Ngành công nghiệp gỗ làm gì để cán đích xuất khẩu 20 tỷ USD

00:00 12/10/2020

Trong 2 thập niên qua, ngành gỗ xuất khẩu có bước đột phá, đạt từ 219 triệu USD lên con số 11 tỷ USD. Tiếp bước thành tựu đó, Chính phủ giao mục tiêu đến năm 2025, ngành gỗ xuất khẩu đạt 20 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, một trong những việc trọng tâm của ngành gỗ là: phát triển bền vững, dựa trên nền tảng liên kết, tạo ra chuỗi giá trị từ khâu sản xuất tới khâu xuất khẩu.

Chuỗi giá trị trong lâm nghiệp bao gồm: từ trồng rừng đến khai thác, chế biến, thương mại, và xuất khẩu. Trong chuỗi giá trị này, có các liên kết giữa các cá nhân/doanh nghiệp trong các khâu khác nhau của chuỗi, ví dụ, nếu ta lấy nhà sản xuất là trung tâm của chuỗi, thì nó được thể hiện dưới dạng: Nhà sản xuất liên kết với các nhà cung ứng (nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, dịch vụ, v.v) (liên kết dọc). Nhà sản xuất nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều nhà máy hoặc nhiều nước cùng tham gia sản xuất xuất khẩu một hay nhiều sản phẩm. Nhà sản xuất liên kết với các nhà sản xuất cùng ngành gỗ hoặc một nhóm mặt hàng (liên kết ngang). Việc hình thành các chuỗi này xuất phát từ tình trạng cạnh tranh khốc liệt trong sản xuất và thương mại, từ nhu cầu cung - cầu của thị trường, từ thể chế, chính sách thương mại của từng quốc gia, và môi trường kinh doanh. Việc liên kết dọc tạo lợi ích to lớn cho các nhà cung ứng với nhà sản xuất khi có thị trường bán hàng ổn định để phát triển. Nhà sản xuất có nguyên liệu đạt chuẩn và đúng kế hoạch, giá cả cạnh tranh, thì sẽ có sản phẩm cạnh tranh (liên kết giữa người trồng rừng đến người chế biến). Để nằm trong chuỗi toàn cầu thì nhà sản xuất phải đạt được rất nhiều tiêu chuẩn (môi trường, an toàn, chất lượng, lao động, xã hội). Những tiêu chuẩn đánh giá này sẽ được đánh giá cả chuỗi, từ nhà cung ứng nguyên liệu đến nhà sản xuất, và nền tảng đó sẽ nâng tầm các doanh nghiệp lên một hình ảnh mới, mang lại thương hiệu cho doanh nghiệp, và tạo ra giá trị gia tăng rất lớn.

Khi các nhà sản xuất liên kết với nhau (liên kết ngang) sẽ học tập được nhau về các kỹ năng, kỹ xảo, về các giải pháp trong sản xuất.., nền tảng để nâng cao năng lực quản trị, làm cho nhà sản xuất hiệu quả hơn, đi nhanh hơn, và hạn chế mắc lỗi trong quá trình đầu tư và sản xuất. Các liên kết trong giá trị ngành gỗ, bao gồm liên kết dọc và liên kết ngang, mặc dù mang lại hiệu quả, nhưng các chuỗi liên kết này còn rất khép kín và hạn chế, mới còn dừng ở quy mô nhỏ.

Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: Để ngành gỗ phát triển bền vững, thì vấn đề căn cơ là chúng ta phải giải quyết được bài toán nguyên liệu. Với mục tiêu đạt 20 tỷ USD, tương ứng với khoảng 50 triệu m3 quy tròn, trong khi lượng cung 2018 mới đạt 28 triệu m3, Nhà nước cần tạo cơ chế cho các nhà đầu tư để xây dựng phát triển bộ giống phù hợp với thổ nhưỡng ở từng khu vực.  Các công ty lâm nghiệp đang là những công ty đang quản lý đất rừng chủ lực của quốc gia - đây là nơi phát triển trọng tâm của nguồn gỗ Việt Nam. Vì vậy, để phát triển rừng bền vững và có hiệu quả trong trồng rừng, cần phải giải bài toán từ khâu này, bằng việc tái cấu trúc lại các công ty lâm nghiệp dựa trên nền tảng cổ phần hóa để phát huy mọi nguồn lực đầu tư của xã hội.

 Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Cũng theo ông Lập, Nhà nước cũng tạo cơ chế xã hội hóa để đầu tư phát triển rừng, tạo ra những cánh rừng mẩu lớn, những chủ rừng lớn, làm tiền đề cho sự phát triển chuỗi trong liên kết phát triển lâm nghiệp, mang lại hiệu quả to lớn trong kinh doanh rừng (lá, vỏ cây, ép bánh để nấu nồi nồi hơi phát điện; cành ngọn thì làm chíp- làm bột giấy, thân gốc thì lấy gỗ). Nếu cứ trồng rừng manh mún, thu hoạch manh mún, thì rất lãng phí tài nguyên rừng và liên kết chuỗi cũng kém phần hiệu quả. Nhà nước cũng cần có chính sách tín dụng với lãi suất ưu đãi với chu kỳ đủ dài để hỗ trợ cho người trồng rừng.

Liên quan đến vấn đề nguyên liệu, ông Lập cho rằng, phải tạo ra những trung tâm chợ gỗ lớn. Hiện tại chỉ có một trung tâm phân phối gỗ ở Đồng Nai (TAVICO), và một số nhà cung ứng gỗ khác ở phía Bắc và phía Nam, Nhà nước cần dành quỹ đất có chính sách giá hợp lý, quy hoạch xây dựng trung tâm phân phối gỗ ở các miền. Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định và Nghệ An. Chính phủ cần có chính sách chỉ đạo các tỉnh này dành quỹ đất trong các cụm khu công nghiệp chỉ dành cho ngành gỗ, có chính sách về giá, về thuế đất hợp lý, để tạo đòn bẩy, cú huých cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào phát triển ngành gỗ. Các khu công nghiệp tập trung là cơ hội rất thuận lợi tạo ra những chuỗi giá trị trong liên kết dọc giữa nhà sản xuất và nhà cung ứng, các nhà sản xuất với thị trường, và các nhà sản xuất cùng ngành với nhau – liên kết ngang, sẽ có tiền đề phát triển chuỗi rất thuận lợi, và cũng đạt mục tiêu về an ninh, môi trường, xã hội, v.v. Đó là cơ sở cho ngành gỗ phát triển bền vững.

Hiện tại ngành gỗ có 5.100 doanh nghiệp với tối thiểu gần 800 nghìn lao động, trong đó chỉ có 20% đại học và công nhân kỹ thuật, còn lại là lao động phổ thông. Hiện lao động bậc cao và lao động phổ thông của ngành gỗ đều thiếu trầm trọng. Điểm mấu chốt là doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng, có lợi nhuận, có giải pháp căn cơ về thu nhập cho người lao động mới tạo được sức hút. Một trong những đòn bẩy để tạo ra năng suất là phải có sự liên kết trong sản xuất (ví dụ, ngoài liên kết với nhà cung ứng nguyên liệu, thì phải liên kết với các nhà cung ứng thiết bị để có các giải pháp về công nghệ và kỹ thuật phù hợp, tạo ra các chuỗi sản xuất liên tục với chi phí hợp lý nhưng  đạt năng suất và chất lượng, hỗ trợ lớn cho việc nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp-vì hiện tại khâu này các doanh nghiệp Việt Nam đang yếu). Các trung tâm đào tạo cần nâng cao liên kết với các nhà sản xuất lớn, nâng thời gian thực hành lên 50% thời gian đào tạo tại các dây chuyền hiện đại ở các nhà máy, tránh đào tạo chay với các công nghệ lạc hậu ở một số trung tâm như hiện nay…

“Như vậy, nhà sản xuất phải đổi mới, cải tiến và tăng năng suất lao động, tạo ra thu nhập của người lao động tăng lên. Các trung tâm đào tạo, đào tạo ra những con người đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Hai yếu tố này hòa quyện lại thì ngành gỗ sẽ tức khắc phát triển”, ông Đỗ Xuân Lập khẳng định.

Trần Loan