Ngân hàng thương mại Việt Nam trước sức ép hội nhập: Nội lực yếu khó cạnh tranh

00:00 12/10/2020

Trong giai đoạn 2011 - 2015, ngành ngân hàng (NH) có nhiều nỗ lực tái cơ cấu. Ở giai đoạn 2016 - 2020, các tổ chức tín dụng đang hướng tới mục tiêu không chỉ hoàn thiện tái cơ cấu mà phải phát triển đáp ứng yêu cầu hội nhập. Chuyện hội nhập rộng và sâu Phát triển ngành tài chính để chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới, đón nhận các cơ hội kinh tế từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các chuyên gia quốc tế tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo ngân hàng châu Á 2016 tổ chức ngày 11/5 chia sẻ, sẽ có các cơ hội kinh tế lớn trong tương lai nhờ những hiệp định trên. Tuy nhiên, bối cảnh mới này đòi hỏi các NHTM Việt Nam phải sẵn sàng và chủ động tham gia vào quá trình hội nhập vì khi đó thị trường trong nước không còn mức bảo hộ cao như trước, các NH thương mại (NHTM) sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn ngay cả trên sân nhà.
Giao dịch tại một chi nhánh Vietinbank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Giao dịch tại một chi nhánh Vietinbank Hà Nội. 
Ông Barney Frank - cựu Chủ tịch Ủy ban các dịch vụ tài chính Nhà trắng, Quốc hội Mỹ nhận định, hệ thống NH Việt Nam đang hội nhập sâu vào cộng đồng tài chính, NH quốc tế và đã vượt qua những biến động bất thường từ bên ngoài, điển hình là khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và suy thoái toàn cầu hiện nay. Tuy vậy, có 2 tiền đề quan trọng nhất mà Việt Nam cần phải tiếp tục thực hiện được, đó là tạo lập nguồn lực tài chính lớn để giải quyết nhanh nợ xấu và tạo lập khung pháp lý cần thiết để thúc đẩy nhanh thị trường mua bán nợ, trên cơ sở đó lành mạnh hóa tài chính của hệ thống NH và áp dụng các chuẩn mực quản trị, chuẩn mực giám sát an toàn hệ thống tiệm cận khu vực châu Á và thế giới. Một hạn chế nữa được các chuyên gia chia sẻ là vấn đề quản trị rủi ro tại các NH ở Việt Nam còn nhiều bất cập, năng lực quản trị yếu kém, nhiều NH có tỷ lệ vốn tự thấp… Việt Nam phải mở cửa so với hội nhập về thương mại thì hội nhập tài chính NH đang chậm do nhiều vấn đề phức tạp. Cơ hội cho một chính sách tỷ giá năng động Thời gian gần đây, các NH ngoại đã chính thức tham gia khá sâu trong việc cung cấp các dịch vụ NH tại Việt Nam. Nhìn từ hoạt động của một số NH 100% vốn ngoại như HSBC, ANZ… đang có mặt tại Việt Nam với những sản phẩm tài chính họ đưa ra thị trường, kỳ vọng về những sản phẩm, công cụ tài chính đa dạng, chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và chuyên biệt hóa cho từng nhóm đối tượng trên thị trường cũng đang được đặt ra. NH Nhà nước thừa nhận, cả AEC và TPP đều yêu cầu cao hơn về mức độ mở cửa và tự do hóa các giao dịch vốn, theo đó làm thay đổi đáng kể những yêu cầu đặt ra đối với việc ổn định hệ thống tài chính NH nói riêng và ổn định kinh tế vĩ mô nói chung cho Việt Nam. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, để hội nhập tích cực, các NHTM phải được cải tổ về cách quản trị, điều hành, quản lý rủi ro cho phù hợp với các công ước và thông lệ quốc tế. NHNN xác định cải cách NH là một tất yếu khách quan và nhu cầu nội tại của hệ thống, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục để chủ động đối phó với những khó khăn, biến các thách thức thành cơ hội. Ông Lê Minh Hưng cho biết, thời gian tới, ngành NH sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ thể chế; nâng cao năng lực xây dựng và hoạch định chính sách; tham gia giám sát và quản lý hệ thống NH; tăng cường minh bạch hóa thông tin; xử lý nợ xấu, tiến tới áp dụng các chuẩn mực quốc tế cao... Đồng thời bày tỏ mong muốn trong giai đoạn cải cách mạnh mẽ sắp tới, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các NH trong nước. Theo các chuyên gia quốc tế đánh giá, cải tiến trong những lĩnh vực nêu trên sẽ mang tính quyết định, giúp ngành NH Việt Nam có được những lợi ích đầy đủ từ các cơ hội hội nhập toàn cầu. Điều hành chính sách tiền tệ của NH Nhà nước trong xu thế hội nhập rõ ràng phải tính đến tác động của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước, mức độ ảnh hưởng của chính sách tiền tệ các nước lớn đến chính sách tiền tệ của nước nhỏ như Việt Nam để từ đó lựa chọn quan điểm chính sách tiền tệ phù hợp. Đơn cử như với chính sách tỷ giá, tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, giúp nền kinh tế tránh được các cú sốc bên ngoài, tạo điều kiện tăng dự trữ quốc tế và có thể hỗ trợ tăng trưởng... “Thực tế cho thấy, không có một cơ chế tỷ giá hối đoái nào là tối ưu trong mọi trường hợp, nhưng chính sách tỷ giá linh hoạt vẫn là phương thức phổ biến được nhiều quốc gia lựa chọn nhất” - ông Emmanuel Daniel - Chủ tịch The Asian Banker cho biết.   (theo ktdt.vn)