Người chiến sĩ đặc công bám trụ nơi cửa ngõ Sài Gòn trước ngày giải phóng

00:00 12/10/2020

Trước cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975, cửa ngõ phía Đông Bắc Sài Gòn nơi có xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa đi qua là địa bàn trọng yếu đối với cả ta và địch. Người được giao nhiệm vụ chỉ huy trấn giữ vị trí trọng yếu đó là chiến sĩ đặc công Hữu Mại, nguyên chính trị viên đội 8, thuộc phân khu 5.

Địa bàn trọng yếu nơi cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, cả nước hướng về kỷ niệm 41 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, ký ức về những ngày làm nhiệm vụ bám trụ tại địa bàn nơi cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn lại ùa về trong tâm trí người chiến sĩ đặc công Hữu Mại, với nhiệm vụ “luồn sâu, ém sẵn trong lòng địch” để bám địa bàn, giữ dân, xây dựng cơ sở cách mạng, tạo tiền đề cho thắng lợi của của Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Nguyên chính trị viên Đội 8 đặc công Hữu Mại hào hứng kể: Đầu năm1971, ông cùng các chiến sĩ của mình thuộc đơn vị đặc công đoàn 429 Đông Nam Bộ đóng quân tại Tây Ninh, gần với sở chỉ huy của Trung ương Cục miền Nam thì nhận được nhiệm vụ xuống bám trụ chiến trường và gây dựng cơ sở cách mạng khu vực Dĩ An - Thủ Đức. Ông và 12 chiến sĩ được biên chế vào đội 8, thuộc phân khu 5. Khi xuống chiến trường đơn vị chia làm đôi, 5 đồng chí bám trụ tại Dĩ An, còn lại cùng ông xuống khu vực Bắc Thủ Đức.

chien-si-dac-cong-huu-mai

Chiến trường Bắc Thủ Đức có vị trí trọng yếu nơi cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn. Do đó, địch đã bố trí lực lượng lớn quân chủ lực gồm đủ các quân, binh chủng như: Thủy quân lục chiến đóng tại Sóng Thần, căn cứ Châu Điên nằm giữa Linh Đông và Tam Hà, Biệt khu thủ đô gần cầu ông Dầu (Hiệp Bình Phước), Chi khu quân sự Thủ  Đức (gần với Ban chỉ huy quân sự quận Thủ Đức ngày nay).

Cùng với đó là hệ thống đồn bốt được bố trí dày đặc tại cầu Bình Triệu, cầu Gò Dưa, cầu Hiệp Phước, bốt Gò Đình…và các khu vực xung quanh, nhằm tạo ra một lá chắn thép, chặn đứng các lực lượng của ta tiến vào nội đô.

Ngoài ra lực lượng cảnh sát, địa phương quân, bảo án, dân vệ, thám báo, chiêu hồi (đầu hàng)…của địch len lỏi khắp nơi nhằm chỉ điểm và tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta ngay từ trong “trứng nước”.

Với đặc điểm thực tế của địa bàn chiến trường tại đây làm cho lực lượng công khai của ta rất khó bám trụ để tồn tại bởi sự kiểm soát gắt gao của địch, để nắm bắt được tình hình, mọi việc ông và các đồng đội phải tiến hành hết sức khéo léo nhằm đánh lạc hướng sự theo dõi của chúng. Từ đó, bí mật xây dựng cơ sở cách mạng, bám dân, giữ địa bàn làm bàn đạp để tiến vào giải phóng nội đô Sài Gòn.

Quyết tâm bám trụ địa bàn, góp phần vào Đại thắng mùa Xuân 1975

Đứng trước khó khăn, thử thách của những ngày đầu nhận địa bàn trọng yếu, chính trị viên đội 8 đặc công Hữu Mại cùng 12 chiến sĩ của mình tìm mọi cách nhằm bám trụ nơi cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn.

Do tương quan lực lượng giữa ta và địch quá lớn, nhưng với phương châm “Dựa vào dân để xây dựng lực lượng cách mạng” đưa lực lượng quân chủ lực xuống đứng chân nơi cửa ngõ trọng yếu, nhằm tấn công vào Sài Gòn khi có điều kiện.

Sự thoắt ẩn, thoắt hiện của các chiến sĩ Đội 8 đặc công đã làm cho quân địch bao phen thất điên bát đảo. Đêm 12 rạng ngày 13/10/1971, Đội 8 bất ngờ tấn công vào sân bay Dbo Dĩ An của lực lượng hỗn hợp Mỹ - Ngụy, với 4 chiến sĩ đặc công “tinh nhuệ” bí mật luồn vào căn cứ đánh mìn “hẹn giờ” đã phá hủy 5 máy bay trực thăng, cùng  nhiều phương tiện vũ khí, chiến tranh khác của địch. Sau đó rút ra an toàn.

chup-hinh-giao-luu

Trong  quá trình bám trụ nơi cửa ngõ Đông Bắc nội đô Sài Gòn cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975), đơn vị đã cùng với du kích địa phương bám dân, diệt ác, phá kìm, xây dựng lực lượng cách mạng, gây ra cho địch rất nhiều khó khăn trong việc “bình định” các ấp dân cư. Làm chúng hoang mang và đặt ra câu hỏi, tại sao ở địa bàn trọng yếu được coi là lá chắn thép của nội đô, được bố trí lực lượng dày đặc từ quân đội tới cảnh sát mà luôn bị tấn công bất ngờ như vậy?

Sáng ngày 30/4/1975, các cánh quân thần tốc tiến của ta tiến vào Sài Gòn. Sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chiến sĩ đặc công Hữu Mại cùng đồng chí Sáu Mạnh (Bí thư huyện ủy Bắc Thủ Đức) từ căn cứ ấp Bình Phú, tiến lên dốc cây Keo (Tỉnh lộ 43) đã đụng phải một trung đội thuộc Sư đoàn 18 của địch. Bằng sự mưu trí, dũng cảm, ông đã kêu gọi quân địch hạ vũ khí đầu hàng, sau đó chúng tự giải tán.

Ngay sau đó, ông đã lấy xe Jep của địch chở đồng chí Sáu Mạnh (Bí thư huyện Bắc Thủ Đức về tiếp quản Dinh quận Thủ Đức (nay là trụ sở Ban chỉ huy quân sự quận Thủ Đức).

Khí thế hào hùng chiến thắng của ngày 30/4/1975 ùa về trong ký ức của chiến sĩ đặc công Hữu Mại, làm đôi mắt ông sáng lên, rưng rưng nước mắt khi nhớ về các đồng đội của mình: “Ngày toàn thắng 30/4/1975 đến, nhưng anh em chiến sĩ của Đội 8 đặc công phần lớn đã hi sinh, chỉ còn lại 4 người chứng kiến được giây phút nước nhà thống nhất, non sông liền một dải”.

Giờ đây khi đã nghỉ hưu, Đại thắng mùa Xuân 30/4/1975 đã trôi qua 41 năm, những ký ức trong ông vẫn còn nguyên vẹn về địa bàn trọng yếu nơi cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn.

Để bám trụ, đứng vững được ông không thể nào quên sự đùm bọc của chị Sáu Châu, anh Tám Mao (ấp Bình Phước, nay thuộc phường Hiệp Bình Phước), gia đình ông Mười (ấp cổng làng Linh Đông, nay thuộc KP7, phường Linh Đông), gia đình bà Tư (ấp Bình Phú, nay thuộc KP9, phường Tam Phú). Những người trước đó ông không hề quen biết, nhưng sẵn sàng đứng ra che chở ông những lúc khó khăn nhất trước họng súng của kẻ địch, giữa mong manh của sự sống và cái chết.

Bài và ảnh: Bình An (Văn phòng Đại diện phía Nam)