Nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”

00:00 12/10/2020

 (DNHN). Đầu tháng 7/2015, nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung về nước biểu diễn. Trước “sự kiện” này, tôi vào google tìm hiểu về Nguyễn Việt Trung. Trong 0,32 giây, với cụm từ khóa “Tài năng âm nhạc Nguyễn Việt Trung”, công cụ tìm kiếm cho 1.710.000 kết quả về anh. Theo đó, Nguyễn Việt Trung sinh năm 1996 ở Hà Nội, quê gốc ở Thái Bình, hiện theo học tại Karol Szymanowski – một trường âm nhạc dành cho các tài năng của Ba Lan. Anh đã giành được rất nhiều giải thưởng âm nhạc Quốc tế danh giá. Nhiều bài báo trong nước và trên thế giới mệnh danh anh là “Thần đồng âm nhạc”, “Cậu bé Vàng piano”v.v.

Việt Trung từ khi còn nhỏ được sự quan tâm và chăm sóc của bố mẹ

Lâu nay, ở nước ta, tài năng piano không nhiều và thường là “con nhà nòi” về âm nhạc. Với Nguyễn Việt Trung,“truyền thống” họ hàng nội ngoại của anh đều là nông dân ở xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Vì sao, với “truyền thống” ấy, Nguyễn Việt Trung lại phát tiết, trở thành một tài năng sáng chói trong nền âm nhạc thế giới?

“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”

Tiến sỹ Nguyễn Văn Thân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam- Tổng giám đốc Cty TNHH Việt Thắng (Hà Nội), tiếp chúng tôi trong phòng khách rộng và sang trọng. Tuy vậy, trên tường chỉ treo vài bức ảnh chân dung các thành viên trong gia đình, tuyệt nhiên không thấy những bằng nọ, huy chương kia ghi nhận thành tích âm nhạc xuất sắc của Nguyễn Việt Trung – con trai út của ông; cũng không thấy bày biện những kỷ vật liên quan tới âm nhạc như chúng ta thường thấy ở những gia đình có truyền thống về nghề âm nhạc. Nói chuyện với chúng tôi, ông Thân cũng chẳng đả động đến âm nhạc. Thoạt tiên, ông nói về xu thế hội nhập; về cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam; tiếp nữa, ông nói tình hình kinh tế trong nước và thế giới…Ông nói nhanh, hùng biện, lập luận chặt chẽ, sắc bén.

Nói đến ông, bạn bè cùng lứa ở Trường Cấp 3 Quỳnh Phụ và Khóa 19 Đại học Tổng hợp Hà Nội đều nể phục về học giỏi. Tốt nghiệp Đại học, ông được giữ lại trường giảng dạy nhưng vì lí do khách quan, ông được tổ chức điều động vào dạy học ở Đại học Tây Nguyên, sau đó về Tổng Cục Khí tượng Thủy văn rồi đi nghiên cứu sinh ở Ba Lan. Nhận bằng tiến sĩ loại giỏi, ông không phấn đấu trở thành nhà khoa học chuyên nghiên cứu về vật lí khí quyển mà chuyển sang kinh doanh và trở thành thương gia khét tiếng ở Ba Lan. Ông được mệnh danh là “Sói Ba Lan”. Báo Tiền phong đăng mấy kỳ liền bài viết về ông. Về nước, dù không được đào tạo ngành tài chính Ngân hàng, ông vẫn chủ trì sáng lập Ngân hàng Quốc tế (VIB); đồng chủ trì sáng lập Hiệp hội doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hiệp hội này và làm cố vấn cho một số tổ chức tín dụng ở Việt Nam .

Vợ ông, bà Nguyễn Thị Vinh, cùng quê, cùng học ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Họ có 3 người con. Nguyễn Việt Trung là út. Anh chị của Trung đều học rất giỏi. Anh cả Nguyễn Việt Thắng hiện làm việc ở Tập đoàn UNICITY của Mỹ; chị gái Trung hiện làm việc tại Tập đoàn Kiểm toán PWC tại Boston. Đây là tập đoàn kiểm toán lớn nhất nước Mỹ.

- Còn cậu út thì sao? Học giỏi không ông? – Tôi hỏi TS. Thân về Nguyễn Việt Trung.

-Trước đây cháu học thường thôi.Có lẽ cháu được nhà trường ưu đãi về chế độ học tập nên học văn hóa láng cháng, cốt đỗ tốt nghiệp phổ thông. Đến nỗi, nhà trường phải gửi thông báo cho phụ huynh về tình học tập của cháu. Hoảng quá, tôi bay sang Ba Lan. Vợ chồng tôi làm công tác tư tưởng cho cháu; có lúc phải căng thẳng cháu mới tập trung học văn hóa. Sau hai tháng, kết quả học tập của cháu khiến cả trường phải kinh ngạc. Trong 4 môn thi bắt buộc: Anh văn cháu được 30/30 điểm – cháu thông thạo 5 thứ tiếng nên môn này đạt điểm cao tuyệt đối không có gì đáng ngạc nhiên. Môn Âm nhạc cũng vậy. Ngạc nhiên nhất là kết quả thi môn văn học Ba Lan và toán. Môn văn học Ba Lan cháu được 85/100 điểm – cao nhất trường.

…Chợt, tôi nhìn kỹ bức chân dung Nguyễn Việt Trung treo trên tường. Rõ ràng, khuôn mặt sáng láng ấy, vầng trán ấy, đôi mắt thông minh ấy giống TS. Thân như tạc. Và tôi đồ rằng, ở họ còn có chung tư chất thông minh; và, dù vợ chồng ông và hai người con lớn của ông bà không có năng khiếu âm nhạc đặc biệt như Trung, nhưng ở họ đều có tư duy, cảm nhận cuộc sống sắc sảo, nhạy bén; đức tính cần cù thì mới thành đạt như vậy. Cho hay rằng, “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.

Nguyễn Việt Trung – Công dân Việt Nam

Nhiều người nhầm tưởng, nghệ sỹ piano Nguyễn Việt Trung là Việt kiều, là công dân Ba Lan. Không phải vậy! Nguyễn Việt Trung sang Ba Lan từ khi 6 tháng tuổi, đến nay đã 19 năm, anh vẫn mang quốc tịch Việt Nam. Tại mọi cuộc thi piano quốc tế có anh tham dự, Quốc kỳ Việt Nam đều được tung bay kiêu hãnh. Gia đình TS. Thân bây giờ chia làm ba … “niêu”. TS. Thân và con trai lớn sinh sống và làm việc tại Việt Nam; vợ ông ở Ba Lan để chăm sóc Nguyễn Việt Trung và con gái họ sinh sống làm việc tại Mỹ. Ông Thân cho hay, vợ con ông là người Việt Nam; có tính cách và tâm hồn của người Việt nên ông không muốn làm công dân của nước nào. Bởi vậy, mỗi lần gia đình sum họp, các thành viên đều nói tiếng Việt. Ông bà TS. Thân thường giáo dục các con về truyền thống, đạo lý của Việt Nam, về lòng yêu nước, tình cha con, tình anh em, bạn bè. Và, bởi vậy, Nguyễn Việt Trung dù thành thạo 5 thứ tiếng, anh vẫn thường nói tiếng Việt; đọc nhiều sách văn học Việt Nam; biểu diễn thành công nhiều dân ca của Việt Nam. Trung thường xuyên được thưởng thức các món ăn Việt do mẹ nấu. Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, Trung tranh thủ trở về Việt Nam, đoàn tụ với gia đình, gặp gỡ bạn bè ở Hà Nội. Nhiều lần Trung được về quê Thái Bình ăn Tết cùng ông bà, đón Giao thừa, thức đến ba giờ sáng đi xông đất gia đình anh em họ hàng. Nêu những thông tin này, chúng tôi muốn khẳng định rằng, phải chăng, quan điểm và phương pháp nuôi dạy con của vợ chồng ông Thân đã hình thành tới nhân cách và tâm hồn Nguyễn Việt Trung!

Tài năng âm nhạc Nguyễn Việt Trung

Ai cũng biết, từ năng khiếu và tư chất thông minh dẫn đến tài năng là một khoảng cách rất xa. Khoảng cách ấy là sự say mê khổ luyện, là môi trường giáo dục đào tạo, là sự thăng hoa của trí tuệ và tâm hồn. Năng khiếu, sự say mê khổ luyện âm nhạc của Nguyễn Việt Trung thì nhiều tờ báo đã viết rồi. Nhưng ở Trung, ngoài những tố chất trên phải có tư duy sắc bén, sự cảm nhận cuộc sống tinh tế thì mới chuyển tải được tư tưởng, tình cảm trong các tác phẩm của các bậc thiên tài âm nhạc như J.S. Bach, F.Liszt, F.Chopin, Beethoven, làm rung động hàng triệu trái tim khán giả trên thế giới! Người nhà của Trung kể, mới đây, Giáo sư âm nhạc nổi tiếng thế giới Jasinski, Chủ tịch Hội đồng thi Quốc tế Chopin gặp lại Trung liền nói với các thành viên, “Tôi biết cậu này từ khi cậu ấy 12 tuổi. Cậu ấy có nhạc cảm, có phong cách biểu diễn và có trí tuệ”.

Lại kể về kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa rồi của Trung. Trước 7 vị giám khảo, Trung lập luận, hùng biện vượt quá yêu cầu của bài thi thông thường. Rằng, con người có ước mơ, có lí tưởng thì không có thế lực gì ngăn cản được họ! Rồi Trung kể câu chuyện về một Hồng quân Liên Xô, trước cái chết vẫn bảo vệ ước mơ, lí tưởng của mình. Có lẽ, đó cũng là tư tưởng, ý chí của Trung trên con đường vươn tới đỉnh cao âm nhạc. Kết thúc buổi thi, bạn bè Trung góp ý, Trung mất lịch sự quá, ai lại trả lời bài thi cứ nhìn thẳng vào mặt các vị giám khảo; không sợ thầy giáo đánh trượt à? Trung bảo, trượt thì trượt. Bố tôi dạy, khi đối thoại phải nhìn thẳng vào mắt người đối thoại với mình, dù họ là ai! Cứ cúi gằm mặt xuống là hèn, là nhục. Cho hay rằng, cá tính ấy Trung thừa hưởng từ người bố. Và cá tính ấy cũng là nét đặc trưng của khí phách, trí tuệ, tâm hồn của người Việt Nam!

Nhiều tờ báo, tạp chí lớn ở nước ngoài đã viết về Trung với những danh hiệu “cậu bé Vàng của làng Piano”, “Một thần đồng âm nhạc” v.v. Trên Tạp chí âm nhạc của Ba Lan đã viết về Trung thế này: “Nguyễn Việt Trung đến từ Việt Nam là một tài năng Piano trẻ, đã nhạc cảm bằng một tâm hồn trong sáng và tươi mới. Tài năng của cậu bé 12 tuổi này sánh ngang với sinh viên năm cuối tốt nghiệp xuất sắc của một nhạc viện lớn, dù mới chỉ học 6 năm âm nhạc…”. “Tâm hồn trong sáng và tươi mới” như bài báo ở Ba Lan đã viết về Trung có lẽ cũng chính là tâm hồn người Việt Nam - Trung đã biểu diễn tác phẩm của các thiên tài âm nhạc bằng trí tuệ, tài năng và tâm hồn Việt.

Thành tích của Nguyễn Việt Trung:

Từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 01 năm 2014, giành giải nhất và Grand Pix (Giải thưởng cao quý nhất của cuộc thi) tại cuộc thi Piano toàn quốc cho hệ trung học, tổ chức tại thành phố Krakow – Balan.

Vào ngày 19 tháng 03 năm 2014, chung kết cuộc thi toàn quốc cho các nhạc sỹ trẻ xuất sắc nhất dưới 19 tuổi chơi 1 trong những nhạc cụ cổ điển mang tên “Mlody Muzyk Roku 2014” tại Balan và được Đài truyền hình quốc gia Ba Lan phát sóng trực tiếp.

Vào ngày 28 tháng 06 năm 2014, biểu diễn trước 4000 khán giả tại lễ khai mạc festival “Nuits des Romanes” tại Pháp nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp.

Từ ngày 15 đến ngày 16 tháng 10 năm 2014, biểu diễn trước 50.000 khán giả tại một sự kiện lớn ở Thái Lan.

Vào ngày 6 tháng 11 năm 2014, giành học bổng toàn phần do Bộ Văn hóa và Giáo dục Ba Lan trao tặng.

Việt Trung đã từng biểu diễn tại nhiều sân khấu các nước như Ukraine, Hungary, Pháp, Mỹ, Bỉ, Thái Lan, Việt Nam (Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) và nhiều thành phố tại Ba Lan.

Trước đó, năm 2005, giải Nhất cuộc thi Emmy Alberg tại thành phố Lodz, Ba Lan.

Năm 2006, giải Nhì cuộc thi giành cho các Pianist trẻ (không có giải nhất) tại Zyrardow, Ba Lan.

Năm 2006, giải Nhất cuộc thi biểu diễn các tác phẩm nhạc Chopin và giải “Nốt nhạc vàng” cho tay đàn trẻ thể hiện tác phẩm của Mozart xuất sắc nhất tại Sochaczew, Ba Lan.

Năm 2007, dành giải 3 tại Festival Piano quốc tế dành cho Pianist trẻ, đạt giải dành cho tay đàn trẻ thể hiện bản nhạc thế kỷ 20 hay nhất tại Glubczyce, Ba Lan...

Danh sách giải thưởng của Trung xứng đáng để gọi Trung là “Thần đồng âm nhạc”, “Cậu bé Vàng piano”.