Naresh Goyal cậu bé con nhà nghèo trở thành ông chủ hãng hàng không lớn nhất Ấn Độ

00:00 12/10/2020

Tuổi thơ ấu của Naresh Goyal vô cùng gian khổ. Năm 12 tuổi, gia đình ông bỗng lâm vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng... Nhưng vượt qua tất cả, ông đã vào đời, khởi nghiệp và trở thành ông chủ hãng hàng không lớn nhất Ấn Độ!

Naresh Goyal

Naresh Goyal sinh ngày 29 tháng 7 năm 1949 trong một gia đình buôn đá quý tại Sangrur, Punjab, Ấn Độ. Năm 12 tuổi, cha ông mất, gia đình tán gia bại sản và phải chuyển đến ở nhờ nhà người bác của Naresh vốn nghèo đến mức không có cả điện để dùng. Trước bất hạnh ập đến, Naresh vẫn quyết tâm theo đuổi việc học. Ông dành cả tuổi thơ ngồi học dưới ánh đèn đường với mơ ước làm kế toán, song điều kiện gia đình đã khiến ông phải lựa chọn trở thành cử nhân thương mại.

Năm 1967, chàng trai Naresh 18 tuổi bước vào đời với công việc đầu tiên là làm thu ngân cho đại lý du lịch East West Agencies của người chú tại Delhi. Trong suốt 3 năm, ông đã phải ngủ lại văn phòng với mức lương khoảng 25 Bảng/tháng. Sau khi tốt nghiệp, Naresh Goyal đã chăm chỉ làm việc và có quãng thời gian dài làm cho các hãng hàng không dân sự quốc tế như Lebanese International Airlines, Royal Jordanian Airlines, Iraqi Airways, middle Eastern Airline... Điều đó đã giúp ông nhìn nhận rõ nét những vấn đề mà các hãng hàng không nhà nước gặp phải và ấp ủ mong muốn tạo lập một doanh nghiệp cho riêng mình.

Năm 1974, Naresh Goyal vay 500 Bảng từ mẹ mình và mở công ty đầu tiên “Jetair (Private) Limited”, chuyên đại diện cho các hãng hàng không nước ngoài như Air France, Austrian Airlines và Cathay Pacific. Tại đây, ông đã phát triển nghiệp vụ bán hàng và marketing cho các hãng hàng không nước ngoài tại Ấn Độ. Ông còn tự trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm về mô hình vận chuyển, định tuyến du lịch, vận hành kinh tế và thiết kế giờ bay...

Năm 1975, Naresh Goyal đảm nhiệm chức vụ giám đốc khu vực cho hãng hàng không Philippine Airlines tại Ấn Độ. Năm 1991, chính phủ Ấn Độ ban hành chính sách mở cửa bầu trời (Open Skies Policy) tạo tiền đề cho sự bùng nổ các dịch vụ hàng không tư nhân. Chính sách này đã giúp giải phóng các quy định và ràng buộc trong ngành công nghiệp hàng không. Naresh Goyal đã nắm bắt cơ hội đó để chuyển đổi công ty của mình trở thành một hãng hàng không thực thụ.

 Hãng hàng không Jet Airways được thành lập vào ngày 01/4/1992 với hoạt động ban đầu là vận tải thương mại nội địa theo yêu cầu. Đến ngày 05/5/1993, Naresh Goyal đã huy động được một số nhà đầu tư Trung Đông như Gulf Air, Kuwaiti Air và bắt đầu tham gia hoạt động chở khách với đội bay gồm 4 chiếc boeing 747 – 300 đi thuê. Đây là lựa chọn thông minh do người Ấn luôn có nhu cầu di chuyển rất lớn từ vùng Vịnh đến các thành phố lớn ở Ấn Độ. Naresh đã thực hiện liên kết các thành phố lớn này đến các thành phố nhỏ hơn, với lịch bay được đồng bộ với các chuyến bay lớn và tận dụng quảng cáo chéo, đồng thời tận dụng cả nhân sự chất lượng cao từ các hãng hàng không mình liên kết. Đây là quãng thời gian tiền đề quan trọng và bận rộn nhất, khi ngay cả phi công lẫn giám đốc đều phải sẵn sàng làm mọi việc, kể cả dọn vệ sinh toilet máy bay.

Trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, nhờ trải nghiệm bay được “tái định nghĩa” mà Jet Airways đã phục vụ thành công 730.000 lượt hành khách.

Chuyến bay quốc tế đầu tiên của hãng là chuyến bay tới Sri Lanka trong tháng 3 năm 2004. Từ đó hãng mở rộng các nơi đến ở hải ngoại, kể cả Toronto (Canada), Hồng Kông Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất), Brussels (Bỉ) và Thành phố New York, San Francisco (Hoa Kỳ) (bắt đầu từ 14 tháng 6 năm 2008). Naresh thành công đến mức được đề cử tham gia Hội đồng “Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế - IATA” vào năm 2004 và đã tiếp tục đảm nhiệm nhiều nhiệm kỳ đến năm 2016. Đặc biệt, sự kiện IPO của Jet Airways năm 2005 đã giúp Naresh Goyal lọt top người giàu thứ 16 tại Ấn Độ với tài sản lúc đó đạt 1,9 tỷ USD.

Trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, nhờ trải nghiệm bay được “tái định nghĩa” mà Jet Airways đã phục vụ thành công 730.000 lượt hành khách.

Ngày 12/4/2007, Jet Airways đã mua hãng đối thủ Air Sahara với giá tương đương 500 triệu USD và đổi tên hãng này thànhJetLite. Thương vụ trên đã giúp Naresh Goyal có cơ hội sở hữu 42% thị trường Ấn Độ, bỏ xa Indian Airlines xếp thứ 2 với 25% thị phần. Theo tổ chức tham vấn Skytrax (Anh quốc), Jet Airways là hãng hàng không tốt nhất vùng Nam Á và Trung Á năm 2007. Đến cuối năm 2010, Jet Airways đã trở thành hãng hàng không lớn nhất tại Ấn Độ, chiếm 22,6% thị phần hành khách.

Tuy nhiên, thị phần của Jet Airways sau khi đạt đỉnh 46% năm 2006, đã giảm mạnh do vấp phải cạnh tranh từ các hãng hàng không giá rẻ mới mở. Hành khách cũng không khỏi thắc mắc về mô hình kinh doanh của hãng khi vừa cung cấp thương hiệu bay truyền thống lẫn thương hiệu giá rẻ. Ngay cả hạng thương gia, chỉ với 8-16 chỗ ngồi/ chuyến bay nhưng cũng không được thiết kế đồng bộ trên các máy bay, khiến chất lượng phục vụ trở thành một thách thức lớn.

 Đến năm 2013, cuộc chiến giá vé bùng nổ đã khiến Jet Airways phải trải qua quãng thời gian tương đối khó khăn khi việc liên tục giảm giá vé để kích cầu đã khiến tất cả các hãng bị thiệt hại. Giá dầu tăng cũng khiến biên lợi nhuận giảm mạnh, và cú đánh chí tử là sự cố hàng không năm 2014 đã góp phần khiến giá cổ phiếu của Jet Airways giảm từ mức gần 600 rupee/1 cổ phiếu năm 2013 xuống gần 200 rupee/ 1 cổ phiếu năm 2016. Trước tình thế đó, Naresh đã thực hiện tuần tự một số bước cải tổ quan trọng. Đầu tiên là thuê CEO Cramber Ball từ Air Seychelles nhằm cải tổ hệ thống một cách toàn diện. Hãng tập trung cải thiện 6 yếu tố quan trọng nhất là:

 1) Tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu, tách thương hiệu giá rẻ khỏi thương hiệu chính; 2) Tái cấu trúc mạng lưới dịch vụ, giảm các chuyến bay quốc tế không hiệu quả và đồng bộ các máy bay với 12 ghế hạng thương gia và 156 ghế hạng phổ thông; 3) Nâng cao hiệu quả hoạt động, tận dụng việc giá dầu giảm trong các năm gần đây; 4) Tái đàm phán một loạt các hợp đồng phù hợp với điều kiện mới; 5) Cải thiện thanh khoản và dòng tiền, tránh vỡ nợ gây phá sản nhờ bán 24% cổ phần Jet Airways cho Etihad Airways với giá 379 triệu USD và tận dụng kinh nghiệm của Etihad về điều hành các đường bay quốc tế; 6) Cải tổ hệ thống quản lý nhân sự, giảm chi phí lương trong bối cảnh khủng hoảng chung. Tính đến năm 2017, Jet Airways đã sở hữu cho mình tổ bay với 124 chiếc, hơn 16.000 nhân sự và doanh thu đạt 3,5 tỷ USD. Sang đầu 2018, cổ phiếu của Jet Air đã tăng lên được gần 800 rupee/1 cổ phiếu, trước khi sụt giảm do nhiều yếu tố chung của nền kinh tế.

Khi được hỏi về quãng thời gian khủng hoảng nhất từng xảy đến với với mình, ông chia sẻ, năm 12 tuổi, gia đình ông đột nhiên lâm vào tình trạng không có tiền để mua thức ăn, không có cả nơi ở và ông không được đi học… Điều đó cho thấy ông đã nỗ lực thế nào để không bao giờ lâm vào tình cảnh cũ. Mặc dù ngành hàng không Ấn Độ hiện tại vẫn đang chịu sức ép lớn về cạnh tranh, giá nhiên liệu và đồng ruppe mất giá, song Naresh Goyal vẫn luôn duy trì được sự lạc quan, mạng lưới quan hệ khổng lồ và tinh thần làm việc bài bản, luôn luôn duy trì giá trị cốt lõi trước mọi thử thách để chèo lái hãng hàng không lớn nhất Ấn Độ hiện nay.

Ths. Nguyễn Trần Minh Trí