Người kế nghiệp gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô

00:00 12/10/2020

 Như một mạch nguồn nối tiếp của truyền thống gia đình doanh nhân danh gia bậc nhất VN thời kỳ trước Cách mạng, sau hơn 60 năm, “con đường kinh doanh” của gia đình ông Trịnh Văn Bô lại được “khơi mở” khi ông Trịnh Cần Chính – người con trai áp út trong gia đình trở thành TGĐ Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam.

anh-copy

Trong ký ức của ông Trịnh Cần Chính vẫn vẹn nguyên hình ảnh người mẹ – bà Hoàng Thị Minh Hồ tần tảo bán, buôn nuôi mấy anh em ở vùng kháng chiến Phú Thọ. Ngay trong hoàn cảnh khó khăn nhất, tố chất kinh doanh của một trong những doanh nhân có Tâm và có Tầm nhất VN thời kỳ trước Cách mạng vẫn được phát huy.

Danh gia không người kế nghiệp

Thời điểm năm 1940, ông Bô được xem là một trong những người giàu có bậc nhất đất Hà Thành, giao thương với cả các bạn hàng ở Đông Dương, sở hữu một nhà máy dệt và kinh doanh bất động sản.

Theo ông Chính, năm 1946, ông Trịnh Văn Bô đã góp 1 triệu đồng Đông Dương để thành lập Việt Nam Công thương Ngân hàng có trụ sở tại 58 Tràng Tiền(Hà Nội).

Có hai chi tiết quan trọng được nhắc đến nhiều và ghi trong sử sách đó là việc gia đình ông Trịnh Văn Bô dành toàn bộ tầng 2 căn nhà 48 Hàng Ngang làm nơi làm việc của Bác Hồ và 15 người trong Thường vụ Trung ương Đảng. Cũng chính tại đây, bản “Tuyên ngôn Độc lập” đã ra đời. Sau đó, đến “Tuần lễ vàng” nhằm thu nhận tài chính và hiện vật nhân dân quyên góp cho Chính phủ, gia đình ông đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ.

Tiếc thay, ông bà Trịnh Văn Bô đã không thể tiếp tục “sự nghiệp” kinh doanh trong lòng chế độ mới mà họ đã hết lòng dốc sức ủng hộ. Sau khi Pháp tái chiếm Đông Dương, ông tham gia công tác trong chính phủ kháng chiến tại Việt Bắc trong khi gia đình tản cư lên Cao Bằng. Đến năm 1955, gia đình ông mới trở về Hà Nội. Ông được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội cho đến ngày nghỉ hưu.

Sau này, 7 người con của ông Bô khi trưởng thành cũng không ai theo nghiệp kinh doanh mà đều trở thành giáo viên, kỹ sư làm việc tại các cơ quan của nhà nước.

Trở lại với câu chuyện của ông Trịnh Cần Chính, sinh năm 1949, ông Chính không có may mắn được sống trong thời kỳ hưng thịnh nhất của gia đình. Trong 7 người con, ông là người có cá tính nhất. Năm 1967, ông được cử sang Liên Xô học ngành hải dương học. Năm 1973, ông về nước và đầu năm 1974 được phân về Uỷ Ban Pháp chế (nay là Bộ Tư pháp) làm việc. Đến năm 1979, do những mâu thuẫn nội bộ trong cơ quan, ông bị “quy kết” oan tội trốn nghiã vụ quân sự và bị đuổi việc.

“Bị đuổi việc, cắt sổ gạo, cuộc sống khó khăn tôi phải ra ngoài bươn trải, buôn bán đủ thứ, tham gia ngoài chợ Trời. Tuy nhiên, có lẽ do có tố chất kinh doanh nên thu nhập cao hơn rất nhiều so với làm công chức lúc bấy giờ.” – ông Chính chia sẻ.

Đến năm 1983, ông được phục hồi công việc và cử đi học chuyên tu tại trường Đại học Pháp lý (nay là Đại học Luật). Một thời gian ngắn trở về làm việc tại Bộ Tư pháp, năm 1986, ông quay lại trường Đại học Luật làm công tác thông tin thư viện. Suốt thời gian dài từ năm 1986 đến năm 2009, ông “an phận” với công việc mà theo như ông nói là khá nhàn tản.

Trịnh Cần Chính là tên được chính Bác Hồ đặt tên theo khẩu hiệu “cần, kiệm, liêm, chính” sau khi biết tin bà Hoàng Thị Minh Hồ vừa sinh con trai ngày 5/5/1949 tại Việt Bắc.

Khởi nghiệp kinh doanh khi đã ngoại lục tuần

Về hưu, ông không nghỉ ngơi mà bắt đầu tham gia vào các hoạt động kinh doanh. Đến năm 2014, ông trở thành Tổng Giám đốc Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long VN.

Như một mạch nguồn nối tiếp của truyền thống gia đình doanh nhân danh gia bậc nhất VN thời kỳ trước Cách mạng, sau hơn 60 năm, “con đường kinh doanh” của gia đình lại được “khơi mở”. Ông Chính cũng chia sẻ rằng: Khi biết tôi có ý định tham gia kinh doanh, nhiều người trong gia đình đã khuyên can nhưng mẹ là người im lặng bởi bà là người hiểu tính tôi hơn ai hết. Im lặng đó là sự thấu hiểu, ủng hộ và tin tưởng.

“Hiện tại công ty đang trong giai đoạn tái cấu trúc để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động. Trước mắt chúng tôi sẽ tập trung triển khai dự án chung cư Hesco Văn Quán (Hà Đông) và Vĩnh Hưng Dominium 409 Lĩnh Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 3.000 tỷ đồng” – ông Chính cho biết

“Trong hoạt động kinh doanh, tôi sẽ luôn giữ nguyên lý : Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo, làm việc phúc đức mà mà gia đình đã theo đuổi.”– ông Chính khẳng định.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Chính nói rằng: “Tôi có hai người con. Con gái lớn đang học năm cuối đại học chuyên ngành về tài chính tại Anh, dự kiến sang năm sẽ về nước để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của gia đình. Con thứ hai đang học cấp 3 nhưng cũng sẽ được định hướng để phát huy truyền thống của gia đình”.

Một định hướng rất rõ ràng cho con cái. Bởi vậy ông đặt mục tiêu kỳ vọng sẽ tham gia thương trường 10 năm nữa sau đó chuyển giao cho thế hệ sau kế nghiệp.

Tin và mong rằng ông sẽ thành công để trở thành mạch nối tiếp truyền thống gia đình và đặt nền móng phát triển cho các thế hệ tiếp theo!

Nguồn: Phan Nam/enternews.vn