Ngọn hải đăng trăm tuổi

00:00 12/10/2020

Dọc theo bờ biển phía Nam khoảng 25km từ thành phố Phan Thiết, chúng ta đến mũi Kê Gà để chiêm ngưỡng ngọn hải đăng cao và nhiều tuổi nhất Việt Nam, hơn 100 tuổi, đang sừng sững giữa một vùng biển đẹp mê hồn.
Hải đăng Kê Gà nằm trên một đảo nhỏ, vị trí hiểm trở, có nhiều bãi đá ngầm. Kê Gà còn có tên gọi khác là Khe Gà, người dân nơi đây giải thích, trước đây đất liền và đảo chưa tách rời, ở giữa có một dòng suối (khe) chảy qua, rất nhiều gà rừng ra đây uống nước, kiếm ăn nên gọi là Khe Gà. Thời Pháp thuộc, khi thiết lập nha hành chính tại Phan Thiết, người Pháp đã chọn đảo Kê Gà xây dựng một ngọn hải đăng cho vùng cực Nam Trung Bộ để dẫn đường cho tàu thuyền đánh cá. Kỹ sư Chnavat, người Pháp, là người thiết kế công trình này. Được khởi công xây dựng vào năm 1897, hoàn thành năm 1898 và đưa vào sử dụng năm 1900. Trên bản đồ địa lý Việt Nam, người Pháp ghi tên đảo là Kéga. Ngọn hải đăng hình bát giác cao 66m so với mực nước biển, mỗi cạnh dài 3m, tường dày 2m, trên đỉnh tháp rộng 2,5m, chủ yếu bằng đá hoa cương, được xây trên đỉnh cao nhất của đảo. Phần thân tháp 41m, đường kính 2m, phần đài đặt đèn 3m, từ chân tháp lên đỉnh được nối bởi 182 bậc cầu thang sắt. Ngọn đèn đặt trong tháp có công suất 2000w, được bảo vệ bằng những ô cửa kính dày, xoay được 360 độ, có thể phát sáng xa 22 hải lý (tương đương 40km), đèn được lắp bộ phận cảm quang nên khi trời tối nó tự động bật sáng với chu kỳ 20s/vòng. Ngọn hải đăng Kê Gà hình bát giác cao 66m so với mực nước biển, mỗi cạnh dài 3m, tường dày 2m, trên đỉnh tháp rộng 2,5m, chủ yếu bằng đá hoa cương, được xây trên đỉnh cao nhất của đảo. Ảnh: internet Trong quần thể di tích này còn có một căn nhà lớn hình vuông mỗi cạnh 40m, dưới nhà là một hầm chứa nước, sâu 3m, trước nhà có một giếng gọi là giếng Tiên. Xung quanh chân hải đăng có hai hàng hoa sứ, do người Pháp trồng sau khi xây dựng ngọn hải đăng, vẫn tỏa bóng mát quanh năm làm nên một nét đặc biệt cho nơi này. Trước cửa ngọn hải đăng có một tấm đá hoa cương lớn, khắc năm 1899, người dân trong vùng nói đó là loại đá không có ở vùng đất này. Theo giả thiết của một số nhà nghiên cứu, có thể người Pháp đã đem phiến đá này từ một vùng đất khác đến. Ngọn hải đăng Kê Gà hiện là ngọn hải đăng cao và cổ xưa nhất vùng Đông Nam Á. Khi trời trong xanh, du khách có thể nhìn thấy ngọn hải đăng từ 10km. Ban đêm, ánh đèn của ngọn hải đăng chiếu sáng đến 22 hải lý. Đường dẫn vào ngọn hải đăng là những bậc thang bằng bê tông, hai bên trồng hàng hoa sứ. Người dân ở đây cho rằng, những cây sứ này được trồng ngay sau khi có ngọn hải đăng nên gốc sứ nào cũng to lớn. Trên là một ban công rộng, nơi du khách có thể mặc sức ngắm nhìn biển xanh và nắng vàng. Những bãi đá, bờ biển, dải cát… trải dài hàng chục cây số đều được thu vào tầm mắt. Cảnh đẹp thiên nhiên và những làn gió biển nồng mùi muối sẽ xua tan những mệt nhọc sau khi leo lên đến độ cao 54 mét. Hải đăng Kê Gà nằm trên một đảo nhỏ, vị trí hiểm trở, có nhiều bãi đá ngầm. Ảnh: internet Thời điểm lý tưởng nhất trong ngày để lên đỉnh Kê Gà là lúc hoàng hôn. Những con thuyền thấp thoáng trong ánh chiều tà, những bãi đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau tạo nên vô số hình thù càng kích thích trí tò mò. Đặc biệt, những người mê biển có thể ở lại đảo qua đêm để câu cá, dạo chơi trên các bãi đá, ngắm trăng ngồi bên ngọn lửa hồng chờ bình minh hiện dần trên mặt biển. Ngọn hải đăng Kê Gà được xem như một tác phẩm nghệ thuật quý giá. Kê Gà là điểm đến của nhiều du khách khi đến thăm đất Bình Thuận.
( theo thegioidisan.vn)