Ngành chế biến nông sản còn nhiều tiềm năng phát triển

00:00 12/10/2020

Nông lâm thủy sản là nghành kinh tế đem lại lợi nhuận lớn cho nước ta, ngày càng có nhiều sản phẩm được chế biến tốt hơn, mang giá trị kinh tế cao hơn. Công nghiệp chế biến Nông lâm thủy sản vẫn được dự báo là có tiềm năng rất lớn trong thời gian tới, thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam được đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển.

Phát triển theo hướng hiện đại…

Thời gian quan, công nghiệp chế biến nông sản đạt được nhiều kết quả to lớn, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định kinh tế- xã hội của đất nước. Từ năm 2013-2018, công nghiệp chế biến nông sản đã có bước phát triển mạnh trên quy mô và mức độ hiện đại, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt 5%-7%. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân khoảng 8%-10% năm. Riêng năm 2018 đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD.

Hình minh họa

Sự phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, giúp hội nhập tốt với nền kinh tế thế giới. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đã làm nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 65 – 70 tỷ USD

 … nhưng chưa xứng với tiềm năng

Tại buổi Hội thảo Phát triển Công nghiệp chế biến và bảo quản Nông sản trong thời kỳ hội nhậpdiễn ra trong khuôn khổ Triển lãm Vietnam PFA 2019 cho thấy sự phát triển của ngành chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng, còn bộc lộ những tồn tại, nút thắt trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Điển hình như: Năng lực chế biến một số ngành hàng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ; Công nghệ chế biến nông sản chưa cao, chủ yếu là sản phẩm thô, tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp (tính chung 15 – 20%), chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú; Chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chế biến còn thấp, tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm; Tổ chức liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ.

Đại diện Cục Chế biến & Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông Nghiệp & PTNT) cho biết, công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức bởi Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, đe dọa sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu phục vụ chế biến. Trong khi đó, quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa thật sự hình thành một nền nông nghiệp lớn. Nguyên liệu phục vụ chế biến thiếu ổn định về chất lượng và an toàn thực phẩm (nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong chăn nuôi).

Ngoài ra, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, các nguồn lực về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị và hội nhập lại rất kém, hạn chế đến quá trình đầu tư chuyển đổi cơ cấu sản phẩm.Thị trường thế giới thì nhiều biến động, mà nông lâm thủy sản Việt Nam vẫn phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số thị trường. Ngành công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện chưa phát triển, chí phí của nền kinh tế cao so với các quốc gia khác.

Thanh Nguyên