Nâng cao chỉ số PCI: Cần có khát vọng lớn!

00:00 12/10/2020

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để đánh giá về mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh, sự nỗ lực và chất lượng cải cách hành chính, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế của chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc TW tại Việt Nam. Vì vậy, tìm cách cải thiện xếp hạng chỉ số các tiêu chí PCI đã trở thành bài thi định kỳ được biết trước đối với cả hệ thống chính trị của mỗi tỉnh...

 Qua 13 năm duy trì, hoàn thiện các chỉ tiêu đánh giá và ngày càng mở rộng đối tượng lấy ý kiến, PCI đã khẳng định vị trí của mình trong đời sống kinh tế quốc gia, ngày càng được dư luận xã hội quan tâm, trở thành thước đo nhu cầu và sự hài lòng của cộng đồng  doanh nghiệp về quản lý nhà nước, cũng như đánh giá năng lực và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với khu vực doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, động thái chuyển dịch thứ hạng PCI đã trở thành nỗi niềm đau đáu của các quan chức đầu tỉnh và sở ngành các địa phương. Cải thiện, nâng cao thứ bậc PCI của tỉnh nhà trong tổng sắp PCI cả nước ngày càng trở thành “phong trào thi đua”, làn sóng cạnh tranh ngầm và không kém phần quyết liệt giữa các tỉnh.

Cả về lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy, dường như hầu hết các địa phương có thứ hạng cao hoặc có quá trình cải thiện xếp hạng PCI tích cực đều có chung những cách giải nổi bật: Thành lập Ban chỉ đạo và thống nhất xây dựng, triển khai theo kế hoạch hành động chung, với sự phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể; có đánh giá và kiểm tra sát sao và kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh; có tổng kết kinh nghiệm và nhận diện những tồn tại, hạn chế, ưu khuyết điểm các nội dung nhiệm vụ và cách giải quyết của năm trước, kế hoạch trước để rút kinh nghiệp cho kỳ thi PCI cho năm sau. Cấp trên “phát lệnh” mà cấp dưới không “chuyển động thực chất” thì đừng mong PCI lên hạng. Vị trí PCI không phải là quà tặng trong các mối quan hệ và càng không phải là sự chiếm hữu độc quyền, mà luôn dành cho những ai xứng đáng nhất. Đà Nẵng từng 7 lần đứng đầu cả nước trong số 13 lần công bố xếp hạng PCI định kỳ thường niên vừa nhường chỗ cho Quảng Ninh lần đầu đứng số 1. Thủ đô Hà Nội suốt nhiều năm qua vẫn kiên trì, hì hụi leo từng bậc, từng bậc từ vị trí gần đội sổ để vươn lên thứ 13 năm 2017 và quyết lọt vào và trụ cũng trong top 10…

PCI không chỉ là thước đo, mà còn là nhiệm vụ, mục tiêu và động lực phát triển. Cải thiện PCI luôn là quá trình mở, trở thành động lực phát triển cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài…Nỗi niềm PCI đau đáu trong lòng các vị quan chức tỉnh và từng sở, ngành, phòng ban chức năng có liên quan. Chỉ số PCI với tư cách là yêu cầu và thước đo sự hài lòng của các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh ngày càng được quan tâm, trở thành nhiệm vụ và niểm vui của các đơn vị, cá nhân lãnh đạo địa phương. PCI khiến không ít người ăn không ngon, ngủ không yên giấc; khi PCI tụt hạng là đồng nghĩa với áp lực đổi mới và trách nhiệm công vụ phải gia tăng.

Hình ảnh phối cảnh Khu Công nghiệp Bờ trái Sông Đà - Thành phố Hòa Bình

Với Hòa Bình, một tỉnh miền núi khu vực Tây Bắc, là một trong 10 tỉnh được quy hoạch vùng Thủ đô, dù có nhiều lợi thế thu hút đầu tư nhưng “cố gắng” lắm 2 năm qua cũng chỉ đứng 52/63 khiến bộ máy lãnh đạo, các nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp không thể không có “ nỗi niềm”.  Khó khăn lớn nhất của Hòa Bình là về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, bởi tỉnh không có đường sắt, không bến cảng, không cửa khẩu.Trong khí đó, địa hình bị chia cắt, chỗ nào thuận lợi thì dân ở nên không có nhiều mặt bằng sạch, không thu hút được các nhà đầu tư chiến lược; đầu tư vào nông nghiệp, du lịch còn nhỏ lẻ, nguồn thu thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Thực trạng còn nhiều khó khăn về kinh tế xã hội cũng như bức tranh thu hút đầu tư ảm đạm của Hòa Bình có thể gói gọn là, nông nghiệp còn manh mún, kém hiệu quả và nông dân còn “nghèo bền vững”; công nghiệp chưa có những “quả đấm thép” khi các nhà đầu tư lớn chỉ “đi qua chứ không ở lại”; du lịch chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng.

Các khu chức năng vùng lõi và các điểm du lịch phụ trợ của tỉnh Hòa Bình

Nói như vậy không  phải nhìn Hòa Bình chỉ thấy bầu trời u ám. Mấu chốt là  chính quyền cần nhìn thẳng vào thực trạng để có những quyết sách cải cách và đổi mới cho phù hợp và phát huy được thế mạnh của địa phương. Trong thời gian tới, Hòa Bình xác định tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nghỉ dưỡng,nhất là các dịch vụ du lịch dưới nước ở hồ Hòa Bình, sân golf; cùng với đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sẽ chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng ngô, cỏ làm thức ăn để phát triển chăn nuôi gia súc, nhất là đại gia sức như trâu, bò thịt vì ở miền núi càng trồng lúa dân càng khổ; phát triển các khu công nghiệp phụ trợ  cho khu công nghệ cao Hòa Lạc, xây dựng nhà máy cấp điện, cấp nước sach cho Hà Nội… Trong năm 2018, Hòa Bình sẽ tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, nhất là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, tổ chức lễ hội cây có múi (cam, bưởi là đặc sản của Hòa Bình) dự kiến thu hút 2 tỷ đô la. Đây chính là động lực thôi thúc Hòa Bình tổ chức một “ Hội nghị Diên Hồng”- “Hội nghị  giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư tỉnh Hòa Bình và chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh các tỉnh khu vực phía Bắc” quy tụ các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, đông đảo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp của 23 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, hội nghị có cả hai đồng chí Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cùng lãnh đạo các sở ban, ngành cùng dự và chia sẻ thẳng thắn những khó khăn, tồn tại, đồng thời mong muốn được lĩnh hội những cách làm mới, giải pháp hiệu quả để có những kinh nghiệm áo dụng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của Hòa Bình. Điều này thể hiện sự cầu thị, quyết tâm và khát vọng lớn của lãnh đạo và hệ thống chính trị tỉnh Hòa Bình nhằm cải thiện môi trường thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nâng cao chỉ số PCI, xây dựng Hòa Bình phát triển bền vững.

Ông Bùi Văn Tỉnh - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình:

Chỉ số PCI của Hòa Bình còn thấp  là trách nhiệm và sự trăn trở của bộ máy chính quyền. Lãnh đạo tỉnh cần nhìn thẳng sự thật xem phương pháp, cách làm đã phù hợp chưa, hay môi trường đầu tư chưa hấp dẫn để biết mình đang ở đâu rồi học hỏi và tìm kiếm một “lối đá" mới để chiến thắng và phát triển. Hòa Bình xác định phải đổi mới mạnh mẽ tư duy cách làm, tạo bước đột phá nhằm thu hút đầu tư, sẵn sàng đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư, khai thác lợi thế, tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp chất lượng cao, du lịch hồ Hòa Bình, du lịch nông nghiệp, sinh thái, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương… Hòa Bình thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số PCI không thể tách rời giữa các nhà  quản lý và doanh nghiệp và không phải để so sánh thứ  bậc mà nhằm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt kinh tế xã hội của địa phương, là niềm tự hào của cộng đồng doanh nghiệp. Khi môi trường  đầu tư tốt sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện Hòa Bình đang vướng về thủ tục giấy tờ xin quy hoạch cấp phép xây dựng dự án, mong các đồng chí thành viên trong Tổ tư vấn và Hội đồng cải cách hành chính của Thủ tướng quan tâm đề xuất giúp. Ví như xin quy hoạch một sân golf  2 năm chưa được, nếu phân cấp cho địa phương, Hòa Bình làm chỉ trong một tháng là xong. Hay chuyển giao một trụ sở  4 gian nhà cũ cho đơn vị khác, mua cái xe điện cũng phải báo cáo Thủ tướng. Thủ tục như vậy làm sao thu hút được đầu tư.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Đại biểu Quốc hội:

Có thể nói sự quan tâm của  các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hòa Bình thể hiện sự đánh giá cao, sự hậu thuận tuyệt đối đối với các doanh nghiệp. Nếu không có sự đồng hành của chính quyền thì doanh nghiệp sẽ mất cảm xúc, không thể làm được. Đó chính là điều kiện tiên quyết thu hút đầu tư và nâng cao chỉ số PCI. Hòa Bình nên phát huy hơn nữa thế mạnh về du lịch, đặc biệt là phát triển sân golf, vừa giải quyết được môi trường và kinh tế. Hiện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang thí điểm khảo sát hội viên chính thức và hội viên liên kết tại một số tỉnh để xây dựng bản đồ về doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo hệ thống số liệu và thương hiệu của doanh nghiệp. Chúng tôi đang liên hệ với một công ty nước ngoài chuyên nghiên cứu riêng về tăng năng suất lao động, hiệu quả đầu tư kinh doanh, nếu các tỉnh áp dụng được thì mỗi năm sẽ tăng trưởng 10%.

Ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

 Để giải quyết bài toán PCI, thiết nghĩ hệ thống chính quyền và các doanh nghiệp Hòa Bình phải làm rõ tại sao lại thế. Chính quyền nỗ lực nhưng doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần có trách nhiệm với việc xây dựng và phát triển kinh tế của  địa phương. Với những lợi thế, Hòa Bình hoàn toàn có cửa sáng cho doanh nghiệp, doanh nhân thiết lập quan hệ kết nối giao thương, hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương, vấn đề là làm thế nào cho hiệu quả. Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, các sở, ngành cần gắn với doanh nghiệp, đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp, vào vị trí người lo việc làm cho người lao động , đóng góp cho ngân sách… để có chính sách cụ thể nuôi dưỡng được nguồn thu, vì có được nguồn thu mới xử lý được vấn đề khác.Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ đồng hành cùng tỉnh Hòa Bình để giải bài toán thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số PCI.

PGS,TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ:

Hòa Bình đang đối mặt nhiều thách thức, chính quyền phải thảo luận sâu hơn nữa để tìm ra nguyên nhân, để giải được đáp án vì sao tỉnh có nhiều lợi thế  vẫn không phát triển. Mấu chốt là cách làm phải khác. Trong quá trình phát triển, Hòa Bình càng là Hòa Bình, càng nhiều chất Mường  càng tốt. Nếu Hòa Bình thay đổi giống miền xuôi thì không còn bản sắc, nghĩa là cần kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Muốn thành công phải đoàn kết, phải tạo nên sức mạnh to lớn để vượt qua mọi khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp Hòa Bình cần nỗ lực bằng cả tài và sức của mình.Hòa Bình phải thay đổi căn bản chứ không phải chỉ chỉnh sửa cái cũ. Chính quyền  phải biết đặt ra những bài toán khó để thách thức doanh nghiệp. Có mục tiêu, có thách thức sẽ có thành công.  Những hội nghị tập hợp trí tuệ của doanh nghiệp các địa phương rất thiết thực, cần  được tổ chức nhiều hơn, bởi lẽ ai nhiều bạn sẽ giàu có. Là thành viên của Tổ tư vấn của Thủ tướng, tôi sẽ đề xuất lên Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, thủ tục của Hòa Bình nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng đang đối mặt nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Với nhiều thế mạnh, cộng thêm sự hỗ trợ về cơ chế và quyết tâm của hệ thống chính quyền, Hòa Bình sẽ phát triển..

Bà Đào Kim Ngân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hải Phòng:  

Theo tôi, cần phải thay đổi về nhận thức và cách tiếp cận với doanh nghiệp của chính quyền các cấp. Phải coi doanh nghiệp là đối tác chứ không phải đối tượng để quản lý để ban hành các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, cần quan tâm đến vai trò lãnh đạo của đội ngũ cán bộ chủ chốt trong công tác chỉ đạo và thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tạo môi trường thực sự thông thoáng, minh bạch và thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tập trung đột phá vào những chỉ số thành phần yếu nhất, điểm số thấp trong nhiều năm. Đây là lĩnh vực thực sự có vấn đề. Vì vậy cần phải đặt ra chỉ tiêu phấn đấu cho những ngành, lĩnh vực có liên quan.

Ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ:

Với doanh nghiệp, vấn đề chính là thị trường. Nếu doanh nghiệp không có thị trường thì doanh nghiệp không có lợi nhuận, đồng nghĩa là Hoà Bình không giàu. Nhưng thị trường lại được quyết định bởi yếu tố hạ tầng, công nghệ, nguồn lực và trách nhiệm,thái độ, năng lực của cán bộ. Hòa Bình nên xác định đột phá đầu tư vào lĩnh vực nào. Nếu đột phá về du lịch, tuy thu nộp ngân sách không cao nhưng tác động đến kinh tế xã hội rất lớn. Khi kinh tế - xã hội phát triển thì nhà đầu tư mới chú ý, doanh nghiệp không bao giờ đầu tư vào chỗ nghèo. Vấn đề chính là các doanh nghiệp Hòa Bình cần xác định kinh doanh các mặt hang  gì để cung cấp cho gần 1 triệu dân - một thị trường rất lớn. Một vấn đề các doanh nghiệp đang phải đối mặt là thủ tục rườm ra, cơ chế xin cho vẫn tồn tại. Hồ hòa Bình dù đã có quy hoạch khu du lịch trọng điểm quốc gia, nhưng quan điểm của tôi là càng quốc gia càng khó làm. Nếu như được phân cấp về tỉnh, tỉnh phân cấp về huyện để quản lý dự án du lịch hồ Sông Đà, tin rằng Hòa Bình sẽ phát triển rất nhanh. Bởi vì nhà đầu tư rất ngại làm thủ tục, thời gian kéo dài. Có doanh nghiệp nói với tôi, để xin cấp phép khai thác mỏ nước khoáng Kim Bôi phải chi phí  2-3 tỷ đồng, thì ai muốn làm. Khi nhà đầu tư không còn tâm huyết là thiệt hại lớn đối với quốc gia và của các địa phương.  Lãnh đạo tỉnh cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội:

 Theo tôi, Hòa Bình cần xây dựng chỉ số PCI đến từng cán bộ, công chức am hiểu chuyên môn, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tăng cường thực hiện khảo sát xác định chỉ số hài lòng của doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Bên cạnh đó, chính quyền cần tập trung, tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư, chú trọng dự án lớn để hoàn thành thủ tục cấp phép và triển khai thực hiện các dự án trọng điểm. Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, thực hiện có hiệu quả  các chính sách ưu đãi  nhất về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang:

 Xuất phát điểm Tuyên Quang đứng 63/63 tỉnh thành, sau đó lãnh đạo tỉnh đưa ra một số chương trình, sáng kiến như từ đầu năm 2014 mô hình cafe doanh nhân được bắt đầu ở Tuyên Quang, sau đó là đối thoại với doanh nghiệp. Rất nhiều giải pháp nhưng điều cần lưu ý nhất là vai trò của người đứng đầu. Người đứng đầu phải có quyết tâm mạnh, đồng hành, cùng chung tay, đồng sức đồng lòng, chia sẻ lợi ích hài hòa với doanh nghiệp. Để có sự hài hòa, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương thay vì “cưỡng bức” doanh nghiệp nên nhận khó khăn về mình để hướng dẫn và giải quyết, đồng thời có giải pháp phù hợp trước nhu cầu đòi hỏi sự phục vụ ngày càng cao của doanh nghiệp. Với các giải pháp đồng bộ, môi trường đầu tư thông thoáng, hiện PCI của Tuyên Quang đã vươn lên 39/63. Hòa Bình nên đẩy mạnh khai thác tiềm năng trên địa bàn, chủ động xây dựng chiến lược đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh nâng cao trình độ quản lý, phát huy sức sáng tạo, hỗ trợ nhau trong đầu tư, kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh:

Nhờ triển khai Bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành của các sở, ngành, địa phương (DDCI) mà Quảng Ninh có được thành công. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị khi Hiệp hội liên hệ làm việc phải trực tiếp lãnh đạo cao nhất làm việc chứ không giao cấp phó. Mỗi lần gặp làm việc với các đơn vị, chúng tôi đều mời doanh nghiệp địa phương tham gia để qua đó hướng dẫn doanh nghiệp chấm PCI làm sao cho đúng. Hoà Bình nên tham khảo và triển khai mô hình DDCI phù hợp. Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình nên chia sẻ thông tin, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, đề xuất giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Hiện Quảng Ninh thu hút rất nhiều dự án đầu tư lớn, nhưng chính quyền cũng không quên các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi các doanh nghiệp lớn về cũng hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp nhỏ. Để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Hòa Bình nên tập trung vào hạ tầng. Nếu nguồn thu ngân sách của tỉnh còn hạn chế thì nên kéo dài thời gian thực hiện. Cái gì doanh nghiệp làm được thì nên giao cho doanh nghiệp đầu tư; nguồn vốn còn lại dành cho hạ tầng và giải phóng mặt bằng sạch…để thu hút các nhà đầu tư . Tỉnh Quảng Ninh thu ngân sách rất cao nhưng vẫn tiết kiệm để đầu tư vào hạ tầng, những trụ sở làm việc thì giao cho doanh nghiệp làm. Doanh nghiệp của tôi đã xây dựng một khu liên cơ làm trụ sở cho các ban ngành của tỉnh thuê làm việc. Mỗi năm tỉnh trả cho doanh nghiệp của tôi khoảng 40 tỷ đồng.  Cùng đó, chính quyền cần cương quyết không ủng hộ những nhà đầu tư không thực hiện theo cam kết, chậm tiến độ hoặc lợi dụng chính sách để trục lợi. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh sẽ làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình để trao đổi, nghiên cứu, mở rộng đẩu tư tại tỉnh nhà nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa:

Chính quyền tỉnh Hòa Bình rất quan tâm và trăn trở về thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số PCI, tôi nghĩ không có lý do gì không phát triển. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều về việc các cơ quan quan lý nhà nước ở địa phương có thực sự vào cuộc hay lại “trên nóng dưới lạnh”, hay “trên rải thảm, dưới rải đinh”. Đó là vấn đề tỉnh Hòa Bình cũng như các địa phương khác cần đặc biệt chú trọng cải cải hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư. Một doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng gặp rất nhiều vướng mắc về thủ tục, sự nhũng nhiễu của cán bộ sẽ làm mất đi cơ hội của địa phương. Các sở ngành cũng rất lộn xộn, bên xây dựng lại can thiệp vào vấn đề của tài nguyên môi trường, chồng chéo, cản trở doanh nghiệp. Mô hình cafe doanh nhân rất thiết thực với cộng đồng doanh nghiệp. Khi Chủ tịch tỉnh ngồi ăn sáng, uống cafe với doanh nhân sẽ trực tiếp lắng nghe tâm tư nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết, tháo gỡ. Sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền là động lực để cộng đồng doanh nghiệp phát huy sức mạnh, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Trí Kiên -Thu Giang