Nghệ sĩ mang chuyện đời tư để PR bán sản phẩm: Coi chừng, “chơi dao đứt tay”!

00:00 12/10/2020

Với nghệ sĩ, khi sáng tạo ra một sản phẩm thì PR để đưa sản phẩm đó đến với công chúng là việc làm bình thường. Tuy nhiên, việc lạm dụng những thông tin cá nhân, đến đời tư, đến tình cảm nam-nữ trong giới nghệ sĩ đang được đẩy lên quá đà. Nhiều câu chuyện rùm beng liên quan đến những trò PR lố gần đây đã cho thấy, có một sự nhầm lẫn nguy hại trong giới nghệ sĩ về các khái niệm “Xì-căng-đan” và “PR”. Chính vì sự nhầm lẫn đó mà không ít nghệ sĩ nổi tiếng đã bán rẻ đời tư của mình cho việc PR sản phẩm, nhưng đổi lại, chính họ đã bị “đứt tay” vì chơi dao quá đà, sản phẩm không những không bán chạy mà còn bị tẩy chay, các mối quan hệ tình cảm thì tổn thương, phai nhạt.

Đắt - rẻ đời tư

Đời tư của nghệ sĩ đắt hay rẻ, chắc chắn phải là rất đắt. Nó đắt đến nỗi trở thành chất liệu để phần lớn các nghệ sĩ trên thế giới sử dụng để PR hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân cùng với các sản phẩm nghệ thuật họ sáng tạo ra. Nhưng, cái sự “xắt ra miếng” của đời tư nghệ sĩ luôn phải đi kèm một văn hóa PR của người nghệ sĩ. Họ biết được liều lượng thông tin cung cấp trên truyền thông như thế nào là đủ. Họ hiểu rõ ranh giới mong manh của sự đắt giá với sự rẻ tiền trong PR liên quan đến đời tư. Và trong PR chắc chắn phải đi kèm với đạo đức làm nghề. Có thể nói hay nói tốt bao nhiêu, nhưng không nói không thành có, không biến chuyện thiêng liêng thành điều rẻ rúng. Tiếc là trong giới showbiz Việt hiện nay, những nghệ sĩ ý thức được việc mình có nên dùng đời tư để PR, và PR như thế nào cho văn hóa, cho hiệu quả, cho mình đẹp hơn lên trong mắt công chúng là không nhiều.

Câu chuyện thời sự nhất mà nhiều khán giả còn nhớ, là màn PR lố bịch liên quan đến ba nghệ sĩ Cát Phượng-Kiều Minh Tuấn và An Nguy. Hồi tháng 9 vừa rồi, phim “Chú ơi, đừng lấy mẹ con” rậm rịch ra mắt khán giả. Dĩ nhiên hai diễn viên vào vai nhân vật chính trong phim là Kiều Minh Tuấn và An Nguy phải tham gia vào chiến dịch truyền thông làm sao thu hút được càng nhiều công chúng quan tâm đến bộ phim này càng tốt. Và, như mọi công thức PR phim người ta vẫn hay dùng, hai diễn viên bắt đầu tung tin đồn kiểu “phim giả tình thật”.  Họ tiết lộ với báo giới việc hai người nảy sinh tình cảm với nhau trong quá trình đóng phim “Chú ơi, đừng lấy mẹ con”. Tuyên bố của hai nhân vật được tung ra trong bối cảnh Kiều Minh Tuấn đã có 10 năm tình nồng lửa đượm với diễn viên đàn chị Cát Phượng- người hơn Kiều Minh Tuấn cả chục tuổi đời. Dư luận chỉ trích hai nhân vật dữ dội, vì trước đó, Cát Phượng và Kiều Minh Tuấn đã xây dựng hình ảnh một cặp đôi lý tưởng, trở thành hình mẫu cho giới trẻ. Một số khán giả tỉnh táo hơn thì có thể lý giải, việc Kiều Minh Tuấn và An Nguy làm vậy chỉ nhằm mục đích PR cho bộ phim sắp phát hành mà họ tham gia vào. Thôi, nếu việc chỉ dừng ở đó, thì cũng chẳng có gì đáng bàn. Nó giống như một cơn lốc ào đến rồi tan đi, cho đến khi “Chú ơi, đừng lấy mẹ con” ra rạp là hết. Khán giả cũng sẽ không lạ lẫm với màn diễn của những nhân vật chính, bởi nó đã là chiêu PR kinh điển cả thế giới ưa dùng. Nhưng bất ngờ trong cơn lốc bị chỉ trích, nữ diễn viên An Nguy lên tiếng cho rằng chuyện cô có tình cảm với Kiều Minh Tuấn là có thật, không phải là PR cho phim. Bất ngờ hơn, An Nguy đã tung một đoạn chat của Cát Phượng với ê-kip làm phim “Mẹ Tuệ” (một dự án phim khác trong đó Cát Phượng và Kiều Minh Tuấn tham gia đóng chung) nói về kế hoạch dài hơi của Cát Phượng PR cho phim này, bắt đầu bằng cách lợi dụng sự ầm ĩ của mối tình tay ba Cát Phượng- Kiều Minh Tuấn- An Nguy từ phim “Chú ơi, đừng lấy mẹ con”.

Vậy là đã lộ một ván cờ vụng về. Công chúng được chính người trong cuộc bóc mẽ cho xem một sự thật, và dĩ nhiên họ cảm thấy bị tổn thương nặng nề, bị dắt mũi. Trước đó, hàng triệu người đã dành tình cảm yêu mến, xúc động cho cặp đôi cổ tích Cát Phượng - Kiều Minh Tuấn. Và một làn sóng phẫn nộ nổi lên trong dư luận. “Chú ơi, đừng lấy mẹ con” càng cận kề ngày ra rạp càng bị dư luận thờ ơ, tẩy chay.

Dĩ nhiên nhà sản xuất không mong đợi điều này. Họ chỉ muốn câu chuyện PR dừng lại ở việc hai nhân vật chính tung tin đồn đoán “phim giả tình thật” để công chúng tò mò mua vé vào rạp xem họ phải lòng nhau thì đóng phim trên màn ảnh ra sao, và phim thắng lợi về mặt doanh thu là ổn. Mọi việc đã được đẩy đi quá xa, khi những người trong cuộc “hở sườn” những chiêu PR vừa tham lam vừa vụng về. Kết cục, “Chú ơi, đừng lấy mẹ con” bị lỗ nặng, doanh thu vỏn vẹn chỉ 6 tỷ đồng, trong khi nhà sản xuất phải bỏ ra 25 tỷ để đầu tư. Nhà sản xuất đã khởi kiện hai diễn viên chính. Kiều Minh Tuấn đã phải nộp lại cho nhà sản xuất số tiền cát-xê 900 triệu đồng. Đây có thể nói là một thất bại thảm hại nhất cho một bộ phim Việt, do cách làm PR sai, thiếu định hướng. Phân tích từ câu chuyện này, các chuyên gia cho rằng, các diễn viên trong cuộc đã hoàn toàn bản năng, thiếu kiến thức về PR chuyên nghiệp. Họ đang tạo ra những xì căng đan xấu nhưng lại nghĩ rằng đó là đang PR cho phim của mình. Với những người nghệ sĩ chân chính, lâu năm trong nghề, đã có tên tuổi với công chúng, có thành tựu nghệ thuật, thì việc tránh xì-căng-đan luôn là một tiêu chí của họ. Họ xem xì-căng-đan là mối nguy hiểm, cả trong giữ gìn tên tuổi lẫn kinh doanh thương mại. Các nhà sản xuất đầu tư tiền vào các sản phẩm nghệ thuật, họ cũng thường xây dựng một chiến lược PR khôn ngoan, chứ không dại dột đẩy sự việc thành những xì-căng-đan xấu xí tới mức bị công chúng tẩy chay.

Ở đây, những người nghệ sĩ trong cuộc đã quá bản năng. Họ lấy đời tư ra để PR phim, nhưng kịch bản của họ quá đà do thiếu hiểu biết. Hậu quả là các nghệ sĩ bị chỉ trích từ phía công chúng, rất nhiều ấn tượng đẹp của họ tạo ra trước đó trong lòng công chúng bị xóa đi. Chưa kể, mối quan hệ bộ ba nghệ sĩ cũng hứng chịu nhiều tổn thương. Và điều tệ nhất là tác phẩm nghệ thuật họ làm ra không được công chúng ngó ngàng, tiền bạc cát-xê cũng đội nón ra đi. Thất bại cay đắng của bộ phim này chính là bài học quý giá cho những nhà làm phim, những nghệ sĩ thích chạy theo các chiêu trò hòng qua mắt khán giả. Họ cần phải hiểu rằng, khán giả không còn tin vào các chiêu, nhất là chiêu rẻ tiền liên quan đến đời tư nghệ sĩ nữa.

Tránh xa những chiêu trò “bẩn”- hãy PR sạch!

Trên thực tế, PR là con dao hai lưỡi. Nó sẽ rất hiệu quả khi những người sử dụng thực hiện một cách chuyên nghiệp, khôn khéo, văn minh. Nhưng nó cũng có thể khiến ai đó đứt tay chảy máu như bỡn nếu vụng về, lố bịch, quá đà. Các nhà sản xuất khi đầu tư một sản phẩm, họ cũng có sẵn một chiến dịch làm truyền thông cho sản phẩm đó. Mục đích không gì khác ngoài lợi nhuận. Việc dùng đời tư nghệ sĩ PR cho một sản phẩm không mới, nhưng với những nhà đầu tư thận trọng, họ rất cân nhắc về liều lượng. Họ hiểu rõ, đời tư một người nghệ sĩ liên quan đến thiện cảm của công chúng. Có thể được rất nhiều nhưng cũng có thể mất tất cả nếu đời tư khai thác lộ liễu, kệch cỡm, lố bịch. Và gần như có một nguyên tắc, các nhà sản xuất thực sự không sử dụng xì-căng-đan để truyền thông sản phẩm. Xì-căng-đan đồng nghĩa với những điều không được cho là lành mạnh, dù nó có thể giúp cho tên tuổi một ai đó được biết đến rất nhanh. PR khác với xì-căng-đan. PR chính là câu chuyện xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa nghệ sĩ và công chúng trên nền tảng thông tin hai chiều. PR là truyền đi những thông điệp khẳng định hình ảnh và trách nhiệm của chủ thể, qua đó nhận lại được sự thấu hiểu, chia sẻ, ủng hộ của công chúng. Việc một số người nổi tiếng, hoặc chưa thực sự nổi tiếng dùng những thông tin liên quan đến tình ái, đời tư, quan hệ nam-nữ để được nhiều người chú ý đến, thực chất không phải là PR chân chính. Chúng ta thấy tràn ngập trên báo chí, truyền thông giải trí hình ảnh nữ diễn viên này ăn mặc hở bạo, nữ diễn viên kia bị đánh ghen, ca sĩ nọ lấp lửng chuyện mình bị người thứ ba chen vào... ở những thời điểm cần PR cho một sản phẩm nghệ thuật nào đó họ có liên quan. PR cách đó không tốt, có nhiều ví dụ nghệ sĩ “ăn trái đắng” từ phía khán giả vì PR phản cảm. Chẳng hạn câu chuyện ca sĩ trẻ Phan Ngọc Luân tiết lộ việc mình có tình cảm riêng tư với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, thân thiết đến nỗi ngủ chung phòng, chung giường và có những chuyện đi quá giới hạn tình cảm thầy trò. Chưa hết, ca sĩ này còn chia sẻ, chính ca sĩ Dương Triệu Vũ là người thứ ba xen vào tình cảm hai người. Đây là một chiêu PR được xem là “bẩn” trong showbiz, trước thừi điểm Phan Ngọc Luân phát hành MV. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phải lên tiếng nhắn gửi học trò: “Điều em đang làm vừa thất đức vừa thiếu nhân cách”. Phan Ngọc Luân sau đó bị khán giả tẩy chay và sản phẩm của anh ta cũng đồng thời rơi vào quên lãng.

Những người làm nghệ thuật còn non, ít kinh nghiệm, lại nôn nóng nổi tiếng thường vấp phải những trò PR rẻ tiền. Nhưng cũng không ít ví dụ cho thấy, có những người nghệ sĩ rất nổi tiếng, có thành tựu, cũng mắc bẫy những chiêu trò phản cảm. Lý do vì quá nôn nóng với mục đích được dư luận chú ý khi có một sản phẩm mới. Họ quên mất rằng tạo ra sự phản cảm chính là điều tối kỵ nhất trong PR. Nó có thể làm xấu đi hình ảnh người nghệ sĩ, mang đến những tác dụng ngược với công chúng, tạo ra một thương hiệu bấp bênh, không bền vững, điều mà họ không mong muốn. Có thể nói, thành công hay thất bại của một ngôi sao phụ thuộc rất nhiều vào tư duy, độ nhạy cảm và tính chuyên nghiệp của họ trong việc thực hiện các chiến lược PR phát triển thương hiệu cá nhân.

Trong thế giới giới giải trí có muôn hình vạn trạng kiểu truyền thông. Về cơ bản, những nghệ sĩ có tài năng thực sự, có văn hóa, họ rất thận trọng trong việc làm hình ảnh. Điều mà họ sợ nhất là tự biến mình thành thảm họa truyền thông. Việc dựa hơi xì-căng-đan để nổi tiếng thường được tập trung ở phía những nghệ sĩ mới vào nghề, hoặc tài năng có hạn, hoạt động mãi mà không được khán giả biết đến. Với những ngôi sao lớn, một lần vấp phải thảm họa truyền thông, họ có thể “tởn” đến già và thường không để mình lặp lại sai lầm đó.

Những chiêu trò phản cảm có thể giúp ai đó được chú ý trong một thời điểm nào đó, nhưng xét cho cùng, việc tạo dựng hình ảnh tốt đẹp, duy trì mối quan hệ dài lâu, uy tín với khán giả mới là mục tiêu chân chính cuối cùng một người nghệ sĩ hướng đến. PR là một câu chuyện cần làm, nó gắn avowis mọi hoạt động của người nghệ sĩ, nhưng nó phải luôn xuất phát từ những mong muốn lành mạnh, với mục tiêu và chiến lược rõ ràng. Hiểu đúng về PR và sử dụng PR một cách đúng đắn, thì người nghệ sĩ sẽ thu về những lợi ích tốt đẹp. Họ sẽ luôn được công chúng nhớ đến với nhiều thiện cảm, ngay cả khi không còn làm nghề nữa.

Quỳnh Trang