“Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong”*

00:00 12/10/2020

Trong di sản văn hóa quân sự Việt Nam, Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo lừng danh là nhà nghệ thuật quân sự với chiến thắng Tây Nguyên chấn động, làm biến đổi cục diện chiến tranh.

Tôi may mắn được đến thăm ông và được ông tiếp chuyện thân tình. Tôi ngỏ ý muốn biết kỹ hơn về cú đánh trúng “huyệt hiểm” Buôn Ma Thuột:  chan-dung                                                                                                                                   Thượng tướng- Giáo sư Hoàng Minh ThảoThưa bác, cháu nghĩ từ phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh”trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ sáu tiếng (11 giờ đến 17 giờ) trước giờ tấn công, sau hơn 10 ngày theo dõi tình hình địch, thấy đã thay đổi rất nhiều về phòng ngự, kiểm tra lại khả năng của ta, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã chuyển sang “Đánh chắc, tiến chắc”, vì nhớ lời dặn của Bác Hồ: Chú đi chiến dịch lần này, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh. Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Còn trong chiến thắng Mùa Xuân 1975, nếu tính từ 10-3-1975, bắt đầu chiến dịch Tây Nguyên, ta đánh Buôn Ma Thuột đến 30-4-1975 thì ta giải phóng miền Nam trong vòng có 50 ngày. Nếu tính cả thời gian chuẩn bị, từ đêm mồng 3 rạng ngày 4-3-1975, trung đoàn 95A và Sư đoàn 3 Quân khu 5 đánh cắt và làm chủ đoạn đường số 19 thì cũng chỉ có 57 ngày đêm. Cách nhau 21 năm, từ 1954 đến 1975, mà khoảng thời gian tác chiến chiến lược chỉ chênh nhau có 1 ngày. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương dự tính sẽ giải phóng miền Nam trong vòng hai năm, nhưng sau khi chiến thắng Buôn Ma Thuột – một chiến thắng có ý nghĩa chiến lược, thời cơ chiến lược đến, quân ta đã thần tốc, thần tốc trên tất cả các mặt trận ... Cách chỉ huy ấy, rất thống nhất mà linh hoạt, chỉ có thể ở một con người – Đó là Bí thư Quân Ủy Trung ương, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.   Thượng tướng Hoàng Minh Thảo vẻ như thẩm định, rồi hứng khởi… Ông  say sưa, xòe năm ngón tay bổ xuống mặt bàn kính mà tôi cứ ngỡ  như sa bàn chiến sự Tây Nguyên:
  • Tôi nằm ở Tây Nguyên cả chục năm, tình hình địch tôi nắm chắc.
Có lần, tôi ra Hà Nội dự Hội nghị Quân chính Trung ương, họp tư lệnh các miền, anh Văn gọi riêng tôi ra sân Điện Kính Thiên, hỏi: “Nếu đánh Tây Nguyên thì nên đánh ở đâu trước?”. Tôi nói: - “Nếu mở trận ở Tây Nguyên thì anh nên cho đánh Buôn Ma Thuột trước. Vì Buôn Ma Thuột là thị xã lớn nhất, hậu cứ của địch, nơi hiểm yếu, ta có thể từ trên cao phát triển thế trận xuống đồng bằng, cũng là nơi địch sơ hở và ít quân hơn. Chỉ cần ta dụ được địch lên phía Bắc Tây Nguyên”. Anh Văn gật đầu, đồng ý, điều tôi làm Tư lệnh, Chỉ huy trưởng mặt trận Tây Nguyên.Tôi vào chiến trường mang theo những kế hoạch vạch ra cùng Bộ Tổng tham mưu. Bày tâm can ý khí xong. Anh Văn đột ngột đi một nước cờ trấn trận rất thần tình, bất ngờ cắm một quân đoàn (Quân đoàn 4) ở bắc Đồng Nai, một quân đoàn (Quân đoàn 2) ở Huế, nhằm kìm giữ địch ở hai đầu nam - bắc chiến tuyến là Sài Gòn và Huế - Đà Nẵng. Buộc địch phải điều hai sư đoàn chủ lực đặc biệt ra để giữ hai khu vực chiến lược quan trọng là Huế và Sài Gòn, để hở quãng giữa là Tây nguyên … Phân thế trận, tạo yếu tố bất ngờ để ta nắm quyền chủ động chiến trận. Quân đoàn 1 được lệnh hành quân cấp tốc từ Thanh Hóa áp sát bờ bắc sông Bến Hải. Anh Văn đột ngột tăng hai sư đoàn (Sư đoàn 968 và Sư đoàn 316) cho Tây Nguyên. Từ đó, Tây Nguyên có tới bốn sư đoàn và một số trung đoàn độc lập. Lại có sự phối hợp của Sư đoàn 3 Quân khu 5, sự hỗ trợ của Đoàn 559, Tây Nguyên bỗng trở thành một quân đoàn mạnh. Quân ta từ một lực lượng chiến dịch, bỗng trở thành một lực lượng chiến lược, khí quân ta vì thế mà càng tăng. Quả đấm thép đó, khiến cho ta đủ sức nghi binh ghìm địch ở đầu mạnh, đánh địch ở chỗ yếu. Quyết tâm thực hiện bằng được lời Bác dạy “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Nghi binh, địch mắc vào mưu kế của ta, để sơ hở hướng nam Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột. Đánh địch bằng mưu kế, thắng địch bằng thế thời và chính kỳ trong tác chiến. Đó là thế thắng lực. Là Nghệ thuật quân sự với thế trận lòng dân. Tư lệnh Hoàng Minh Thảo bước ra ngoài căn hầm bán âm bán dương của Sở chỉ huy tiền phương. Trời cao nguyên mát dịu. Ông lại gần đằng sau chiếc xe U-oat, cầm ca nước suối rưới nhè nhẹ lên giò lan đang bung nở những vòi hoa dài cong trắng muốt. Sinh nhật ông là ngày 25 tháng 10 năm 1921. Quê hương ông ở xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Gia đình ông có người cha là một tiểu chủ yêu nước, làm nghề thợ may, bị giặc Pháp bắt. Vì vậy, người cha đã phải đưa cả gia đình lên Tràng Định, Thất Khê, Lạng Sơn sinh sống. Tuổi ấu thơ của ông gắn với miền sơn cước xứ Lạng, những huyền tích nàng Tô Thị ngóng chồng và sự kì bí của Mẫu Sơn. Giờ này, Minh Nguyệt vợ ông và các con Hoàng Quang Minh, Hoàng Hoa Châu, Hoàng Phương ở miền Bắc đang làm gì, có mạnh khỏe cả không? Ông yêu vợ con da diết, nhất mực thủy chung. Ông giỏi nắm bắt tâm lí và nhớ từng gương mặt người chiến sĩ thuộc cấp của mình, tôn trọng chức năng mỗi người. Ông coi họ như những người thân yêu nhất. “Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Đời Tư lệnh chiến trường, ăn ngủ trong hầm chữ A, có chiếc xe U-oat đưa ông đi khắp mặt trận, thăm nom, lo nhu yếu phẩm, cơ số đạn cho anh em từng đơn vị. Bước vào chiến dịch, do yêu cầu chiến trường, ông, bác sĩ Nguyễn Đình Lễ và bí thư Nguyễn Xuân Yêm đi xe liên tục suốt ba ngày đêm vào Buôn Ma Thuột, bộ binh ém trước, thủ trưởng phải vào ngay, dọc đường ăn lương khô hoặc bữa cơm đạm bạc ở binh trạm, chiếc U-oat ấy, có lúc đi vào đường dân vừa khai thác gỗ, chạy trên gốc cây mới cưa, đi xóc như xóc cua. Người ngồi trên xe cảm giác như đi bộ còn dễ chịu hơn. Có lúc xe chạy trong rừng khộp, bụi đỏ bốc lên thành luồng, chỉ lo máy bay địch trần. Bác sĩ Nguyễn Đình Lễ thấy thủ trưởng vẫn giữ thói quen hút thuốc lá, châm thuốc xong, còn lấy quyển sách che chụm ánh đèn lại một phía cho bác sĩ Lễ ngồi đọc sách. Phong cách ung dung thư thái, thủ trưởng không có biểu hiện gì căng thẳng mệt mỏi, sống rất giản dị khiêm nhường và đặc biệt không muốn làm phiền ai. Thủ trưởng đã nói “Vâng”, khi nhận viên thuốc uống từ tay bác sĩ Lễ, và chấp hành nghiêm túc quy định về bảo vệ sức khỏe. Tướng Thảo cho đây là cuộc đấu trí, vì các tướng lĩnh Việt Nam cộng hòa đều được đào tạo rất cơ bản tại Mỹ, trang bị vũ khí hiện đại. Tướng Hoàng Minh Thảo chỉ có tâm hồn dân tộc và kinh nghiệm xây dựng trận tuyến trong lòng dân ... Vị Tư lệnh đang tin tưởng, hài lòng trước nước cờ thiên định của Anh Văn! Công tác chuẩn bị chiến đấu của ta ở Buôn Ma Thuột gặp rất nhiều khó khăn. Trước giờ G., địch còn nống càn sục sạo lên phía bắc, nơi Sư đoàn 320 đang trú chân và chuẩn bị trận địa. Địch càn đến đâu, ta vừa rút lui, vừa xóa sạch mọi dấu vết những gì đã làm trước đó … Mũi súng có lúc chỉ cần chọc xuống đất, hất lên là vướng vào dây điện thoại của ta vừa rải phủ lá rừng lên, thậm chí địch còn tiểu tiện lên lưng đặc công ta. Rừng xanh dày dặc. Sở chỉ huy tiền phương ở sát nách địch, anh em đi tuần vòng ngoài gặp địch ... Không phát hiện được gì, trung đoàn 45 - là trung đoàn mạnh của Sư đoàn 23 ngụy, vừa đi trinh sát ở Bắc Buôn Ma Thuột, phải chuyển về PleiKu, để đối phó với Sư đoàn 968 của ta đang đánh mạnh ở tuyến phòng ngự vòng ngoài thị xã Pleiku. Đúng giờ G. ngày mồng 10-3-1975, ta nổ súng đánh Buôn Ma Thuột. Quân đội cách mạng giải phóng Việt Nam chính thức tuyên chiến với chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Nhà Trắng. Và khẳng định, chiến lược của nhà cầm quyền Mỹ “xuất khẩu” chiến tranh đến Việt Nam đã hoàn toàn phá sản, là do những cái “kỹ thuật của chúng ta về những bản tường trình, tường thuật quân sự với những bản báo cáo ngu ngốc”. (TS. Henry Kissinger - Những năm tháng bão táp - T1) Giờ G. Đó là 2 giờ sáng. Trung đoàn đặc công (198) và pháo phản lực (DKB, H12, rốc két) của ta đánh vào sân bay và khu kho Mai Hắc Đế, địch vẫn tưởng là ta nghi binh. Lúc đó, công binh cũng đã cho đổ các cây cưa sẵn, để xe tăng, xe bọc thép, các binh chủng cơ giới bật đèn sáng trong đêm tạo thế áp đảo, vọt hết tốc lực tiến vào vị trí xuất phát tiến công. Bộ binh được ém lót sẵn, khi xe đến là ào lên mở toang cửa trận. Địch không ngờ ta có xe tăng. Khi thấy xe tăng ta nghiến xích trên đường phố, thì địch mới tin rằng Buôn Ma Thuột bị tấn công. Quân ta với tốc độ tiến công thần tốc tựa ưng bay, đột phá thọc sâu, vu hồi, như sấm sét giông tràn trút bão lửa, khiến quân địch choáng váng khiếp vía, mất phương hướng, không kịp chuẩn bị đối phó, không kịp chấn chỉnh và điều động lực lượng … Vũ Thế Quang, đại tá, Sư phó sư đoàn 23, Tư lệnh nam Tây Nguyên, chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang của địch ở Đăk Lăk – Quảng Đức, Nguyễn Trọng Luật, đại tá, tiểu khu trưởng Đăk Lăk phải bỏ Sở chỉ huy tháo chạy. Đến 11 giờ ngày 11-3 trận đánh Buôn Ma Thuột kết thúc trong biến ảo toàn cục, tạo tình thế mới cho cách mạng giải phóng. Kinh nghiệm vận động chiến của bộ binh kết hợp cùng nhân dân, tạo được những mũi chính và mũi vu hồi, khiến địch tưởng tất cả đều là đất giải phóng. Hình trận bao giờ cũng có lực lượng dự bị, để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Ta đã cho một trung đoàn (24) phục sẵn ở phía đông Buôn Ma Thuột. Sư đoàn 10, sau khi đánh Đức Lập xong, cấp tốc hành quân về Buôn Ma Thuột đón lõng ở nơi ta dự kiến địch sẽ đổ bộ bằng đường không. Địch cho máy bay lên thẳng đổ quân (trung đoàn 45) nhảy dù xuống phản kích hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột, liền rơi vào cái bẫy của ta, vừa tiếp đất đã bị ta tiêu diệt, thây địch đổ ngổn ngang. Đúng lúc ấy, Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu họp với đại tướng Trần Thiện Khiêm, đại tướng Cao Văn Viên – Tổng tham mưu trưởng, trung tướng Đặng Văn Quang – Phụ tá an ninh quân sự của Tổng thống và thiếu tướng Phạm Văn Phú ở Cam Ranh (14-3-1975) quyết định: Phải rút khỏi Kontum và PleiKu để bảo toàn lực lượng, rút lui chiến lược … Quân địch đang nguy ngập, nghe tin ấy thì kinh hoàng, tuyệt vọng, kế cùng tháo chạy mang theo cả tâm lý hoảng loạn lan nhanh xuống đồng bằng … Quân ta khí thế bừng bừng cắt rừng truy kích, đánh tiêu diệt tập đoàn địch rút chạy, không cho thoát, không cho chúng kịp co cụm … PleiKu, Kontum không đánh mà được giải phóng. Rừng cây sừng sững tựa muôn quân ùn ùn vây đánh. Gió thổi, chim kêu đều hãi vía. Thế cờ chính binh - kỳ binh biến chuyển, lung lay trời đất, biến hóa gió mây. Chiến dịch Tây Nguyên đang trên đà thắng lớn, chiến dịch Huế - Đà Nẵng lập tức gối đầu. “Bậc Thánh Võ trị đời, Đánh ở chỗ không có thành, Công ở chỗ không có lũy, Chiến ở chỗ không có trận, Nhẹ nhàng như mưa rơi trên không, Dựng lên cuộc đời vô sự” (1) Danh uy sấm động, tiếng nhân vang khắp ... Anh Văn với tư cách Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh, lập tức biệt phái anh Lê Trọng Tấn – Phó Tổng tham mưu trưởng đi cùng với Quân đoàn II ở cánh phía Đông, để chớp thời cơ nhanh chóng cắt đứt đường số 1, không cho quân địch kịp co cụm ở Đà Nẵng (Liên hiệp quân sự) để củng cố tinh thần … Đánh ngay sân bay Phú Bài (Huế). Phải đánh ngay vào tinh thần khiếp nhược, rệu rã, bay hồn mất vía như một phản ứng dây chuyền domino của quân địch… Anh Lê Trọng Tấn được Anh Văn chỉ định là Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà với phương châm “táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng”, đánh Đà Nẵng theo phương án chuẩn bị ba ngày. Thời gian là lực lượng. Anh Văn hạ lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” (7-4-1975). Sau khi giải phóng Đà Nẵng, Quân đoàn II cánh phía Đông của anh Lê Trọng Tấn với mũi thọc sâu hùng dũng của Lữ đoàn 203 xe tăng, Trung đoàn bộ binh 66 thuộc Sư đoàn 304, phối hợp cùng một số binh chủng: công binh, phòng không, pháo binh, … bộ binh ngồi trên xe tăng, xe bọc thép, còn lại bao nhiêu thì ngồi trên xe bánh hơi, có sự phối hợp yểm trợ của bộ đội địa phương … cứ thế đánh thẳng vào Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh kế tiếp được mở ra: 17 giờ, ngày 26-4-1975, lúc 15 sư đoàn của ta từ vị trí xuất phát tiến công, đã bao vây Sài Gòn từ 5 hướng (Quân đoàn 1 ở hướng Bắc, Quân đoàn 2 ở phía Đông Nam, Quân đoàn 3 ở Tây Bắc, Quân đoàn 4 ở phía Đông, Quân khu 9 ở Tây Nam). Thế quân ta lúc bấy giờ như lũ quét, như chẻ tre lướt êm lưỡi sắc. Cây cỏ giúp oai mà tiếng hô vang trời, núi non như sấm động: Xung phong! … Xung phong! … Ta chia quân làm ba mũi tỏa xuống đồng bằng, đánh quân địch đang hoang mang khiếp sợ hồn bay lạc phách … Mũi thứ nhất (Sư đoàn 3 Sao Vàng, Sư đoàn 968 và Trung đoàn 95A), theo đường 19 tiến xuống Bình Định. Mũi thứ hai (Sư đoàn 320), theo đường số 7 tiến xuống Tuy Hòa. Mũi thứ ba, Sư đoàn 10 của ta còn sung sức, tiến về đèo Phượng Hoàng – Ma-đrắc, theo đường 21, xuống Nha Trang giải phóng tỉnh Khánh Hòa và quân cảng Cam Ranh. Khi các quân đoàn tham chiến tiến vào giải phóng Sài Gòn, thì Sư đoàn 308 của Quân đoàn I – là quân đoàn mạnh nhất của quân đội ta, và một số đơn vị mới thành lập, đứng lại ở đường 9 để cảnh giác tái chiếm của Mỹ sẽ đổ quân vào đường 9, cắt ngang tuyến hậu cần Đông Dương. Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu từ 4-3 đến 3-4-1975 thì kết thúc. Tôi chợt hiểu: Thưa bác, Buôn Ma Thuột đúng là đột phá khẩu của cuộc Tổng tiến công chiến lược Mùa Xuân 1975! … Làm phá sản chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Bác gái nhắc chừng: Hai bác cháu nghỉ, đến 2 giờ chiều lại tiếp tục nhé. Bác Thảo đang mệt đấy. Câu chuyện dừng ở đây. Mười bốn giờ ba mươi phút, tôi vừa lò dò tới cổng, đã thấy một cậu thanh niên da trắng, người dỏng cao, mở sẵn cổng, đứng chờ: - “Ông đợi cô từ 2 giờ đấy!”. Linh tính như người mắc lỗi. Tôi vội đi vào. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo mặc áo len màu ghi, tóc bạc, đang đứng cạnh bức tường hoa, ngoài gió hanh se lạnh, ngóng chờ tôi. Ông là người rất trọng giờ giấc. Tôi luống cuống gạt chân chống xe đánh cạch. Bác gái ở trong nhà bước ra, sốt ruột: Bác trai không ngủ được. Bác chờ cháu từ 2 giờ đấy. Cháu xin lỗi ạ! Cháu cứ nghĩ là bác nghỉ trưa. – Tôi cuống quýt biết lỗi. Thôi, không sao. - Thượng tướng cười hiền từ, quay vào nhà, đưa cho tôi một cuốn sách: - Đây là cuốn sách của bác mới xuất bản. Cháu ngồi đọc, rồi nói cho bác biết nhận xét của cháu. Vâng. - Tôi đón cuốn sách từ tay Ông, ngồi đọc ... say sưa. Nhà có khách Lúc tôi gấp cuốn sách, ngẩng lên. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo chỉ vào người mới đến lúc nãy, giới thiệu: - Đây là anh Phạm Vũ Quỳnh, thư ký của bác. Anh cũng giúp bác viết sách. Cháu đọc cuốn sách của bác, thấy thế nào? Tôi ngần ngừ: -  Dạ. Bác cho phép thì cháu mới dám nói. Cháu cứ nói tự nhiên. Tôi nhìn đồng chí Phạm Vũ Quỳnh người tầm thước, tóc cắt ngắn đang chờ đợi, nhìn cuốn sách đang nằm trên tay, rồi ngước lên Thượng tướng Hoàng Minh Thảo - vị Tư lệnh có thâm niên từ năm mới 24 tuổi, xúc động:  Dạ. Thưa bác, cháu thấy nếu bác bớt thêm chút thời gian nữa cho cuốn sách thì cuốn sách sẽ có nhiều ý nghĩa, hay hơn. Ông lão Hoàng Minh Thảo cười khà … khà … quay sang bác gái Vũ Thị Minh Nguyệt, giọng âm vang: - Mình ơi, cháu Thu nói nếu tôi bớt thêm chút thời gian nữa thì cuốn sách sẽ hay hơn ... Nguyên Tư lệnh, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo nhìn sang tôi. Mắt Ông sáng lên dưới đôi lông mày oai vệ như ông Hộ Pháp ngự ở chùa, tưởng rằng tính Ông sẽ nóng như Trương Phi, nhưng trong đôi mắt to sáng của Ông tỏa tinh anh rất hiền lành ấm áp. Nước Việt Nam lượn hình chữ S, tựa như Rồng vút lên từ biển Đông, vây Rồng là dãy Trường Sơn hùng vĩ. Địa thế hiểm giữ cho nước trường tồn. Tài tự trời sinh. Gió vườn xào xạc thi nhau kể tiếp câu chuyện khí thiêng Tây Nguyên của người lính già đầu bạc, nói lên khát vọng giải phóng, độc lập thống nhất của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là nhân dân Miền Nam ... Còn đây, cái thế Chương Dương lừa dử Thoát Hoan mà quân ta đã chiếm được thành Thăng Long. Trong cuộc tổng phản công, năm 1285, Trần Hưng Đạo đã tổ chức đồng loạt hai đòn chiến lược: Đánh Thoát Hoan ở Thăng Long và đánh Toa Đô ở Tây Kết, nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh. Trong thời đại Hồ Chí Minh, với cuộc Tổng tấn công Mùa Xuân 1975, ta cũng tổ chức ba đòn chiến lược gối đầu và kế tiếp để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Như phảng phất trong gió hùng khí ngày 30 - 4 lịch sử, có tiếng gầm rú của xe tăng, của hàng trăm xe cơ giới khác đang dấn ga xông tới, làm quân địch hết sức hoảng loạn, tim đập chân run, quẳng súng, trút bỏ quân phục trà trộn trong dân hoặc tháo chạy thục mạng… “Vận nước đã đến rồi!”. Có người lính vừa trút áo rằn ri lại hân hoan vỗ tay reo hò, bịn rịn, sẵn sàng giúp bộ đội ... Đồng bào chỉ đường cho đoàn xe tăng, cơ giới của Binh đoàn Hương Giang rầm rập tiến theo đường Hồng Thập Tự, đường Thống Nhất vào chiếm Dinh Độc Lập. Và đây, tiếng nói của Trung tá Bùi Văn Tùng – Chính ủy Lữ đoàn xe tăng thiết giáp 203, vinh dự thay mặt các đơn vị Quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập, dõng dạc tuyên bố qua Đài phát thanh Sài Gòn vừa được giải phóng: “Tôi - đại diện lực lượng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, đơn vị chiếm dinh Độc Lập, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn…”. Thành phố Sài Gòn – Gia Định đã hoàn toàn giải phóng.”. Đại tướng, Tổng thống Dương Văn Minh kí điều ước đầu hàng. Đất nước ca khúc khải hoàn Tôi ngắm kỹ hơn bìa sách Chiến đấu ở Tây Nguyên đang cầm trên tay:  Bác ơi, trông ảnh bác ở bìa sách, giống như ông mãnh hổ. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lại cử bác vào Tây Nguyên … như thả hổ về rừng, bác nhỉ! Ông cùng cả nhà cười vui vẻ. “Ở đây không có ai thắng ai, mà chỉ có nhân dân Việt Nam chiến thắng đế quốc Mỹ.” (2) Thời gian đã qua lâu, nhưng trong ánh mắt của vị Lão tướng vẫn còn ánh lên niềm tự hào của thời trai trẻ, khi Ông còn chỉ huy ba quân trên trận tiền. Lời kể của Ông tôi đã ghi lại một cách trung thành, mong góp một phần tư liệu cho những ai muốn tìm hiểu về những đầu óc chiến lược lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam. Vẳng xa nghe câu hát “Lệnh vua hành quân trống vang trời. Chiêng trống khua liên hồi, ngần ngại trên núi đồi, rồi vọng ra khắp nơi, …” Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nói với đại tá Nguyễn Huyên – Thư ký chính của Đại tướng: - “Người đầu tiên đề xuất ra đánh Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên là Hoàng Minh Thảo.” “Thượng tướng anh minh, trăm trận lẫy lừng gương trí dũng Giáo sư uyên bác, ngàn trang rực rỡ bút tinh khôi”.

 Trần Minh Thu *Nguyên văn chữ Hán: “Bạch đầu quân sĩ tại Vãng vãng thuyết Nguyên Phong” (Người lính già đầu bạc kể mãi  chuyện Nguyên Phong) Thơ của vua Trần Nhân Tông làm sau chiến thắng quân Nguyên. (1): Binh thư yếu lược (2): Thượng tướng Trần Văn Trà.