Ngưng nhập khẩu lúa mì: Doanh nghiệp tiếp tục lên tiếng

00:00 12/10/2020

Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì tại khu vực phía Nam tiếp tục nêu ý kiến và đề xuất cơ quan chức năng cần xem xét lại quyết định ngưng nhập khẩu lúa mì vào đầu tháng 11/2018 để tránh thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì đề xuất ngành nông nghiệp sớm xem xét về quyết định cấp nhập khẩu lúa mì từ Mỹ, Cannada vào đầu tháng 11/2018 để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp

Tại buổi Tọa đàm Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì, do Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh tổ chức chiều ngày 8/10 tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp phản ánh, việc Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) yêu cầu không được nhập khẩu lúa mì từ thị trường Mỹ, Canada từ ngày 1/11/2018 và buộc tái xuất nếu doanh nghiệp đã nhập khẩu là quá gấp gáp, gây tác động tiêu cực quá lớn đến sản xuất kinh doanh.

Nguyên nhân khiến mặt hàng này có thể bị ngưng nhập là do gần đây, nhiều lô hàng nhập về bị phát hiện có trộn lẫn hạt cỏ dại Cirsium Arvense (kế đồng), loại cỏ mà Cục Bảo vệ thực vật lo ngại có thể lây lan tại Việt Nam, gây ảnh hưởng đến cây trồng trong nước.Tuy nhiên, bà Lý Kim Chi- Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đánh giá, lúa mì là mặt hàng phải nhập khẩu hoàn toàn. Đây là nguyên liệu sản xuất bánh mì, mì ăn liền, bánh ngọt, thức ăn chăn nuôi, vì thế việc ngưng nhập khẩu sẽ khiến các nhà sản xuất trong nước đóng cửa, dẫn đến hàng nghìn công nhân thất nghiệp.

Bà Nguyễn Khánh Phong Lan. Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh phân tích, nếu như để loại cỏ dại kế đồng lẫn trong lúa mì và lọt ra môi trường tự nhiên của Việt Nam sẽ gây hại, tương tự như ốc bươu vàng. Tuy nhiên, sự cảnh giác quá cao độ như vậy có cần thiết hay không? Trong khi các quốc gia lân cận không cấm, vì sao Việt Nam cấm?

Tiến sĩ Trần Duy Khanh, chuyên gia về nông nghiệp cho biết, trong quy trình kiểm dịch thực vật có 2 loại cấm gồm sinh vật gây hại và sinh vật cạnh tranh (trong đó có cây kế đồng). Thực tế ở Việt Nam, cây này chỉ phù hợp trồng ở cánh đồng cây lúa mì, trong khi thực tế chưa thấy ở Việt Nam. Theo ông Khanh, Việt Nam không sản xuất được lúa mì, trong số lượng nhập khẩu hàng năm, 25% dùng cho thức ăn chăn nuôi. Trong quy định, không phân biệt lúa mì làm giống, lúa mì làm thức ăn chăn nuôi. Như vậy nếu làm giống thì có thể cấm được, nhưng nhập lúa mì làm thức ăn chăn nuôi thì sao?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng có một cái nhìn khác, loại cỏ này độc, gây hại cho các cây môi trường sống xung quanh là như thế nào, tác động ra sao chưa có tài liệu nào chứng minh. Bao nhiêu năm qua ta đã nhập rồi, các nước cũng chưa có nước nào cấm một cách triệt để như văn bản ban hành của Việt Nam. :Việt Nam cam kết nhiều FTA với các quốc gia. Vậy khi chúng ta dựng lên rào cản về lúa mì, liệu các nước có dựng các rào cản kỹ thuật khác đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không khi chúng ta không tuân thủ cam kết?" - ông Nguyễn Hoàng Dũng nêu vấn đề.

Ông Phan Thanh Hiếu, Phó Tổng giám đốc Công ty bột Bình An nói rằng, bột mì Việt Nam tiêu thụ ngày càng nhiều, từ bữa ăn, nguyên liệu công nghiệp, sản phẩm sữa, thức ăn chăn nuôi. Theo ông Hiếu, mỗi nước có lợi thế cạnh tranh riêng của mình, nếu doanh nghiệp ngưng mua lúa mì của Mỹ, Cannada chuyển sang thị trường khác, nói thì dễ nhưng làm rất khó. Bởi lẽ, những hợp đồng ngoại thương không thể thay đổi mau lẹ như vậy, vì hợp đồng đã ký nguyên năm, mà muốn hủy phải có lý do chính đáng. “Hiện tại Công ty bột Bình An khi nhập các lô lúa mì phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt từ cơ quan chức năng, từ cảng về đến kho, sau khi bóc tách, hạt cỏ đều được giám sát kỹ, kể cả việc tiêu hủy. Việc kiểm soát này lâu này vẫn làm tốt nay lại thay đổi”, ông Hiếu nói.

Bà Cao Huy Phương, Phó giám đốc Công ty ABC Bakery cho biết, ABC một ngày dùng khoảng 13 tấn bột mì và xuất khẩu khoảng 20 tấn sang Nhật và một số nước. Hiện Việt Nam xuất khẩu với số lượng lớn bột mì, riêng thị trường Thái Lan là hơn 200 tấn (năm 2017). Nếu nước ta cấm nhập lúa mì, lúc đó các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập bột mì, chứ không còn xuất khẩu nữa, các nhà máy sản xuất lúa mì trong nước sẽ ngưng hoạt động.

Bà Huỳnh Kim Chi, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Bột Quốc tế chia sẻ, hiện công ty đang có chuyến tàu chở lúa mì nhập khẩu từ Mỹ trị giá khoảng 300 tỷ đồng đang trên đường về và sẽ cập cảng vào đầu tháng 11 tới. Theo quy định của Cục bảo vệ thực vật thì chuyến tàu này buộc phải tái xuất. Như vậy ngoài thiệt hại lớn cho công ty, công nhân công ty cũng không có việc làm, trong khi mùa sản xuất hàng Tết đang đến gần.

Theo Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam nhập khẩu lúa mì từ 4-5 triệu tấn/năm. Trong tám tháng đầu năm 2018, lượng lúa mì nhập khẩu vào Việt Nam là hơn 3,6 triệu tấn, trị giá 877 triệu USD, chủ yếu có nguồn gốc từ Úc, Mỹ, Canada. Nhiều ý kiến cho rằng, không mua lúa mì của Mỹ, Canada theo lệnh cấm của Cục Bảo vệ thực vật thì chuyển sang nhập lúa mì từ những nước không phát hiện loại cỏ kế đồng, nhưng theo các doanh nghiệp việc đổi nguồn cung là không dễ dàng. Theo đó các doanh nghiệp đề xuất chưa áp dụng văn bản của Cục bảo vệ thực vật cấm nhập khẩu lúa mì vào ngày 1/11/2018, đồng thời kiến nghị ngành nông nghiệp nên bỏ quy định này vì chưa thấy quốc gia nào áp dụng vấn đề trên và nếu thực hiện thì ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế lẫn xã hội.

Thế Vĩnh