Nền kinh tế bền bỉ trong gian khó

00:00 12/10/2020

Bằng sự nỗ lực và bền bỉ, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang từng bước vượt qua các khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Với sự bền bỉ, sức chống chịu của doanh nghiệp, nhiều chuyên gia dự báo, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ có tăng trưởng dương trong năm nay. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải.

Với sự bền bỉ, sức chống chịu của doanh nghiệp, nhiều chuyên gia dự báo, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ có tăng trưởng dương trong năm nay. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải.

Bền bỉ trong gian khó

Giữa vô vàn các thông tin kém tích cực của nền kinh tế trong tháng 8 và 8 tháng năm 2020, có một thông tin có thể khiến dư luận càng thêm tin tưởng vào sức dẻo dai, sự bền bỉ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đó là bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nhìn thấy các cơ hội ở thị trường nước ngoài và tăng tốc đầu tư để mở rộng thị trường.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 330,2 triệu USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 8/2020, có 6 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và 8 lượt dự án điều chỉnh, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 77,3 triệu USD, bằng 47,8% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tăng gấp hơn 2,5 lần so với tháng 7/2020.

Thông tin càng có ý nghĩa hơn khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối năm 2019, các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đã chuyển về nước khoản lợi nhuận khoảng 3 tỷ USD. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn giữ lại 363 triệu USD lợi nhuận để tái đầu tư. Con số đó cho thấy, những trái ngọt đầu tư ra nước ngoài đầu tiên đã được ghi nhận.

Không chỉ là đầu tư ra nước ngoài, sự bền bỉ trong gian khó của nền kinh tế còn được ghi nhận ở nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 8/2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, con số là 174,11 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ.

Việc xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ, dù mức tăng còn thấp, là một điều rất đáng ghi nhận. Càng đáng ghi nhận hơn khi thành tích tăng trưởng này lại đến từ khu vực kinh tế trong nước. 8 tháng, khu vực trong nước xuất khẩu 60,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 113,31 tỷ USD, giảm 4,5%.

Ở một góc độ khác, dù Covid-19 tái bùng phát, song chưa ảnh hưởng quá nặng nề đến tâm lý cộng đồng doanh nghiệp, nên số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8/2020 vẫn tăng 1,5% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 20,7%. Tuy tính chung 8 tháng năm 2020, cả nước có 88.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Việc các doanh nghiệp tiếp tục gia nhập thị trường cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất bền bỉ với kế hoạch kinh doanh của mình.

Để chứng minh thêm cho nhận định này, có thể lấy con số 32.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng qua, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2019. Thêm con số này, thì tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 8 tháng lên tới 121.300 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy là trung bình mỗi tháng vẫn có gần 15.200 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, một con số không nhỏ.

Đối mặt với khó khăn

Vẫn nhìn thấy các cơ hội thị trường, nên các doanh nghiệp Việt Nam đã vô cùng bền bỉ. Tuy nhiên, thực tế là cộng đồng doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do những tác động của Covid-19. Việc có tới 34.300 doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 8 tháng qua, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm trước là một chỉ báo khá rõ ràng.

Có con số này có lẽ xuất phát từ việc sức mua của nền kinh tế tiếp tục ở mức thấp. Tháng 8/2020, do Covid-19 tái bùng phát, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 2,7% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, chỉ số này giảm nhẹ 0,02%. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố giá cả, thì mức giảm là 4,5%, trái ngược với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm ngoái.

Sức mua thấp cũng khiến cho sản xuất công nghiệp thiếu động lực. Vì thế, 8 tháng, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 2,2%. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,8% của cùng kỳ năm 2018, cũng như mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.

Khi sản xuất khó khăn, việc doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động là điều dễ hiểu. Và điều đó cũng cho thấy, nền kinh tế còn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức bởi những tác động của đại dịch Covid-19.

Tuy vậy, sự bền bỉ, sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam khiến nhiều chuyên gia dự báo, dù rất nhiều nền kinh tế trên toàn cầu và trong khu vực có mức tăng trưởng âm, song kinh tế Việt Nam vẫn sẽ có tăng trưởng dương trong năm nay.

Con số được chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhắc đến là khoảng 2-3%. Còn ông Cấn Văn Lực thiên về con số 1,5-2%. Tuy nhiên, ở cả hai dự báo này, thì kinh tế Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương và đó là một điều “đáng ghi nhận” trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Thành, việc nền kinh tế Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng dương chủ yếu là nhờ có sức chống chịu tốt. Và điều này xuất phát từ việc khu vực dịch vụ của Việt Nam chưa lớn như ở nhiều nước phát triển, chỉ chiếm 43% GDP, nên không bị ảnh hưởng quá lớn như các nền kinh tế có lĩnh vực dịch vụ chiếm 70-80% GDP. Bên cạnh đó, khu vực nông nghiệp vẫn là trụ đỡ tốt. Tầng lớp trung lưu Việt Nam với tỷ lệ tiết kiệm khá cao cũng là một trong những nguyên nhân giúp nền kinh tế từng bước vượt qua khó khăn.

Thông tin cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các gói hỗ trợ tiếp theo để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh. Có thêm “cú hích” này, nền kinh tế sẽ tiếp tục bền bỉ vượt qua khó khăn.

 Hà Nguyễn