Nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể chuyện xây dựng phong trào Việt Minh

00:00 12/10/2020

Tháng 12 năm 1995, tôi được theo chân lãnh đạo huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn) về thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nghe Đại tướng kể những ngày Đại tướng tham gia xây dựng phong trào Việt Minh. Việt Minh là tên gọi tắt của của Việt Nam độc lập đồng minh, ra đời ngày 19/5/1941, tại Pác Bó (Cao Bằng) nhằm tập hợp lực lượng tham gia cách mạng, tiến tới Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, năm 1945.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trước đây, tôi thường thấy Đại tướng trên ti vi, phim ảnh, sách báo trong bộ quân phục, trên vai lấp lánh bốn ngôi sao bạc. Bữa ấy, lần đầu tiên tôi thấy Đại tướng mặc comlê màu xám, đội mũ len trùm kín đầu, nom hiền từ phúc hậu như ông giáo già. Ông Kim Sơn, Bí thư của Đại tướng lần lượt giới thiệu những người trong đoàn với Đại tướng. Khi giới thiệu đến ông Nông Văn Kỉnh, Bí thư Huyện ủy Chợ Đồn, Đại tướng hỏi ông Kỉnh, giọng thân mật:

- Chợ Đồn hả? “cần Tày” hay “cần Keo”? (tiếng Tày nghĩa là người Tày hay người Kinh?)

Ông Nông Văn Kỉnh đáp:

- Thưa bác, cháu là người Tày ạ!

Rồi Đại tướng nói chuyện với mọi người bằng tiếng Tày. Tôi là “cần Keo”, từng nhiều năm “ba cùng” với đồng bào nhưng chỉ bập bõm vài câu tiếng Tày. Tuy nhiên, cũng láng máng hiểu được nội dung Đại tướng hỏi ông Kỉnh. Đại để, Đại tướng hỏi đồng bào Chợ Đồn có đủ ăn không? Phương Viên, Nghĩa Tá, Bản Bẳng (các xã thuộc huyện Chợ Đòn) thế nào? Sản xuất ra sao? Có đường, có trường, có trạm chưa? Cặp mắt Đại tướng chợt lấp lánh khi nghe ông Kỉnh trả lời về nhiều đổi mới ở Chợ Đồn, Phương Viên, Nghĩa Tá, Bản Bẳng...

Đó là những địa danh mà Đại tướng đã từng sống và làm việc khi mở “Con đường quần chúng cách mạng”. Sau khi thành lập mặt trận Việt Minh, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trướng mở “Con đường quần chúng cách mạng” nhằm khai thông liên lạc giữa căn cứ địa Cao Bằng và Bắc Sơn (Lạng Sơn), Võ Nhai (Thái Nguyên) với miền xuôi. Ban Nam tiến do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã tổ chức 19 đội, xuất phát từ Cao Bằng, qua Ngân Sơn, Chợ Rã, sang Phương Viên, Nghĩa Tá (thuộc Chợ Đồn, Bắc Cạn).

Đại tướng kể, con đường đoàn quân Nam tiến năm ấy đi qua nhiều triền núi và cánh đồng, qua các làng bản của đồng bào Tày, Dao tiền, Dao đỏ... Tại nhiều nơi, quần chúng được tổ chức khá rộng rãi, tinh thần lên rất cao. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa sôi nổi trên suốt dọc đường. Đồng bào các dân tộc đón tiếp cán bộ như những người ruột thịt lâu ngày trở về. Tháng 8 năm 1943, đoàn Nam tiến do Đại tướng chỉ huy và đoàn Bắc tiến do Thượng tướng Chu Văn Tấn chỉ huy gặp nhau ở Bản Bẳng (Nghĩa Tá, Chợ Đồn). Đêm hôm đó, Thượng tướng Chu Văn Tấn mang ra cái chân nai, anh em làm lại, ninh lên rồi liên hoan ăn mừng “hai con đường” đã đánh thông, tạo thành “Con đường quần chúng cách mạng” ôm vòng lấy Cao - Bắc - Lạng.

Đại tướng kể, sau khi Mặt trận Việt minh mới ra đời, Bác Hồ đã làm diễn ca về “Mười chính sách Việt minh” bằng thơ lục bát cho mọi người dễ thuộc. Ở Việt Bắc, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông sinh sống. Để phù hợp với tình cảm, cách nghĩ của đồng bào địa phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuyển bài diễn ca trên của Bác Hồ sang thể thơ năm chữ gọi là “Việt minh ngũ tự kinh” và dịch ra ba thứ tiếng: Tày, Dao, Mông.

“Việt minh ngũ tự kinh” gồm 118 câu. Trong đó, khi nói về tương lai đất nước, bản tiếng Việt thế này: “Dân khắc bầu Chính phủ/ Dân có quyền tự do/ Được hội họp tha hồ/ Được nói bàn phải trái/ Được bán buôn đi lại/ Trên đất nước nhà mình/ Thổ, Mường, Mán, Nùng, Kinh/ Thương yêu nhau ân ái...”

Đoạn này dịch ra tiếng Tày như sau: “Dân hẩy bầu Chính phủ/ Tặc luật lệ kỷ cương/ Sloon cạ căn kin dú/ Tẳng có đẩy bản mường/ Cần mưa pù, tẩu tổng/ Cần háng phú, nông thôn/ Xày căn tỉnh tiếng sloon/ Tờ slương, slết, kết đoàn...

Còn đây là bản dịch tiếng Dao: “Pua càu bàu Chính phủ/ Chấn sỉ mài tự do/ Coóng bàn chù mái chù/ Tha hồ tú hại cắp/ Tú chấu chiếu dốn mình/ Liên nhua pua đao nước/ Chây pè tài dốt miền/ Láo lống pua chàng mua...” (Bản dịch tiếng Mông chúng tôi chưa sưu tầm được - TG).

...“Việt Minh ngũ tự kinh” ra đời, đã được phổ biến rộng rãi trong đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Tháng 5 - 1942, Đảng bộ liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng quyết định lấy “Việt Minh ngũ tự kinh” làm tài liệu tuyên truyền chính trong quần chúng và các lớp huấn luyện chính trị, văn hoá. Nhờ đó, số lượng hội viên tăng nhanh, phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng phát triển rộng khắp trong cả nước.

Trong những năm tháng xây dựng phong trào Việt Minh ở Việt Bắc, Đại tướng là người trực tiếp chỉ thị thành lập Tỉnh uỷ và Tỉnh bộ Việt minh lâm thời tỉnh Bắc Kạn, ngày 22 - 01 - 1944. Những năm tháng gian khổ ấy, Đại tướng đã sống cùng đồng bào, nói tiếng nói của đồng bào và được đồng bào thương yêu đùm bọc như ruột thịt. Hôm về thăm Đại tướng, thay mặt nhân dân địa phương, ông Kỉnh biếu Đại tướng ít khoai tàu. Đại tướng cười, nói bằng tiếng Tày: “Phước Hác quá dặn!” (phước hác quá dặn, tiếng Tày nghĩa là món khoai ăn ngon). Mọi người đều cười vui. Bỗng, gương mặt Đại tướng chợt đau đáu. Đại tướng kể, "Đại tướng sống được đến hôm nay, có phần là nhờ món ăn đó. Năm 1944, theo chỉ đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng, để chuẩn bị cho sự ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) và triển khai các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại các địa phương, Đại tướng đã nằm vùng tại xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Thời gian đó, thực dân Pháp liên tục càn quét, ráo riết truy tìm những người cộng sản và bóc gỡ các căn cứ của Việt Minh. Suốt gần 4 tháng liền tại xã Thượng Ân, Đại tướng được đồng bào che chở, đùm bọc và nuôi Đại tướng chủ yếu bằng món khoai tàu.

Cao Thâm