cũng được hưởng? Nhưng phải là văn tài cỡ phù thủy mới quản được vô số nhân vật của mình như thứ âm binh thuận đấy mà nghịch đấy. Nếu lỏng tay ấn tay quyết thì là những thứ âm binh ấy nó quấy đảo vật cho chết. Nghĩa là tác phẩm của nhà văn ấy chỉ đáng thảy vào sọt rác. May thay và đáng nể thay, phù thủy Nguyễn Khắc Phục từng quản được cỡ ngàn nhân vật văn chương, nay quản thêm một nhân vật lớn nhất của đời mình.  Cứ ngó ánh mắt, lý ra tuổi ấy phải lờ đờ cùi nhãn nhưng cứ long lanh và cái cười thường trực cỡ ông Địa đích thị đang tố giác thứ hạnh phúc ông anh đang được hưởng! Lâu nữa và dài dài ra nhé để văn tài Nguyễn Khắc Phục đều đặn bung đều và bật lên những bất ngờ này khác. Tạo hóa lưu nhân. Mà tạo hóa cũng liêu nhân. Ghi nhận, tôn vinh, đãi đằng phù trợ nhưng cũng cợt trêu người tài. Đùng cái đang hồi yên ấm hanh thông,  bạo bệnh ập đến.  Nguyễn Khắc Phục thời điều trị căn bệnh ung thư phổi quái ác ở Bệnh viện 103 trong vòng vây những người thân và văn hữu dường như không phải là những ngày bi thương u ám mà nó ánh lên thứ gì đó những tạp nhân người trần mắt thịt khó cảm được? Một niềm tin chắc khừ rằng sẽ có nhiều văn hữu lẫn nhà ngoại cảm sẽ chớp được sẽ viết được về những thời khắc lạ ấy? Thế rồi bây giờ là hung tin. Nguyễn Khắc Phục ơi, ông anh tha quá cho thằng em về những dòng tếu táo trong ngày u ám này nhé.                                                                                                    Đêm 20/5/2016
Nguyễn Khắc Phục từng học trung cấp hàng hải, lớp bồi dưỡng nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam, làm tuyên huấn và dân vận ở chiến trường khu Năm. Năm 1976 ông về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam, nổi tiếng với các kịch bản phim nhựa: Tự thú trước bình minh, Chiến trường chia nửa vầng trăng, Sơn ca trong thành phố, Nhiệm vụ hoa hồng, Học trò thủy thần, Lạc cầm thứ 13... Ông còn là tác giả 12 tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn, kịch bản sân khấu... Ông được Giải thưởng Nhà nước chuyên ngành sân khấu năm 2007. Theo Xuân Ba/Báo Tiền phong