Nghị quyết 10 – NQ/TW: “Mở lối” cho kinh tế tư nhân

00:00 12/10/2020

Dù đóng góp 40% GDP cho nền kinh tế, nhưng môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, chi phí kinh doanh còn cao khiến khu vực kinh tế tư nhân chưa thể phát huy hết tiềm năng vốn có của mình.

Cách đây hơn một năm, Nghị quyết 10 – NQ/TW đã ra đời được xem là một sự khẳng định của Đảng, Nhà nước về vai trò của khu vực này đối với nền kinh tế

Đóng góp của các khu vực kinh tế vào tăng trưởng GDP 2017

Doanh nghiệp tư nhân mới chiếm gần 8% GDP

Tiếng là thành phần quan trọng, đóng góp lớn nhưng thực tế khu vực kinh tế tư nhân hiện vẫn còn rất nhiều “rào cản” để phát triển. Đề cập tới câu chuyện này, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói rằng, nếu xét về tỷ trọng trong GDP, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 40% GDP, chiếm ưu thế rõ ràng so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Đây cũng là khu vực tạo việc làm chính cho nền kinh tế.

Nhưng, cũng phải nói rõ, doanh nghiệp tư nhân mới chiếm gần 8% GDP, phần lớn còn lại thuộc về khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình. Nghĩa là số đông trong khu vực kinh tế tư nhân vẫn là các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hiệu quả hoạt động hầu như chưa có cải thiện trong nhiều năm qua. Vấn đề là, tỷ lệ này đã duy trì khá lâu, cho dù chúng ta mong muốn sự dịch chuyển từ khu vực hộ gia đình sang khu vực doanh nghiệp tư nhân, có nhiều chính sách khuyến khích việc chuyển đổi này, nhằm tăng khu vực doanh nghiệp chính thức, từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, chi phí kinh doanh tại Việt Nam hiện vẫn được xem là cao cũng là một “rào cản” không nhỏ cho sự phát triển của kinh tế tư nhân. Đơn cử như chi phí logistics tại Việt Nam theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) chiếm tới 25% GDP hằng năm, cao hơn đáng kể so với tỷ trọng 19% của Thái Lan, 18% của Trung Quốc, 13% của Malaysia và cao gần gấp ba lần nếu so với các nước như Mỹ hay Singapore. Với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, thì chi phí vận tải chiếm hơn 2/3 giá trị hàng hoá, trong khi các nước chiếm ½ rõ ràng là điều không bình thường.

Nhằm đánh giá việc thực hiện và cùng chỉ ra những rào cản, khó khăn thách thức mà thành phần kinh tế tư nhân đang gặp phải, qua đó tìm ra giải pháp giúp thành phần kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, ổn định và hiệu quả. Được sự chỉ đạo của VCCI, ngày 10/7/2018, báo Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TW (CIEM) tổ chức Diễn đàn : “Thực hiện Nghị quyết số 10 – NQ/TW: Tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế tư nhân”

TS Hoàng Xuân Hoà, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nói rằng, có một rào cản nữa là cơ cấu ngành nghề của kinh tế tư nhân còn bất cập khi có 81% tập trung vào lĩnh vực hoạt động thương mại, dịch vụ, trong khi chỉ có 1% đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân lớn hiện nay chủ yếu hoạt động dựa vào khai thác đất đai, tài nguyên, kinh tế tư nhân phát triển còn yếu trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo…

Từ thực tế hoạt động kinh doanh, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Cty CP Giải pháp Công nghệ CNC (CNC Tech) nhận xét, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân hiện gặp khó khăn, thậm chí là không có khả năng trong khâu tiếp cận với ưu đãi về đất đai. Đáng nói là ở chiều ngược lại, khu vực doanh ngiệp FDI được ưu tiên nhiều hơn.

Cần cơ chế nhất quán, minh bạch

Dù Nghị quyết 10 – NQ/TW ra đời đã chỉ lối rất rõ cho khu vực kinh tế tư nhân, nhưng để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống thì vẫn cần có thời gian và cả trách nhiệm của các cơ quan quản lý, Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện. Đáng lo ngại là tốc độ tăng trưởng của khu vực này đang có dấu hiệu đi xuống. Bằng chứng là nếu như giai đoạn 2003-2010 là 11,93%/năm thì bước sang giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 7,54%/năm.

Nhưng cũng rất mừng là thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương… đã đẩy mạnh việc rà xét và gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp. Bước đầu “làn sóng” này đã phát huy tác dụng và có những tác động lớn tới sự phát triển của nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng.

Theo các chuyên gia, “làn sóng” này cần phải tiếp tục và cần cụ thể hoá các hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân thông qua việc tiếp tục đơn giản hóa tối đa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cho việc thành lập và vận hành doanh nghiệp. Nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp, bảo đảm hướng tới các chuẩn mực quốc tế.

Đặc biệt trên tinh thần của một chính phủ đồng hành và phục vụ doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn liên tục có động thái cảnh tỉnh các bộ, ngành, địa phương, kêu gọi cần phải liên tục có sự hành động, cần nỗ lực hành động hơn nữa, hướng tới mục tiêu Đảng đã đề ra, đó là kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

“Chính phủ cam kết sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Quốc Anh