Nghề shipper: Nhọc nhằn, nhưng thu nhập... “khủng”!

00:00 12/10/2020

Nghề shipper (giao hàng) đang được ví là nghề: “không lo thất nghiệp, chỉ sợ không có sức” vì nhu cầu mua sắm và giao hàng tận nơi của các “thượng đế” là rất lớn. Các shipper chăm chỉ “cày” đường bất chấp thời tiết khắc nghiệt và vẫn “hành nghề” lúc nửa đêm, rạng sáng là chuyện bình thường. Nhưng sau những vất vả, nhọc nhằn là thu nhập “khủng” khiến nghề shipper đang trở thành lựa chọn của nhiều người.
KT-391570-1_opt_GBCE
Sau những vất vả, nhọc nhằn là thu nhập “khủng” khiến nghề shipper đang trở thành lựa chọn của nhiều người Vất vả nhưng “hốt” ra bạc
Chỉ cần ngồi một chỗ, lướt internet là khách hàng đã có thể mua cho mình bất cứ thứ gì từ bé đến lớn, từ quần áo, giày dép cho tới đồ ăn, thức uống. Chính vì thế, các shop, cửa hàng, quán ăn… đều có dịch vụ giao hàng tận nơi, kéo theo đó là các shipper cũng được lợi. Quy trình ship hàng như sau: shipper sẽ nhận hàng và tạm ứng trước cho người đưa đơn hàng số tiền hàng, sau đó giao hàng cho khách nhận lại tiền của khách và phí ship. Anh Nguyễn Ngọc Thực (Cầu Giấy, Hà Nội) là một shipper “ruột” của vài cửa hàng quần áo ở Hà Nội 3 năm nay. Một ngày anh giao trung bình khoảng 20 đơn hàng trong nội thành Thủ đô, phí ship giao động từ 20.000 - 40.000 đồng tùy xa gần, trung bình một ngày thu nhập của anh rơi vào khoảng 500.000 - 800.000 đồng. Vị chi một tháng anh Thực “hốt” được khoảng 15 - 20 triệu đồng. “Tôi nhận tất cả đơn hàng vào buổi sáng và sắp xếp theo từng khu vực để tiết kiệm thời gian và xăng xe. Tiền công thu về tính theo tháng có vẻ “hời” nhưng sau đó là vô vàn khó khăn, vất vả. Có những ngày nắng đổ lửa, hay những ngày rét buốt dưới 10 độ, shipper chúng tôi vẫn rong ruổi “cày” ngoài đường. Có những lần giao hàng gặp phải khách “oái ăm” báo địa chỉ nhận hàng 1 nơi nhưng khi đến giao lại bảo đến địa điểm khác, hay có khách đã thống nhất 15’ nữa nhận hàng nhưng vẫn “đi đâu đó” khiến tôi phải ngồi đợi “dài cổ” cũng chưa thấy đâu”, anh Thực chia sẻ. Đó là chưa kể đến chuyện, shipper đội nắng đội mưa đến giao hàng cho khách, đến nơi, khách không ưng ý, từ chối nhận hàng, shipper lại phải vòng về trả cho cửa hàng, thế là mất 2 lần ship, nhưng có khi không được xu nào, hoặc cùng lắm thì được cửa hàng trả cho 1 lần đi. Hiện nay, nghề shipper cũng đang là công việc làm thêm của nhiều bạn sinh viên. Bạn Minh Tú (Đại học Thủy Lợi) cho biết: “Em thường tìm kiếm đơn hàng trên Facebook và trung bình mỗi ngày em giao khoảng 5 đơn hàng, hôm nào không đi học thì sẽ nhận đơn hàng nhiều hơn. Mỗi ngày, em cũng kiếm được từ 100.000 - 200.000 đồng. Ngoài ra, còn có một bộ phận shipper “cú đêm” chuyên giao đồ ăn, thức uống vào tầm từ 22h - 4h sáng. “Giao hàng buổi đêm phí ship cao hơn và với thời tiết nắng 40 độ như thế này thì làm việc buổi tối sẽ đỡ mệt hơn. Nhưng, giao đồ ăn không phải đơn giản, nhiều khi không phân bổ kịp thời gian, đồ ăn giao đến cho khách bị nguội ngắt, hay đi đường xóc khiến nước canh, café, sinh tố… bị đổ tùm lum… và bị khách mắng té tát”, bạn Thành (Đại học Thương Mại Hà Nội) chia sẻ. Shipper lừa đảo và shipper bị… lừa Ngoài những shipper làm ăn chân chính ra thì vẫn còn một số bộ phận shipper “quỵt” tiền của nhiều chủ shop. Chị Ngân Hà (chủ shop quần áo ở Giang Văn Minh, Hà Nội) cay đắng cho biết: “Cách đây vài tuần, vì shipper “ruột” nghỉ làm đột ngột nên chị gọi một shipper trên facebook giao một đơn hàng với hóa đơn 1,5 triệu đồng. Bạn shipper này vì không đủ tiền ứng, chỉ còn mỗi 500.000 đồng, vì tin tưởng nên chị vẫn giao hàng cho bạn và sẽ nhận đủ tiền sau khi xong việc. Nhưng chờ đến tối, không thấy bạn shipper quay lại giao nốt tiền hàng, chị gọi điện thì tá hỏa khi chỉ nhận được những tiếng tút tút dài vô tận”. Có nhiều đối tượng lợi dụng quy trình ứng tiền trước khi ship nên đã gom quần áo, mỹ phẩm, nước hoa, sữa bột trẻ em… dởm, rẻ tiền rồi gói bọc cẩn thận, ghi đơn hàng kèm số điện thoại và địa chỉ khách hàng rồi rao tìm shipper trên mạng. Nhiều bạn đã bị “dính bẫy” khi ứng trước giá trị đơn hàng cho những đối tượng này có khi lên tới cả vài triệu đồng. Sau đó, khi gọi vào số điện thoại khách hàng “ma” thì một là nhầm máy, hai là số điện thoại không hợp lệ, khi liên hệ lại với chủ cửa hàng thì đã bị chặn số. Nhiều shipper cay đắng vì bị lừa và phải ôm lại đống hàng “dởm” không thể sử dụng vì quá kém chất lượng. Để phòng ngừa bị lừa đảo, cơ quan công an khuyến cáo những người hành nghề shipper cần chú ý cảnh giác khi nhận được đơn hàng từ người lạ. Nếu đơn hàng có giá trị lớn, thay vì đặt cọc toàn bộ giá trị hàng thì chỉ nên đặt cọc một phần tiền kèm CMND, khi nào giao hàng xong quay lại lấy giấy tờ và trả tiền còn thiếu. Kiểm tra cẩn thận hàng hóa trước khi giao. Không nên nhận hàng ở địa điểm công cộng mà cần đến tận nhà, tận cửa hàng của người thuê ship hàng. Cần thiết phải gọi điện thoại cho người nhận hàng trước khi đi giao để xác nhận thông tin xem có đúng họ là người mua hàng không? Họ mua đúng loại hàng chuẩn bị giao không? TRÀ GIANG/laodong.com.vn