Người tạo nên “cơn sốt” J02

00:00 12/10/2020

Có một người phụ nữ vô cùng đam mê với cây trồng nông nghiệp, hầu như khắp các vùng miền đất nước đều in dấu chân bà. Mải mê với đồng ruộng đến mức “không nhớ mình bao tuổi” như lời bà đùa vui. Đó là doanh nhân Nguyễn Thị Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống – Vật tư nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam. Bà cũng chính là người đã tạo nên “cơn sốt” giống lúa J02, giống lúa Nhật Bản đang được nông dân nhiều địa phương rất ưa thích.

Doanh nhân Nguyễn Thị Tâm  Lý do đi tìm giống lúa Nhật Giống lúa Nhật J02 đang được nông dân ở 25 tỉnh thành săn đón gắn liền với tên tuổi bà Nguyễn Thị Tâm, Tổng Giám đốc Cty CP Giống - Vật tư nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam. Trò chuyện với chúng tôi, bà Tâm vẫn nguyên vẹn cảm xúc cái ngày mà bà phát hiện ra loại gạo Nhật đặc biệt: “Trong một lần tình cờ, tôi được nếm thử một nắm cơm gạo Nhật của phu nhân một lãnh đạo tỉnh. Chị ấy khoe, đó là gạo Nhật, mua trong siêu thị. Cách đây 10 năm, 1kg gạo Nhật đó trị giá 50.000 đồng (trong khi đó giá gạo Việt Nam thông thường là 10.000 đồng/kg). Đã từng nếm rất nhiều loại gạo nhưng khi ăn lát cơm nắm gạo Nhật đó, tôi cảm nhận được hương vị, cảm giác đặc biệt, không giống những loại gạo khác. Từ đấy, tôi bắt đầu để ý, tìm kiếm giống lúa này”, bà Tâm lý giải nguyên nhân bà đi tìm giống lúa Nhật. Thế rồi như một cơ duyên, J02 - giống lúa có nguồn gốc Nhật Bản lại về với đồng đất Phú Thọ, do chính Công ty CP Giống - Vật tư nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam độc quyền sản xuất và phân phối. Giống do Viện Di truyền Nông nghiệp tuyển chọn. Đến năm 2009, bà Tâm thấy tập đoàn đưa về nhiều giống, trong đó có ghi xuất xứ Nhật Bản, bà mừng như bắt được vàng và bắt tay ngay vào làm khảo nghiệm. Từ 3 lạng giống ban đầu, công ty tiến hành khảo nghiệm trên một diện tích nhỏ. Những khó khăn, vất vả không sao kể xiết khi đưa một giống mới vào khảo nghiệm ngày đó bà Tâm vẫn nhớ như in. Lúc mới được nhập vào Việt Nam, giống lúa Nhật J02 khiến nhiều người e dè bởi chưa có kỹ thuật thâm canh, chưa biết đất nào, khí hậu nào phù hợp. Thời gian ngâm ủ của J02 lại lâu gấp ba lần lúa thông thường (khoảng 70 tiếng). Vẫn nhiệt độ kiểu “ba sôi hai lạnh” nhưng kỹ thuật ngâm cho đạt không hề đơn giản. Khi lúa trổ bông phô ra những bông ngắn chỉ 140- 160 hạt, không ít người nông dân lo lắng vì tưởng năng suất thấp. Thử thách nữa là giống lúa này có cuống hạt rất dai, khó tuốt. Điều nhiều người nông dân thấp thỏm là dù đã được nghe ưu điểm của giống lúa này nhưng khi chưa được nếm thử thì chưa ai dám chắc chất lượng của nó. Ngay từ những ngày đó, bà Tâm rất tự tin nhìn nhận: Lâu lắm rồi trên thị trường mới xuất hiện một giống lúa tốt như vậy, chất lượng có thể nói là đứng đầu trong bộ giống lúa Nhật nhập nội vào Việt Nam. Do đó bà vừa kiên trì tổ chức mô hình, vừa tổng kết đúc rút để mong sao phát huy hết tiềm năng ẩn giấu. Bộ phận nghiên cứu của công ty đã kỳ công tổ chức nhiều thí nghiệm để hoàn chỉnh kỹ thuật từ khâu ngâm ủ, gieo cấy đến thu hoạch sao cho gần với truyền thống sản xuất lúa của người nông dân nhất, dễ hiểu, dễ áp dụng nhất. Thủa ban đầu đó, bà Tâm đã phải ký cam kết là nếu năng suất và nhất là hiệu quả kinh tế của giống lúa mới không cao hơn Khang dân 18, công ty sẽ đền bù. Vậy là nông dân chấp nhận trồng. “Sau 3 tháng hồi hộp mong chờ, khi thu hoạch sản phẩm, chất lượng gạo J02 mặc dù không ngon bằng gạo sản xuất tại Nhật nhưng ở Việt Nam cũng chưa có gạo nào ăn ngon bằng. Tôi thấy nó rất đặc biệt, nấu cơm lên mùi rất thơm, ăn rất dẻo, không giống độ dẻo của gạo Tám thơm của Việt Nam”, bà Tâm vẫn còn nhớ y nguyên cảm giác vừa hồi hộp, vừa vui mừng khi biết kết quả thử nghiệm của J02. Giống lúa Nhật J02 được Công ty CP Giống - Vật tư nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam bắt đầu khảo nghiệm từ năm 2009, đến cuối năm 2013 được Hội đồng Khoa học của Việt Nam công nhận đặc cách vì nếu tính thời gian thì chưa đủ. Ngay cuối năm 2013, đầu 2014, công ty chỉ dám làm ở miền Bắc, miền núi. Sau đó J02 được công ty đưa xuống đồng bằng và thấy thâm canh cũng dinh dưỡng tốt, đưa vào đồng bằng là thắng lợi. Đặc biệt, ở Hải Phòng, Nam Định người dân đánh giá gạo này rất ngon. Sau đó giống J02 được công ty phát triển tiếp ở miền Trung, rồi vào Tây Nguyên và bắt đầu đưa vào Tân Châu – Châu Đốc (An Giang). J02 sở dĩ được đón nhận nồng nhiệt bởi giống lúa này năng suất cao, chất lượng gạo ngon và tính chống chịu rất tốt, đặc biệt là ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vì ít bị sâu bệnh. Tự hào vì J02 mang đến niềm vui cộng hưởng “Thành công khi sản xuất và cung ứng giống lúa J02 đến với nông dân ở nhiều tỉnh thành, là điều tôi không thể tưởng. Trong cuộc đời làm nông nghiệp tôi chưa thấy có giống lúa nào lan tỏa và được nông dân chấp nhận như thế. Người trồng lúa đầu tư chi phí thấp hơn do không phải phun thuốc BVTV, không bị chết rét phải cấy lại... nhưng giá bán lại cao”, bà Tâm cho biết. Không chỉ người trồng lúa được thụ hưởng và đỡ vất vả mà người làm xuất khẩu gạo được giá, người tiêu dùng thì có thêm sự lựa chọn loại gạo vừa chất lượng vừa đảm bảo an toàn thực phẩm. Thương hiệu gạo của Việt Nam được nâng lên. Trước kia người ta cứ bảo gạo Việt Nam toàn gạo rẻ nhưng bây giờ gạo Việt Nam được đưa vào các thị trường khó tính như Úc, Hàn Quốc, Đài Loan…. Quyết định số 70 ngày 25/5/2015 của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Phú Thọ cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho sản phẩm gạo J02 cho thấy hàm lượng amiloza trong gạo 17,8%, hàm lượng protein trong gạo 6,6% toàn ở mức lý tưởng cả... Với những đặc tính nổi trội mang lại lợi ích cho người sản xuất, hiện nay giống J02 được nhiều địa phương chọn lựa. Là giống có nguồn gốc ôn đới chịu rét giỏi lại chịu được nắng nóng, thời tiết khắc nghiệt… Trà sớm, trà trung đều tốt. Chân vàn, chân trũng, chân một lúa một cá đều thích nghi. Năng suất khá cao (65 - 70 tạ/ha), tức thừa sức tương đương với giống lúa thuần đang phổ biến là Khang dân 18. Hiện nay, Hà Nội khuyến khích người nông dân đưa vào gieo cấy loại giống này. Riêng huyện Ứng Hòa đăng kí cấp giống 110 tấn – khoảng hơn 1.000 ha diện tích trồng trọt. Tại tỉnh Phú Thọ, có địa phương cả huyện cấy giống lúa J02. Huyện Lâm Thao, 80% diện tích canh tác trồng giống J02. Huyện Thanh Ba có Nghị quyết về sản xuất hàng hóa bền vững, trong đó có cơ chế hỗ trợ cho lúa J02 gắn với phát triển thương hiệu, tổng trị giá 1,2 tỉ đồng. Do chất lượng gạo ngon, người bán gạo tìm đến tận bờ của người trồng lúa để mua. Chuyện ngược đời là doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho J02 phải “năn nỉ” người sản xuất đừng để lại ăn mà nhường bán cho mình.  Không nhớ mình bao nhiêu tuổi Nhìn ánh mắt ánh lên niềm say mê khi nói về J02, không ai nghĩ bà Tâm đã ở vào cái tuổi được gọi là “xưa nay hiếm”. Bà cười rất tươi chia sẻ: “Tôi làm việc không biết chán, không biết mệt, ngày qua ngày, quên cả tuổi tác. Nghĩ ra một cái gì mới là lại lao vào làm, trong 20 ngày vừa qua, tôi đã đi rất nhiều nơi, từ Thái Nguyên đến Tiền Giang”. Thành công với cây trồng đến với bà Tâm không có gì lý giải thuyết phục bằng hai từ- đam mê. Xuất phát điểm học tài chính, đảm nhận vai trò kế toán trưởng nhưng bà Tâm rất rành về kĩ thuật cây giống vì đó là đam mê. Khi tinh Vĩnh Phú tách tỉnh, bà Tâm được điều làm Giám đốc Trung tâm Giống, khi đó bà mới học thêm bằng kĩ sư nông nghiệp. Âu cũng là duyên nợ của bà với cái nghề vất vả này. Nhiều sóng gió bà phải trải qua như khi triển khai dự án trồng bưởi Đoan Hùng, Công ty Sản xuất giống từng bị 13 tờ báo chụp mũ, không tin tưởng vì dự án trồng 1.000ha bưởi Đoan Hùng giao cho công ty  trong vòng 4 năm hoàn thành. Là một đơn vị nhà nước sớm tự tin khẳng định trong cơ chế thị trường, hy sinh hết các biên chế và ưu đãi để cổ phần hóa, Công ty CP Giống vật tư Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam với sự chèo lái vững vàng của người thuyền trưởng đầy đam mê nhiệt huyết Nguyễn Thị Tâm đang vững vàng ra biển lớn, góp phần xây thương hiệu nông sản Việt trên bản đồ thế giới. Minh Châu

Ông Phạm Văn Hạnh, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng khu dân cư Đông Thịnh, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ: Giống lúa J02 đến với bà con nông dân bắt đầu từ vụ chiêm 2013 và được trồng trên cánh đồng mẫu lớn. Đặc biệt, vụ chiêm 2017, bà con lựa chọn giống J02 trên 90% diện tích gieo cấy của xã. J02 đã khẳng định được vị trí thương hiệu và chất lượng gạo hiện được đánh giá cao nhất trên thị trường miền Bắc, làm thay đổi thói quen từ nhập giống, gieo cấy đến thu hoạch cũng như phân phối cho các thị trường lân cận. J02 là sản phẩm hàng đầu luôn được khách hàng quan tâm, lựa chọn và tin dùng. J02 cho năng suất thu hoạch từ 72-75 tạ /ha gấp 1,5 lần so với một số giống khác là đã khích lệ bà con nông dân. Bên cạnh đó giống này thích nghi và chịu được thời tiết nóng, lạnh, bệnh dịch và sâu bệnh, nhất là vụ chiêm giúp bà con giảm chi phí đầu tư về phân bón, thuốc trừ...