Ngôi chùa "hồi sinh" và câu chuyện về sư thầy Minh Đạt

00:00 12/10/2020

Ở vùng đất mới giảng pháp Trị An, đối với đồng bào di dân chất phác, vốn rất tin tưởng Trời Phật, Đại đức Thích Minh Đạt đã trở thành nơi nương tựa tinh thần ấm áp cho cuộc sống còn nhiều cơ cực, nhọc nhằn của họ.

Chùa Phước An Tự luôn phát triển dựa trên mối quan hệ tương quan mật thiết giữa Đạo pháp - Dân tộc cùng đồng hành để mang lại cuộc sống an vui cho cộng đồng, lợi ích cho xã hội theo thuyết Từ Bi Hỷ Xả của Đức Phật.

Bén duyên với cửa Phật

Vào thập niên 80 thế kỷ XX, những lưu dân gốc Việt sang Biển Hồ (Campuchia) sinh sống, nhưng phần nhiều không được nhập tịch. Hơn nữa, họ cũng chịu nhiều áp lực về cuộc sống khó hòa nhập trên đất Campuchia nên đã di cư theo dòng chảy của Biển Hồ về Trị An (Đồng Nai). Cảnh tượng “Chùa hoang Phật trống” nơi đây đã làm thầy Minh Đạt sinh lòng trắc ẩn. Thật ra, gọi là Chùa cho đúng với một nơi thờ Phật, nhưng thực tế thì nó chỉ là một nơi tạm bợ với gỗ tạp lẫn tôn, không có cửa nẻo. Thầy tìm cách liên hệ với trụ trì trước đây, mới biết vị thầy đó không có đủ duyên lành với vùng đất này nên đã bỏ đi. Thế là Thầy bắt đầu mối duyên với vùng đất Trị An này.

Thầy Minh Đạt có duyên với cửa Phật từ lúc còn là học sinh cấp 2. Duyên được bắt đầu từ việc cha già bị bệnh gần như bại liệt (hồi đó vùng U Minh, Ngọc Hiển, Cà Mau đa phần bị bệnh này). Cậu học trò thương cha đã vào chùa phát nguyện, xin tu 6 tháng để làm công quả đền chư Phật, sau làm sám hối các chướng cho cha.

Hoàn thành trở về nhà, nhưng lòng cậu học sinh từ dạo ấy luôn nhớ câu kinh, tiếng kệ, nhớ lời giảng pháp của Sư Ông trụ trì nên quyết tâm xin cha mẹ cho đi tu, lên chùa Vĩnh Hòa, Bạc Liêu xuất gia với pháp danh là Minh Đạt.

 

Đại đức Minh Đạt đang hoàn thành Luận án Tiến sĩ chuyên đề Giáo dục tại Malaysia

Sau khi Sư Ông chùa Vĩnh Hòa viên tịch, thầy Minh Đạt tiếp tục tu học theo sự dìu dắt của Thượng tọa Thích Thiện Quang, trụ trì chùa Quan Âm. Rồi theo học Trung cấp Phật khóa đầu tiên được khai mở ở Bạc Liêu, tiếp đến là khóa Cao đẳng Phật học. Thời gian sau này, Giáo hội mở khóa Hoằng pháp Trung cấp (tại TP Hồ Chí Minh), Thầy xin ghi danh theo học hết Trung cấp rồi lên cao cấp Hoằng pháp. Trong thời gian theo học hoằng pháp, Thầy đăng ký xin vào Tiểu ban hoằng pháp vùng sâu, vùng xa. Sự học của Thầy cũng không mấy êm đềm. Trong khi những tăng sinh khác có điều kiện tốt từ những nguồn trợ lực thì thầy Minh Đạt vừa học, vừa lo hoằng pháp, vừa lo cho đại chúng tu hành. Trong một lần thầy Minh Đạt đi hoằng pháp ở vùng chiến khu D, đến nơi đây chỉ có Đạo tràng Niệm Phật Thiền Lâm mãn duyên ra đi. Thầy Minh Đạt được sự tin tưởng của thầy quản tự (tiền nhiệm) chuyển giao vào Phật tự nhất tâm cung thỉnh thầy về đảm trách quản tự đạo tràng từ đó cho đến nay. Ngoài ra, thầy được bổ nhiệm trụ trì chùa Phước An vào năm 2015 và đảm trách Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Về cấp học, hiện nay thầy đang hoàn thành Luận án Tiến sĩ chuyên đề Giáo dục tại Malaysia

Hoằng pháp ở vùng sâu, vùng xa

 Đại đức Minh Đạt vẫn luôn vững niềm tin để phụng đạo, yêu nước, từng bước vững chãi vào nền tảng giáo lý của Đức Như Lai, rèn luyện cái Tâm Bồ Tát trên đoạn trường tu hành với tâm thế: “Tâm bất biến giữa cuộc đời vạn biến”

Tiếp nhận trông coi Đạo tràng Thiền Lâm trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, Thầy chia sẻ: “Chùa nghèo vì dân mình ở đây cũng nghèo, mình đâu thể ấm thân trong lúc cô bác còn đói khổ… Thức ăn của chùa hàng ngày chỉ gói gọn là rau muống hoặc bí chấm tương do cô bác mang biếu. Đến mùa thu hoạch đậu bắp thì ngày nào chùa cũng dùng đậu bắp, có khi cả tháng trời chỉ ăn mỗi món đậu bắp”. Mùa mưa tháng 7, con đường đất từ ngoài cánh rừng đi vào Chùa rất gian nan, nguy hiểm. Nhiều lần Thầy bị ngã ở giữa rừng do trời mưa, đường trơn trượt và tối om. Lúc bấy giờ Phước An Tự xuống cấp, để đảm bảo an toàn cho Phật tử tu học, được sự cho phép của Giáo hội và chính quyền địa phương chấp thuận, Thầy Minh Đạt chính thức động thổ trùng tu tôn tạo Phước An Tự vào ngày 14/4/2016 trên khuôn viên 1.000m2.

Đại đức Thích Minh Đạt lên nhận chứng nhận đã tham gia đồng hành tổ chức "Gala giao lưu văn hóa Việt Nam - ASEAN 2018"  và có thành tích bảo tồn phát huy văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

Từ những ngày đầu bước vào đời tu khổ hạnh, khốn khó là vậy, đến nay, sau 20 năm, thầy Minh Đạt vẫn luôn vững niềm tin để phụng đạo, yêu nước, từng bước vững chãi vào nền tảng giáo lý của Đức Như Lai, rèn luyện cái Tâm Bồ Tát trên đoạn trường tu hành với tâm thế: “Tâm bất biến giữa cuộc đời vạn biến”, cùng nhân dân gây dựng ngôi chùa khang trang ngay giữa vùng đất khó. Phật pháp tùy duyên nhưng không rời đạo giải thoát, đó là tôn chỉ của Thầy.

"Có hiểu mới có thương"

 Đại đức Thích Minh Đạt và các phật tử

Trải qua chặng đường bao khó khăn, thử thách trong nghiệp tu, Đại đức Thích Minh Đạt lúc nào cũng khiêm tốn. Với tấm lòng bao dung, gần gũi với mọi người, Thầy Minh Đạt lúc nào cũng được người dân trong vùng quý mến. Và cũng từ lâu, chùa Phước An Tự trở thành điểm đến bình yên của người dân trong vùng vào mỗi ngày mùng Một, hôm Rằm, ngày lễ tết.

Mặc dù kinh tế Nhà chùa còn rất eo hẹp, nhưng bên cạnh việc chăm lo sự tu học cho Phật tử, vào các dịp lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan, ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” Thầy và Phật tử gói ghém mỗi đợt được trên 300 phần quà cùng những chiếc xe lăn tình nghĩa để san sẻ yêu thương đến với những thương binh, bệnh binh, mẹ Việt Nam Anh hùng ở địa phương và các bà con nghèo khuyết tật, người già neo đơn, khó khăn, cơ nhỡ...

Ông Bùi Thế Đức - Phó ban Tuyên giáo Trung ương đại diện BTC tặng tượng vàng vua Hùng cho Đại đức Thích Minh Đạt

Hoạt động của chùa Phước An Tự luôn phát triển dựa trên mối quan hệ tương quan mật thiết giữa Đạo pháp - Dân tộc cùng đồng hành để mang lại cuộc sống an vui cho cộng đồng, lợi ích cho xã hội theo thuyết Từ Bi Hỷ Xả của Đức Phật.

Với những đóng góp không nhỏ của mình, ngày 10/3/2018, Thầy được Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và Bộ Văn hóa và Tôn giáo Myanmar trao tặng Chứng nhận thương hiệu Hoạt động văn hóa hội nhập quốc tế. Tháng 6/2018, Đại đức Thích Minh Đạt đã có buổi tiếp kiến Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, báo cáo những kết quả thầy đã hoạt động vì cộng đồng trong những năm vừa qua. Nhiều năm liền, với tâm huyết cống hiến, thày được nhiều Quốc gia khối ASEAN trao nhiều bảng vàng và kỷ niệm chương, mời tham dự các Hội nghị Văn hóa và Tôn giáo ở Myanmar, Malaysia, Thailand... nhằm ghi nhận thành tích bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập Quốc tế, kết nối và giới thiệu Phật giáo Việt Nam với các nước trong khu vực và trên Thế giới.

Hồng Thắm