Ngư dân Hà Tĩnh: Thao thức nghề biển. Bài 1: Nỗi niềm khắc khoải

00:00 12/10/2020

Nghề biển đã ăn sâu vào máu mủ con người Hà Tĩnh bao đời nay, như một sự tôi luyện từ nhỏ, người thanh niên làng chài đã biết các cửa lách, luồng nước lên xuống và cứ thế ra khơi bám biển, những người phụ nữ cũng vì thế mà thành thạo những đường kim, mũi cước thoăn thoắt khâu lưới…

 Nghề nối nghiệp…

 Sinh ra đã bám biển, bác Nguyễn Văn An (53 tuổi), thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà nuôi sống cả gia đình bằng nghề đi biển. Đến nay đã mấy chục năm trong nghề, bác An không còn nhớ mình đi biển từ lúc mấy tuổi, chỉ biết lớn lên đã cùng cha, ông lênh đênh trên thuyền đánh cá. Rồi cũng từ đó, những chuyến ra khơi ngày càng nhiều khi thêm tuổi và to khỏe hơn, cho đến giờ người con trai của bác cũng theo nghề này-bám biển ra khơi. Cuộc sống có phần vất vả, nhưng với bác An sinh ra là người con của biển nên mưu sinh bằng nghề biển cũng là điều đương nhiên.

hai-cha-con-bac-nguyen-van-an

Anh Nguyễn Văn Đức (37 tuổi), con trai của bác đã có gia đình, người con trai miền biển này cũng có nhiều dự định cho tương lai lắm, nhưng cái khó cứ bó lấy cái khôn nên anh lại phải dựa vào chiếc thuyền nan của người cha. Ước mơ của anh là được đầu tư vào một chiếc thuyền lớn, được ra khơi xa kia. Có vẻ như có sự băn khoăn, anh tâm sự: “đầu tư chi cũng phải vay mượn, tiền không có mà vay mượn lấy chi ra để mà trả, ra biển với chiếc thuyền nan đi ngày mô chắc ngày đó có tiền tiêu, vợ con nó mừng”. Ngày có khi kiếm được khoảng 3, 4 triệu nhiều khi không có chi, không chỉ mình, mà cả nhà buồn. Vợ anh con nhỏ nên cũng ở nhà, khi được con cá, con mú mẹ, vợ đi bán về khoe khiến cả nhà cũng vui theo. Nhiều lần anh muốn đầu tư thuyền tàu để bám biển nhưng còn nhiều khó khăn lắm, anh trăn trở giờ đầu tư vào lỡ không làm ăn được thì khổ con, khổ vợ. Dẫu biết làm ăn cần phải “liều” nhưng nghe đến vay mượn là nợ nần là vợ cản, vợ buồn nên thôi thì cứ từ từ vậy”.

Vẻ ngoài hiền lành, cao cao, nước da ngăm ngăm, cùng sự chăm chỉ của anh đã tạo nên sự chân chất con người của biển. Bám biển, đó như là một cái nghiệp, đã là cái nghiệp thì theo. Nhiều người cùng trang lứa với anh đi xuất khẩu lao động sang các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…cuộc sống khấm khá hơn anh nhiều, nhiều lúc anh cũng muốn bỏ biển, bỏ thuyền nhưng rồi lại thôi “mình đi rồi tội vợ, mà sang đấy nhỡ bị đuổi về lại khổ vợ khổ con…”. Vẫn là chữ “liều” chưa đến và chữ “duyên” nghề biển vẫn còn theo anh. Nhìn chiếc thuyền nan nhỏ, anh đưa mắt nhìn xa xăm, hướng về phía đại dương ngoài kia bao la rộng lớn, anh đã nghĩ đến một sự đầu tư để thỏa lòng mong muốn nhưng hiện tại làm anh chùn bước…..

con-tau-qb2548TS-chuan-bi-ra-khoi-xa

Sáng sớm, cập bến cảng cá Thạch Kim, huyện Lộc Hà, con tàu  QB2548TS, trên thuyền có 7 thuyền viên, đều ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Bác chủ thuyền Hồ văn Phin (52 tuổi) chắc khỏe, nước da đen sì đã có thâm niên hơn 40 năm trong nghề, cất giọng hồ hởi: “tui đi biển từ khi còn nằm trên nôi” rồi giọng cười sang sảng, “tui theo cha đi từ khi bé tí tẹo cho đến dừ, thằng con trai tui học xong lớp 7 cũng theo tui đi, giờ nó đã 17 tuổi rồi. Cả tháng mới về lần, lênh đênh ngoài khơi xa quen rồi. mà nghề này đòi hỏi sức khỏe, chịu khó, con cháu giờ theo học theo hành nên thành ra tìm người trẻ đi cùng cũng rất khó. Hơn nữa không chịu khó, chịu nắng, chịu gió được thì cũng không theo nổi”.

… và nỗi khắc khoải

Bao đời nay nghề biển luôn đòi hỏi đông và có sức khỏe, vì thế mà người dân vùng biển luôn đông con, bởi họ cho rằng sinh con đông thì mới phụ giúp được nghề. Những chàng trai lớn lên vạm vỡ, chắc khỏe, nước da ngăm đen rắn chắc nhưng không phải ai cũng theo nghề biển. Ngày trước, đàn ông đi biển, đàn bà đan lưới…Nhưng từ mấy năm lại đây, nghề biển vất vả, thu nhập không ổn định nhiều trai làng cũng vì thế mà bỏ nghề. Hầu như họ chọn cho mình hướng đi khác, bám biển không còn thu hút họ và xuất khẩu lao động là hướng đi mà trai làng biển thường chọn vì có đủ sức khỏe, lại thu nhập có phần ổn định hơn…

Con tàu QB 2548TS cập cảng, khác với ngày thường, thương lái xô nhau ập đến nay, tàu vào bến chỉ một vài thương lái đến hỏi.  Giọng đượm buồn, bác Phin kể: “Giờ đi biển không ăn thua, mà không ra khơi cứ ở nhà càng chết. Từ hôm sự cố biển nghỉ mất hai tháng, giờ đi ra xa đến Hà Tĩnh, Nghệ An...một tháng về nhà một lần. Ngày trước tháng vài chục triệu dễ lắm, nay như những con cá này (cá trích, cá nục…) cân 20 chục giờ cân 10 ngàn mà người mua cũng kén chọ lắm cô à! Đi biển từ thời còn bé tí đến nay đã hơn 40 năm đi biển, chưa khi mô bác nghĩ không đi biển nhưng giá cả giờ không ăn thua, đi thì vừa đủ tiền dầu”. Nghề biển trước nay thu nhập còn nhiều bấp bênh, không phải ngày nào cú ra khơi là có thu nhập, có khi phải bù lỗ dầu. Nghề biển cũng là một nghề có nhiều yếu tố tác động thời tiết (mưa, bão), giá dầu (lên, xuống), ngư trường đánh bắt… Sự cố môi trường biển đã tác động mạnh mẽ tới việc đánh bắt hải sản của ngư dân.

mot-goc-binh-yen-cua-bien

 Kịp bán cho thương lái, con tàu QB2548TS lại trở ra khơi xa, nơi đang hứa hẹn những vựa cá lớn, những lá cờ Tổ quốc tung bay cho một niềm tin mới, niềm vui của ngư dân thế thôi! Người dân miền biển là thế, họ yêu từ những con sóng, những dòng chảy, những chuyến đi lênh đênh trên thuyền ra khơi xa.

 Lê Nga

(Còn nữa)