Ngày hội tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc

00:00 12/10/2020

Tại ngày hội, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức như biểu diễn nghệ thuật dân tộc, trò chơi dân gian, giới thiệu các sản vật dân tộc... Diễn ra từ ngày 15 đến 19/4, các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội thu hút sự tham gia của 120 già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào 8 dân tộc của 8 tỉnh là Hòa Bình, Nghệ An, Điện Biên, Đắk Lắk, Kon Tum, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Sóc Trăng. Sự kiện này đã trở thành ngày hội của đồng bào các dân tộc, góp phần kết nối và tôn vinh những giá trị văn hóa, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết gắn bó của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Tại ngày hội, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức như biểu diễn nghệ thuật dân tộc, trò chơi dân gian, thi đấu đẩy gậy, trưng bày, giới thiệu các sản vật, ẩm thực dân tộc… Các hoạt động đã tạo cho ngày hội một không gian văn hóa đa màu sắc mang đậm tinh hoa văn hóa Việt Nam.
ngay hoi ton vinh gia tri van hoa truyen thong dong bao cac dan toc hinh 0
Tham gia ngày hội, bà Bùi Thị Lan Phương, dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình cho biết: "Chúng tôi đã đem những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình tới ngôi nhà Mường thân yêu, đó là những sản vật của người Mường như cồng chiêng, các loại thổ cẩm, những trò chơi dân gian và đặc biệt là ẩm thực của dân tộc chúng tôi được du khách rất là thích. Ban tổ chức sự kiện đã cho các dân tộc được gần gũi nhau hơn, hiểu được bản sắc của nhau và cũng tăng thêm tình đoàn kết các dân tộc gắn bó, để xây dựng nước Việt Nam của mình ngày một tiên tiến đậm đà bản sắc". Điểm nhấn xuyên suốt của chuỗi các hoạt động là tái hiện sinh động các lễ hội truyền thống do đồng bào các dân tộc - những chủ thể văn hóa thực hiện. Từ lễ hội Cầu mùa - giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay; Lễ trưởng thành của dân tộc Ê đê đến Lễ hội nhảy lửa và Lễ mừng thọ của dân tộc Dao... Mỗi lễ hội một màu sắc văn hóa riêng, người xem được trải nghiệm, hòa mình trong những điệu múa, lời hát cùng tiếng cồng chiêng ngân vang, say đắm lòng người.
Du khách Nguyễn Thanh Tâm, ở Nghệ An chia sẻ: "Thông qua các hoạt động, chúng tôi đến xem và biết được những giá trị đặc sắc nhất mà các tộc người đã giới thiệu tại ngày hội. Qua đó cũng mong muốn các tộc người giữ gìn, bảo tồn và phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình để giới thiệu đến tất cả bạn bè trong nước và quốc tế, từ đó tạo nên sự đoàn kết thống nhất trong đa dạng văn hóa của Việt Nam".
Từ năm 2009, Chính phủ chọn ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em, tăng cường sức mạnh đoàn kết, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước nhân ái, thủy chung, khơi dậy lòng tự hào về đất nước Việt Nam anh hùng. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã chọn Làng Văn hóa- du lịch các dân tộc Việt Nam là nơi tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam nói riêng và nhiều sự kiện khác của cộng đồng đồng bào các dân tộc. Thông qua hoạt động này, đồng bào trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài và du khách quốc tế biết đến một hình ảnh đất nước Việt Nam, với 54 dân tộc trong một ngôi nhà chung và cùng nhau xây dựng đất nước ngày một hùng cường.
ngay hoi ton vinh gia tri van hoa truyen thong dong bao cac dan toc hinh 1
Ông Lâm Văn Khang, Phó trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: "Một trong chủ trương vận hành, khai thác Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đó là để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình. Chính vì thế khi tổ chức tất cả các hoạt động, chúng tôi tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc có thể tham gia được nhiều hoạt động. Đồng bào về đây không chỉ tham gia vào các hoạt động của đồng bào mình mà còn giao lưu các đồng bào với nhau và tham gia vào chương trình nghệ thuật. Đây là ước muốn của đồng bào và thông qua đó chúng tôi mong muốn để đồng bào được tham gia thật sâu sắc vào tất cả các sự kiện". 6 năm qua, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã từng bước lan tỏa và thấm sâu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, thực sự trở thành ngày hội để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu cùng nhau hòa mình trong các lễ hội truyền thống, qua đó góp phần giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân. Năm nay, đồng bào các dân tộc anh em hội tụ tại “Ngôi nhà chung”-Làng Văn hóa-du lịch các dân tộc Việt Nam chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (19/4/1946 - 19/4/2016). Đối với đồng bào, bên cạnh niềm vui là ý thức trách nhiệm với Đảng, Bác Hồ trong việc bảo tồn, gìn giữ phát huy những tinh hoa văn hóa ngàn đời của ông cha để lại./. (theo vov.vn)