Năm 2016, ít nhất 630 DN xây dựng sẽ bị thanh tra lao động

00:00 12/10/2020

Từ hôm nay, ngày 21/3, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chính thức khởi động Chiến dịch Thanh tra Lao động năm 2016 với trọng điểm là ngành xây dựng nhằm nâng cao chất lượng môi trường làm việc cũng như góp phần bảo vệ cuộc sống của người lao động.

50652b1f830e20e5fa561d330aa7ce34
Ít nhất 630 DN xây dựng sẽ bị thanh tra lao động trong năm 2016 – Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ – TB & XH) Phạm Minh Huân cho biết, sẽ có ít nhất 630 đơn vị trên toàn quốc được thanh tra từ này đến tháng 11/2016. Mỗi tỉnh, thành phố sẽ thanh tra lao động ít nhất 10 doanh nghiệp, công trình lao động. Các nội dung thanh tra trọng điểm sẽ bao gồm thời giờ làm việc, làm thêm giờ; tiền lương; xây dựng nội quy và đào tạo về an toàn vệ sinh lao động; phương tiện bảo vệ cá nhân; tổ chức mặt bằng; sử dụng xe, máy, giàn giáo, giá đỡ, điện và thiết bị điện; công tác cốp pha, cốt thép và bê tông; công tác hàn; và công tác hoàn thiện. Chia sẻ thêm về việc tiến hành thanh tra DN ngành xây dựng, đại diện Bộ LĐ – TB & XH cho biết, theo ước tính của Chính phủ năm 2015, có tới hơn 3,3 triệu người lao động đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Cùng với đó, trong năm 2015, trong số các vụ tai nạn lao động chết người được báo cáo, xây dựng đứng đầu danh sách các ngành về số vụ cũng như số người chết khi chiếm tới 38% tổng số nạn nhân bị mất đi sinh mạng khi đang làm việc và 35% tổng số tai nạn lao động chết người được báo cáo. Ngành đứng thứ hai – ngành cơ khí chế tạo – chỉ chiếm 8% số vụ và 7% số người chết. Bên cạnh đó, chia sẻ về những vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra vừa qua, Thứ trưởng cũng nhìn nhận, tình hình chấp hành các quy định về an toàn lao động của các DN này còn hạn chế. Trong đó, ý thức chấp hành của DN chưa cao, chưa trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ cho người lao động. Bên cạnh đó còn do sự chủ quan từ phía người lao động, không có ý thức tự bảo vệ mình. Chính vì vậy, tiến hành chiến dịch là một trong những hành động đảm bảo lợi ích cho người lao động, chiến dịch này không chỉ cần sự tham gia của Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, thanh tra lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động mà còn cần sự phối hợp của toàn xã hội cùng với đó là sự vào cuộc của truyền thông đại chúng. Đẩy mạnh công tác thanh tra trong lĩnh vực xây dựng là hoạt động có ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức về pháp luật lao động và các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực xây dựng của người sử dụng lao động, người lao động. Được biết, đây là lần thứ hai triển khai Chiến dịch thanh tra lao động của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trước đó, năm 2015, chiến dịch đã được thực hiện tập trung vào ngành dệt may. (theo congluan.vn)