Người tiêu dùng Việt Nam tiết kiệm nhất thế giới

00:00 12/10/2020

Có tới 78% người tiêu dùng Việt sẽ sử dụng tiền nhàn rỗi của mình để tiết kiệm.
Thông tin này vừa được Nielsen đưa ra trong báo cáo về Chỉ số Niềm tin người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng tại khu vực Đông Nam Á có xu hướng tiết kiệm cao nhất trên thế giới và dẫn đầu là Việt Nam.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cụ thể, có tới 78% người tiêu dùng Việt cho biết sẽ sử dụng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm, con số này cao hơn hẳn so với mức trung bình 72% của toàn khu vực. Đứng tiếp sau là Indonesia với 75%, Philippines 69%, Singapore 67%, Malaysia 67% và Thái Lan 66%. Cũng theo Nielsen, trong vòng 12 tháng vừa qua, cứ 10 người Việt thì có tới 8 người đã điều chỉnh thói quen nhằm tiết kiệm chi phí. Trong đó 61% đã giảm chi tiêu cho quần áo mới, 58% cắt giảm chi phí giải trí bên ngoài, gần 1/2 người tiêu dùng Việt đã cắt giảm chi phí ga, điện và 44% hạn chế chi phí điện thoại. Mặc dù vậy, sau khi trang trải đầy đủ các chi phí sinh hoạt thiết yếu, người Việt vẫn sẵn sàng cho các khoản chi tiêu lớn khác. Lúc đó, tiền nhàn rỗi sẽ được sử dụng cho các mục đích như: Du lịch chiếm 38%, giải trí 34%, mua các sản phẩm công nghệ mới 32% và trang hoàng nhà cửa là 31%. Đánh giá về xu hướng này, đại diện của Nielsen cho rằng, những chỉ số trên cho thấy người tiêu dùng Việt không đơn thuần chỉ muốn "đủ ăn, đủ mặc| nữa. Thay vào đó hầu hết người tiêu dùng ngày nay khao khát có một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, chính điều này đã mang đến những mong đợi khác nhau cũng như các ưu tiên khác nhau. Nhiều người mong muốn sở hữu nhà riêng hoặc có thể sử dụng quỹ thời gian rỗi để đi du lịch lâu hơn, vì vậy họ cần phải tăng tiết kiệm. Dù thị trường vẫn chưa thực sự có dấu hiệu tích cực thì những mong muốn này ở người tiêu dùng sẽ ngày càng tăng, vị đại diện này dự đoán. Ngoài ra, báo cáo của Nielsen, cũng đánh giá người tiêu dùng Việt đang đứng thứ 5 trên toàn cầu về mức độ lạc quan. Hiện tại chỉ số lạc quan của Việt Nam đang là 109 điểm. Trong khu vực Đông Nam Á, Philippines và và Indonesia đang là 2 quốc gia lạc quan nhất khi lần lượt có chỉ số đạt 119 điểm và 117 điểm. Là một quốc gia có dân số trẻ với 57% dân số dưới 35 tuổi, chỉ số niềm tin cao cho thấy người Việt vẫn đang có kỳ vọng tốt vào nền kinh tế, Nielsen kết luận.
  (theo kinhtedothi.vn)