Nga Sơn (Thanh Hóa): Thực hư những lá đơn không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ

00:00 12/10/2020

Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Thanh Hóa cũng như cả nước đã triển khai gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ở Thanh Hóa, từ khi bắt đầu chi trả tiền từ gói hỗ trợ của Chính phủ thì rộ lên hàng nghìn lá đơn không nhận tiền hỗ trợ. Ở đó, ngoài những lá đơn xuất phát từ tinh thần “tôi ổn, xin nhường lại cho những ai khó khăn hơn” thì vẫn có không ít những là đơn là do địa phương vận động các hộ cận nghèo không nhận tiền hỗ trợ.

Nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ sẽ bị loại khỏi hộ cận nghèo

Nhiều người dân ở Thanh Hóa phản ánh, thời gian cách li xã hội, không có công ăn việc làm, Chính phủ đã hỗ trợ cho người nghèo gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng rất kịp thời. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tại một số huyện, tiền chưa đến tay người dân, đã xảy ra tình trạng vận động người dân tham gia ký đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ để nhường lại cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn, chung tay cùng đất nước chống dịch.

Tại thị trấn Nga Sơn (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa), một số hộ cận nghèo rất bất bình trước việc làm của chính quyền trong những ngày gần đây. Đó là việc chính quyền địa phương sau khi vận động người dân không tham gia nhận tiền hỗ trợ bất thành, đã “dọa” cắt chế độ hộ cận nghèo của người dân nếu vẫn cố tình nhận tiền.

Đại diện hộ cận nghèo ở thị trấn Nga Sơn trao đổi với PV về việc gia đình ông được vận động không nhận tiền hỗ trợ do dịch bệnh của Chính phủ

Ông Nguyễn Văn Hiệu - thôn Trung Bắc, thị trấn Nga Sơn bức xúc: “Đây là sự quan tâm của nhà nước đối với người nghèo thì tại sao thị trấn lại cứ “ép” dân không được nhận. Gia đình tôi có 8 khẩu, ban đầu họp thôn lãnh đạo bảo những hộ cận nghèo mà có điều kiện ổn thì đừng nên nhận tiền hỗ trợ của nhà nước nhưng người dân phản đối. Sau đấy, thôn họp lại và nói nếu hộ cận nghèo có điều kiện tốt mà vẫn nhận tiền hỗ trợ thì hôm sau thôn cắt, loại bỏ khỏi danh sách hộ cận nghèo”.

Thấy lãnh đạo nói quá vô lý, gia đình ông vẫn quyết nhận tiền hỗ trợ rồi sau đến đâu thì đến. Nhưng 8 khẩu gia đình ông Hiệu chỉ được nhận hỗ trợ 5 khẩu.

Ông Nguyễn Văn Gấm - trưởng tiểu khu Trung Bắc cho biết: “Tại thôn có 37 hộ cận nghèo nhưng hầu hết là các hộ đều có kinh tế vững, có nhà 2 tầng, có xe hơi. Chủ trương là vận động các hộ nếu cảm thấy điều kiện khó khăn nếu chưa cần nhà nước hỗ trợ thì đừng nhận, hỗ trợ lại cho nhà nước. Thôn có 15 hộ nhất trí không nhận, chúng tôi có đơn cho các hộ ký vào. Nhưng vừa rồi qua báo đài, nên chúng tôi nói lại các hộ viết tay. Sau khi đề nghị 15 hộ viết tay thì chỉ có 10 hộ viết, còn 5 hộ lại đòi nhận tiền. Một số hộ khác thì họ xin nhận hỗ trợ cho 2 cháu nhỏ còn người lớn không nhận”.

Chia sẻ với chúng tôi, một số người dân tại thị trấn đồng quan điểm: Đây là gói an sinh xã hội nhân văn của Chính phủ, vì nằm trong đối tượng nên họ nhận tiền. Nhưng tại sao họ lại bị vận động không nhận tiền hỗ trợ.

Hộ cận nghèo nhưng lại không đủ điều kiện nhận hỗ trợ

ông Lưu Văn Phúc, trưởng tiểu khu Thắng Thịnh (thị trấn Nga Sơn ) cho biết: “Việc vận động hộ cận nghèo không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ là chỉ đạo của cấp trên, thôn chỉ thực hiện theo và triển khai vận động các hộ cận nghèo nhưng có nhà lầu, xe hơi thì đừng nhận tiền. Nếu không có chỉ đạo thì thôn biết đâu mà làm”.

Giải đáp thắc mắc: Gói an sinh xã hội của Chính phủ nhằm hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, thế tại sao thị trấn, thôn lại vận động các hộ cận nghèo không nhận tiền, ông Phúc cho rằng: “Đây là do hệ lụy của việc bình bầu hộ cận nghèo không đúng với thực tế. Tại thôn có 35 hộ cận nghèo nhưng chỉ có khoảng 13 hộ là đúng cận nghèo, khó khăn. Còn hơn 20 hộ đều là các hộ có điều kiện kinh tế khá giả, thậm chí nhiều hộ có nhà 2 tầng, có ô tô con. Những đối tượng này họ xin vào cận nghèo nhằm vay vốn, hoặc cho con đi học để hưởng chính sách của nhà nước. Nay tự dưng Covid-19, được nhà nước hỗ trợ thì chúng tôi cũng vận động họ đừng lấy tiền mà mang tiếng, trả lại cho nhà nước dành cho người khó khăn hơn. Nhưng các hộ họ không đồng ý, họ bảo nhà nước cho thì họ nhận”.

Xung quanh vấn đề này, bà Trương Thị Hoài, Chủ tịch thị trấn Nga Sơn cho biết: “Tại thị trấn đã chi trả đợt 1 cho 1460 khẩu của 4 loại đối tượng. Trong đó, chỉ có 10 hộ viết đơn không nhận tiền hỗ trợ thôi. Còn việc các hộ cận nghèo mà có điều kiện, có nhà lầu, xe hơi thì tôi chưa nắm được. Bởi 2 thôn này trước đây là của xã Nga Hưng vừa sáp nhập vào thị trấn nên chúng tôi chỉ biết tiếp nhận danh sách chứ chưa rà soát lại”

Liên quan đến việc vận động những hộ dân cận nghèo không nhận tiền hỗ trợ của nhà nước, ở huyện Tĩnh Gia cũng có câu chuyện tương tự. Ngày 16/4, UBND huyện Tĩnh Gia có văn bản gửi Chủ tịch các xã thị trấn, yêu cầu rà soát lại các hộ trong danh sách (chủ yếu là hộ cận nghèo) nhưng không đủ điều kiện hưởng thì đề nghị gia đình làm đơn không nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước có xác nhận của ủy ban xã.

Trước đó, ngày 13/5, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện hỏa tốc gửi các địa phương, ban, ngành trong tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm nếu có việc vận động người dân từ chối nhận tiền của Chính phủ hỗ trợ do thuộc diện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Công điện hỏa tốc của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa gửi các địa phương, ban, ngành trong tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm nếu có việc vận động người dân từ chối nhận tiền của Chính phủ

Có thể thấy, mặc dù Quyết định số 15 đã nêu khá cụ thể về điều kiện, hồ sơ, đối tượng, trình tự thực hiện chính sách hỗ trợ, nhưng thực tế khi triển khai tại Thanh Hóa lại nảy sinh nhiều vấn đề dẫn tới tình trạng nhiều hộ dân còn băn khoăn, bức xúc.

Minh Hiền