Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới suy thoái nghiêm trọng vì dịch Covid-19

00:00 12/10/2020

Nền kinh tế Nhật Bản lần đầu tiên rơi vào suy thoái kể từ năm 2015 và đối mặt với rất nhiều khó khăn trong thời gian tới do tác động của dịch Covid-19.

Theo Japan Times, chính phủ Nhật Bản thông báo GDP lao dốc 3,4% trong quý I sau khi sụt giảm 7,3% quý trước đó. Với hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - chỉ sau Mỹ và Trung Quốc - chính thức rơi vào suy thoái trong “kỷ nguyên” Covid-19.

“Nền kinh tế Nhật Bản hứng cú sốc virus corona trong thời điểm đang suy yếu nghiêm trọng”, New York Times dẫn lời nhà kinh tế Izumi Devalier thuộc Bank of America Merrill Lynch. "Tình hình sẽ tệ hại nhất trong giai đoạn từ tháng 4 đến 6. Nhật Bản sẽ trải qua 3 quý tăng trưởng âm liên tiếp".

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế Nhật Bản đã có nhiều dấu hiệu suy yếu. Tiêu dùng sụt giảm sau khi chính quyền Tokyo tăng thuế tiêu thụ từ 8% lên 10% hồi tháng 10/2019. Sau đó, nền kinh tế tiếp tục lao đao khi siêu bão Hagibis tàn phá nghiêm trọng các đảo lớn nước này.

Các con phố ở Tokyo trở nên vắng vẻ do đại dịch Covid-19. Ảnh: Getty.

Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn

Từ nhiều tháng trước đó, xuất khẩu Nhật Bản cũng giảm liên tục do nhu cầu thị trường thế giới lao dốc và tác động của thương chiến Mỹ - Trung. Giới chuyên gia nhận định tình hình sắp tới sẽ còn khó khăn hơn với Nhật Bản.

Dịch Covid-19 làm xuất khẩu tê liệt và buộc Tokyo phải hoãn Olympic 2020. “Việc hạn chế đi lại khiến tiêu dùng giảm mạnh. Sẽ rất khó để tránh tác động với quy mô tương đương một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thậm chí có thể còn tồi tệ hơn”, nhà kinh tế Kentaro Arita thuộc Viện Nghiên cứu Mizuho nói.

Về phương diện y tế, các biện pháp chống dịch của Nhật Bản tỏ ra hiệu quả. Hệ thống y tế đất nước vẫn đứng vững, tổng số ca tử vong dưới 750 người, thấp hơn nhiều so với các quốc gia phương Tây. Tuy nhiên, nền kinh tế Nhật Bản bị tác động nghiêm trọng.

Hàng loạt tập đoàn lớn ngừng hoặc hạn chế hoạt động, vô số công ty vừa và nhỏ - đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ - khủng hoảng nghiêm trọng. Hơn một tháng qua, các con phố kinh doanh sầm xuất ở thủ đô Tokyo đóng cửa. Theo NHK, lượng hành khách tại Shinjuku - nhà ga tàu điện ngầm đông đúc nhất thế giới - sụt giảm 70%.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để chống dịch Covid-19. Ảnh: NYT.

Các địa điểm du lịch nổi tiếng - luôn chật ních du khách lúc bình thường - trở nên hoang vắng. Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, lượng du khách đến Nhật Bản tháng 3 giảm tới 93% so với năm ngoái, chỉ còn hơn 190.000 người.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 4 sụt xuống mức thấp nhất lịch sử, yếu ớt hơn cả giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 và vụ khủng hoảng hạt nhân Fukushima năm 2011.

Xuất khẩu giảm hơn 20% chỉ trong 20 ngày đầu tháng 4. Giới chuyên gia kinh tế Nhật Bản cũng đánh giá các điều kiện kinh tế của nước này đang rất nghiêm trọng và sẽ còn tồi tệ hơn trong thời gian tới vì tác động của đại dịch Covid-19.

Cần thời gian dài để hồi phục

Tháng 4 có thể là tháng tồi tệ nhất với nền kinh tế Nhật Bản. Ngày 15/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ bỏ tình trạng khẩn cấp trên phần lớn cả nước, trừ 8 tỉnh để thúc đẩy nền kinh tế. Các khu vực còn lại - bao gồm các trung tâm kinh tế Tokyo và Osaka - sẽ được xem xét trong tháng này.

Tuy nhiên, New York Times dẫn lời giáo sư kinh tế Sayuri Shirai thuộc Đại học Keio, đồng thời là cựu quan chức Ngân hàng Nhật Bản, cho rằng sẽ cần một thời gian rất dài để kinh tế Nhật Bản hồi phục.

Giáo sư Shirai nhấn mạnh ngành du lịch - một động lực tăng trưởng quan trọng - cần nhiều năm để quay đầu. Các doanh nghiệp như khách sạn và nhà hàng từng vay vốn đầu tư để chuẩn bị cho Thế vận hội đang mắc kẹt trong nợ nần.

"Một số ngành sẽ mất vài năm để quay lại với tăng trưởng. Lĩnh vực tư nhân sẽ yếu ớt trong các năm tới, do đó chính phủ sẽ phải tiếp tục hỗ trợ các hoạt động kinh tế", giáo sư Shirai khẳng định.

 

Phố cổ ở Kyoto hoang vắng không một bóng du khách. Ảnh: Shutterstock

Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt gói kích thích 1.100 tỷ USD, chưa bằng 50% giá trị gói giải cứu kinh tế của Mỹ. Một số nhà quan sát cho rằng Tokyo vẫn chưa mạnh tay đầu tư để khôi phục nền kinh tế. Mới đây, ông Abe cho biết chính phủ vẫn đang thảo luận thêm các biện pháp kích thích nền kinh tế.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản tương đối thấp so với Mỹ, một phần do cơ chế tuyển dụng chặt chẽ khiến các doanh nghiệp khó sa thải nhân viên. Tuy nhiên, các chuyên gia Bank of America Merrill Lynch cảnh báo giữ được việc làm cho người lao động chưa chắc sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu trong nước.

"Nền kinh tế Nhật Bản sẽ vượt qua dịch Covid-19 tốt hơn nhiều nước khác, đặc biệt là Mỹ. Nhưng điều đó không có nghĩa là nước này sẽ tránh được những cú sốc về thu nhập", chuyên gia Devalier nhấn mạnh. Bà cho rằng chính phủ Nhật Bản cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình.

An Chi