Mỹ-Trung tiến gần đến vòng đàm phán cuối cùng

00:00 12/10/2020

Ngày 13/4, phát biểu bên lề cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, đại diện các nhà đàm phán Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết Mỹ và Trung Quốc đang tiến đến giai đoạn đàm phán thương mại cuối cùng, tiến gần hơn đến những gì được coi là thay đổi lớn nhất trong mối quan hệ kinh tế giữa hai nước trong 40 năm. Sự lạc quan xuất hiện khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chạy đua với thời gian để chấm dứt cuộc tranh chấp thương mại kéo dài dẫn đến thiệt hại về thuế quan và sự bất ổn trong kinh doanh, góp phần kéo tụt tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Phía Mỹ một lần nữa lặp lại tuyên bố của mình rằng trở ngại lớn nhất đối với một thỏa thuận thương mại - làm thế nào để thực thi thỏa thuận - gần như đã được giải quyết. Mỹ đã thúc đẩy Trung Quốc đồng ý với một cơ chế cho phép Washington áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh từ bỏ một số phần của thỏa thuận. Ngày 13/4, Bộ trưởng Tài chính Mnuchin cho biết cả Mỹ và Trung Quốc đều có thẩm quyền thực thi các cam kết đã đồng ý, cho thấy khả năng Bắc Kinh cũng sẽ thực hiện một số kiểm soát trong tương lai. Hai bên đã đồng ý một phần lớn của thỏa thuận là sẽ có sự thực thi thực sự ở cả hai phía, kể cả việc thành lập các cơ quan thực thi chi tiết ở cả hai bên với các nguồn lực quan trọng.

my trung tien gan den vong dam phan cuoi cung

Tại phiên điều trần quốc hội hồi tháng 2, Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump, đã mô tả một cơ chế thực thi phức tạp đang thảo luận nhằm đảm bảo Trung Quốc sẽ thực hiện đúng lời hứa của mình. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã đồng ý các cuộc họp định kỳ ở các cấp bộ trưởng, thứ trưởng và cấp giám đốc cơ quan thực thi sẽ cho phép Mỹ kiểm soát hành vi của Trung Quốc và khiếu nại của các công ty về các hoạt động kinh doanh không công bằng. Nếu Trung Quốc không giữ đúng lời hứa, Mỹ sẽ đáp trả phù hợp nhưng đơn phương. Hàm ý của Mỹ là sẽ đáp trả bằng thuế quan.

Các quan chức Mỹ cũng đã thúc ép Trung Quốc đồng ý không trả đũa Mỹ nếu nước này áp dụng lại thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc đã miễn cưỡng đồng ý với cơ chế thực thi một chiều, coi đây là hành vi xâm phạm chủ quyền của mình và trao cho Washington quá nhiều quyền lực đối với nền kinh tế. Nếu một số khiếu nại là có thật, Mỹ có thể phải sử dụng thuế quan để đối phó với chúng, và yêu cầu Trung Quốc không trả đũa, ông Keith Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia đã cho biết vào tháng 3 khi thảo luận về việc thực thi của một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung. Những người đã theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán cảnh báo rằng việc thực thi tiếp tục là một trở ngại vẫn chưa được giải quyết vì Trung Quốc và Mỹ đã không đồng ý về các hình phạt cụ thể. Michael Pillsbury, một học giả Trung Quốc tại Viện Hudson, đồng thời là cố vấn cho chính quyền Trump, cho biết, vấn đề được gọi là thực thi phải liên quan đến việc tìm ra một cơ chế cho phép trừng phạt khi vi phạm thỏa thuận. Nhưng điều đó “vẫn chưa được thống nhất”.

Ngày 13/4, Bộ trưởng Tài chính Mnuchin chưa nêu rõ liệu Mỹ và Trung Quốc có đồng ý về một cơ chế thực thi chỉ cho phép Washington đáp trả bằng thuế quan như là hình phạt cho việc vi phạm thỏa thuận hay không. Nhưng ông Mnuchin hy vọng việc thực thi hiệp định thương mại sẽ có đi có lại. Có một số cam kết nhất định mà Mỹ đang thực hiện trong thỏa thuận này và có những cam kết nhất định mà Trung Quốc đang thực hiện, và hy vọng rằng thỏa thuận thực thi này hoạt động theo cả hai hướng. Mỹ hy vọng sẽ tôn trọng các cam kết của mình và nếu không thì sẽ có những hậu quả nhất định. Ông Mnuchin không nêu rõ những cam kết mà Mỹ đang thực hiện nhưng Tổng thống Trump đã thúc đẩy Trung Quốc mở cửa nền kinh tế và chấm dứt các hoạt động đã khiến các công ty Mỹ gặp bất lợi. Thỏa thuận đang được đàm phán sẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt thực tiễn lâu nay về việc yêu cầu các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ có giá trị như một điều kiện để kinh doanh và sẽ mở cửa nền kinh tế Trung Quốc một cách tự do hơn. Hai bên đã thảo luận về việc Trung Quốc mua hàng hóa trị giá hơn 1 nghìn tỷ đô la trong vài năm tới để giúp giảm khoảng cách thương mại giữa các nước.

Để đưa Trung Quốc đến bàn đàm phán, Tổng thống Trump đã áp thuế quan đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc. Hình phạt đó đã bắt đầu chèn ép nền kinh tế Trung Quốc và các nhà đàm phán Bắc Kinh đang yêu cầu ít nhất một số thuế quan được gỡ bỏ như một điều kiện của bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu - và tại thời điểm nào - những mức thuế đó sẽ được dỡ bỏ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói rõ rằng vẫn còn những điều khoản cần phải hoàn thành trước khi một thỏa thuận được hoàn tất.

V.D