Người đam mê bonsai Nhật Bản

00:00 12/10/2020

Để thỏa mãn niềm đam mê của bản thân đối với bộ môn cây cảnh nghệ thuật, anh Đinh Hồng Phong, sinh năm 1968 hiện ở Tiểu khu 1, thị trấn Neo, (Yên Dũng - Bắc Giang) đã dày công nghiên cứu, sưu tầm các loại cây cảnh có giá trị từ nước ngoài, như: Nhật Bản, Hàn Quốc… Được biết, mối "duyên cây" của anh Phong bắt nguồn từ chính công việc kinh doanh mà anh đang làm. Do công tác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với các đối tác lớn trên thế giới, như: Nhật Bản, Hàn Quốc… nên anh có điều kiện "hiện thực hóa" niềm đam mê, yêu thích sinh vật cảnh của mình. Trong mỗi chuyến du ngoại, hễ có thời gian rảnh là anh lại đi sưu tầm cây với mong muốn hình thành cho riêng mình một khu vườn cây cảnh mang phong cách độc đáo. Đồng thời, qua việc tham quan, thưởng lãm cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp tại các công viên, khu resort cao cấp của mỗi quốc gia, anh Phong học được cách thức bài trí, nghệ thuật sắp đặt các yếu tố tạo hình, tạo cảnh để có thể tạo nên những khuôn viên, công trình… mang tầm vóc quốc tế. Với quyết tâm cao độ, khu vườn "trong mơ" của anh đã trở thành hiện thực, trên khuôn viên diện tích 2.000m2, hiện tại anh đang sở hữu hàng trăm tác phẩm bonsai giá trị. Để tạo thêm cảnh quan cho khu vườn, anh Phong còn thiết kế hòn non bộ thơ mộng với những khối đá thành vách tạo thành những hang động nhỏ, suối nước chảy róc rách, cá cảnh nhiều màu sắc tung tăng bơi lội… tất cả tạo nên một bức tranh phong cảnh sơn thuỷ hữu tình. Ngoài ra, anh còn trực tiếp thiết kế khuôn viên tại F5 Coffee.” Anh Phong tâm sự: "Cây cảnh của tôi được du nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc với 4 loại chính: thông, tùng, phong, hoa đỗ quyên, những loại này chủ yếu là các tác phẩm bonsai đại (80 cm- 1,5m). Theo tôi, một chậu bonsai quý phải đạt các tiêu chí: Độ tuổi của cây và giá trị nghệ thuật. Cây càng lâu năm càng quý, gốc to, lá nhỏ, thế cây và độ cao hài hòa. Trong đó, dáng thế của cây là phần quyết định. Nếu như lũa là phần thân cây đã chết khô hóa gỗ, tượng trưng cho phần âm thì tay, cành… lại tượng trưng cho dương khí. Sự tương phản này tạo nên giá trị của tác phẩm bonsai, đồng thời ngụ ý khẳng định sức sống vươn lên mãnh liệt của con người". "Việc chăm sóc cây cảnh cũng phải cẩn trọng, tỉ mỉ, kiên trì… Theo đó, cần đặc biệt lưu tâm đến thời kỳ bấm ngọn cho thông, tùng và chế độ bón phân hợp lý (chủ yếu dùng phân bón Nhật Bản) cho cây trong từng giai đoạn", anh Phong cho biết thêm. Nói về dự định trong thời gian sắp tới, anh Phong cho biết anh chuẩn bị sang Nhật Bản học khóa học về bonsai, anh hy vọng trong tương lai không xa có thể quy tụ những tác phẩm bonsai giá trị từ nước ngoài về Bắc Giang để hình thành "bảo tàng cây" hoặc khu resort... Đồng thời, anh cũng mong muốn phong trào sinh vật cảnh của tỉnh sẽ ngày càng nhân rộng. Từ đó tạo điều kiện hình thành vùng nguyên liệu, vườn ươm… góp phần phát triển kinh tế của tỉnh hiệu quả, bền vững.