Ngư dân rất quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển, đảo

00:00 12/10/2020

Đó là khẳng định của Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn trong bài phát biểu khai mạc Lễ hội ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn phát biểu khai mạc tại lễ hội ra khơi, bám biển năm 2017. Lễ hội diễn ra sáng nay (31.3), tại khu du lịch biển Cát Bà, huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng). Báo Nông thôn ngày nay/Danviet xin trích đăng bài phát biểu này: Việt Nam là quốc gia có vùng biển rộng lớn, có tài nguyên phong phú, đa dạng, có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên đường hàng hải quốc tế, có cảng  biển sâu, có điều kiện phát triển hàng hải, du lịch biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản… Biển là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh đối với sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam. Từ lâu đời, biển là không gian sinh tồn, chỗ dựa sinh kế cho hàng triệu người dân ven biển của nước ta. Tầng lớp ngư dân Việt Nam đông đảo suốt từ Bắc đến Nam, ngày đêm bám biển, giữ vững cương vực và nghề truyền thống của ông cha, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội đất nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy vai trò của ngư dân trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và đã đạt được những hiệu quả tích cực. Nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản của ngư dân các tỉnh ven biển ngày càng phát triển cả về lực lượng lao động, phương tiện đánh bắt, kỹ thuật nuôi trồng, khai thác, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho khoảng 4 triệu lao động. Tuy nhiên, cùng với lợi thế của biển, thời gian qua, chúng ta đầu tư, hỗ trợ, tái tạo, khai thác chưa ngang tầm, chưa hợp lý với tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh về biển, đảo và kinh tế biển, đảo. Nghề truyền thống của ngư dân nước ta là nghề nặng nhọc, đang đối mặt với những khó khăn và thách thức mới. Tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo, tranh chấp ngư trường ở Biển Đông hiện nay diễn biến phức tạp. Cùng với đó là những khó khăn về biến đổi khí hậu, thiên tai, rủi ro cao về tính mạng và tài sản, tình trạng ô nhiễm môi trường biển… đã và đang tác động sâu sắc đến nhận thức, tình cảm, sự gắn bó với nghề biển của ngư dân.

Hơn 1.100 tàu đánh bắt hải sản của 28 tỉnh, thành phố ven biển tụ hội về Cát Bà tham gia Lễ hội ra khơi bám biển mà trọng tâm là lễ diễu hành trên biển. 

“Lễ Hội ra khơi bám biển năm 2017” được tổ chức tại Cát Hải, Hải Phòng là nhằm góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo khí thế thi đua bám biển. Lễ hội thể hiện niềm tin, ước vọng bắt đầu cho những chuyến ra khơi an toàn, một năm làm nghề biển gặp nhiều may mắn. Đồng thời động viên ngư dân vươn khơi, bám biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển theo hướng phát triển bền vững. Thay mặt lãnh đạo T.Ư Hội NDVN tôi đề nghị Hội ND các tỉnh, thành phố có biển hàng năm phát động và tổ chức Lễ Hội ra khơi bám biển ở địa phương mình. Tôi cũng kêu gọi toàn thể cán bộ hội và ngư dân Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng; liên kết , hỗ trợ lẫn nhau quyết tâm bám biển, giữ vững ngư trường truyền thống của Việt Nam và có trách nhiệm chấp hành luật pháp trên biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tôi đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các doanh nhân tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về  cơ chế, chính sách để người ngư dân Việt Nam có đủ trí và lực phát triển đoàn tàu đánh cá hiện đại, phát triển mạnh mẽ nghề hậu cần biển để hỗ trợ cho ngư dân đủ sức vươn khơi bám biển dài ngày. Theo danviet