Ngân hàng tung gói lãi suất thấp kích cầu tín dụng

00:00 12/10/2020

Bên cạnh hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng thương mại còn đưa hàng loạt gói hỗ trợ lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5%-3% (khoảng 250.000 tỷ đồng) cho cả doanh nghiệp lẫn cá nhân nhằm kích cầu tín dụng.

Miễn giảm lãi hơn 91.000 tỷ đồng dư nợ

Cụ thể, HDBank có gói giảm lãi suất vay ưu đãi 2%-4,5%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19. ACB cũng triển khai gói ưu đãi 35.000 tỷ đồng, trong đó khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng đến công ăn việc làm được vay lãi suất ưu đãi giảm đến 2% so với lãi vay năm 2019. Kienlongbank cũng giảm 3%/năm lãi suất cho vay, so với mức lãi suất đang áp dụng cho khách hàng hiện hữu là cá nhân và DN tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đến hết ngày 30/6.

VPBank cũng đưa ra gói giảm lãi suất 2% cho DN trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, vận tải, xuất khẩu. Ngân hàng Bản Việt mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm đến 2,5%/năm cho khách hàng cá nhân và DN. SHB dành 25.000 tỷ đồng với lãi suất giảm tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường. ABBank nâng hạn mức gói cho vay DN vừa và nhỏ lên 3.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 7,2%. Ngoài các ngân hàng thương mại, 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank cũng cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%/năm cho khách hàng…



Chia sẻ về việc giảm đến 25%/tổng số tiền lãi phải thanh toán cho hơn 85.000 khách hàng đang vay vốn trả góp, bà Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Kienlongbank cho biết, đa số khách hàng vay vốn trả góp là những người có thu nhập thấp, vừa đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày như: bán vé số, chạy xe ôm, bán quán nước, bán quán ăn và buôn bán nhỏ, lẻ… Đây là những đối tượng thực sự gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, họ cần hỗ trợ nhất trong thời điểm này.

“Thay vì triển khai các chính sách giảm lãi suất cho khách hàng vay mới, Kienlongbank tập trung giảm lãi cho khách đang vay. Bởi trong hoàn cảnh cách ly xã hội, đóng cửa kinh doanh hàng loạt, không có cơ hội làm ăn… thì nhu cầu vay mới sẽ không khả quan. Vấn đề khách hàng đang cấp bách chính là giải quyết khó khăn trước mắt” - bà Tuấn Anh cho hay.

Lãnh đạo HDBank cũng cho biết, trước tác động lớn của dịch bệnh, HDBank sẽ tự động giảm lãi 2%-4,5% cho các khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trên cả nước, mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải.

Theo NHNN, tính từ ngày 23/1 đến ngày 28/3, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 12.000 khách hàng, với dư nợ 13.500 tỷ đồng. Đồng thời, đã và đang xem xét miễn giảm lãi cho gần 36.000 khách hàng với dư nợ trên 91.000 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là khách hàng ở các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, nông lâm nghiệp thủy sản, xây dựng, bán buôn bán lẻ, giáo dục... 

Tín dụng dần hồi phục 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng đến cuối tháng 3/2020 tăng 1,1%. Trong khi 2 tháng đầu năm, mức tăng chỉ 0,06%, thấp kỷ lục 6 năm, vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Theo ông Hùng, tín dụng bắt đầu hồi phục, nền kinh tế tiếp cận tốt hơn, tích cực hơn so với 2 tháng đầu năm và đến nay, mức tăng tín dụng còn cao hơn.

Trong 2 tháng qua, các tổ chức tín dụng cũng đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp với khoảng hơn 250.000 tỷ đồng; hiện đã giải ngân gần 80.000 tỷ đồng. Theo ông Hùng, các gói ưu đãi lãi suất sẽ được kéo dài đến khi hết dịch, cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, đủ vốn để đáp ứng cho nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.

Chung tay chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, các ngân hàng đã mạnh tay cắt giảm lãi suất cho vay 0,5%-4,5%. Đây cũng là cách để các ngân hàng kích cầu tín dụng trong bối cảnh thị trường khó khăn, tín dụng khó tăng.

Tuy nhiên, tại hội thảo trực tuyến với chủ đề Dịch bệnh Covid-19 - tác động và chính sách ứng phó của Chính phủ mới đây, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, quan trọng nhất là đảm bảo tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại, qua đó hỗ trợ thanh khoản cho DN chịu tác động bởi dịch. Bởi lẽ, nếu giảm lãi suất mà DN không tiếp cận được tín dụng thì thà để họ tiếp cận được tín dụng với lãi suất cao hơn. Do đó, ưu tiên hàng đầu hiện nay là hỗ trợ thanh khoản chứ không phải giảm mặt bằng lãi suất.

Cùng với đó, NHNN có thể cho phép các ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ của DN và vay tiêu dùng, như giãn tiến độ, hoãn trả nợ, không đưa vào danh sách nợ xấu, vì đây là rủi ro khách quan (do dịch Covid-19), không phải là lỗi của khách hàng. 

Nhung Nguyễn