Mỹ muốn đưa nông nghiệp vào các cuộc đàm phán với EU

00:00 12/10/2020

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ ngày 30/7 Sonny Perdue khẳng định nông nghiệp là một phần trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU, bất kể Brussels có muốn thảo luận vấn đề này hay không.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ ngày 30/7 Sonny Perdue khẳng định nông nghiệp là một phần trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU, bất kể Brussels có muốn thảo luận vấn đề này hay không.

Phát biểu với các phóng viên, ông Perdue nhấn mạnh: "Mặc dù họ có thể muốn nông nghiệp nằm ngoài phạm vi thảo luận, nhưng chúng tôi rất quan tâm giải quyết vấn đề này với EU, đặc biệt là về các hàng rào phi thuế quan mà họ tiếp tục muốn dựng lên".

Mặc dù trước đó, một quan chức EU đã phủ nhận việc chủ đề nông nghiệp là một phần của thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker vào tuần trước, nhưng ông Perdue cho hay: "Thẳng thắn mà nói, điều đó không đúng theo nhìn nhận của chúng tôi".

Bên cạnh đó, ông Perdue cũng nêu lên một điểm tranh cãi khác về những động thái của châu Âu đối với các nhãn hiệu thực phẩm phổ biến như feta (phô mai làm từ sữa cừu của Hy Lạp) hoặc mozzarella (phô mai làm từ sữa trâu của Italy), vốn đã được bán tại Mỹ trong 100 năm qua.

Ông cho biết Brussels muốn ngăn chặn các nước sử dụng các tên địa lý đặc hữu nêu trên và Mỹ không có ý định tuân thủ điều này.

Tuần trước, ông Trump và ông Juncker đã công bố một thỏa thuận tạm ngừng cuộc tranh chấp thương mại về việc các mức thuế của Mỹ áp với nhôm, thép và các mức thuế đề xuất với ô tô, cũng như sự trả đũa của EU đối với các hàng hóa chủ chốt của Mỹ.

Những nhận định nói trên của ông Perdue đồng thuận với quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đưa ra trong bình luận trước đó rằng giới lãnh đạo của Mỹ và EU đã thảo luận sự cần thiết phải dỡ bỏ các rào cản đối với nông nghiệp.

Thông cáo chung sau cuộc họp tuần trước cho biết Brussels và Washington sẽ hợp tác để cắt giảm các rào cản và tăng cường thương mại đối với một loạt các mặt hàng, trong đó có đậu tương.

Trước đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ chi đến 12 tỷ USD để hỗ trợ nông dân nước này khắc phục những thiệt hại vì cuộc chiến thương mại và thuế quan.

Nông dân Mỹ đã trở thành mục tiêu trả đũa của các nước đối với quyết định đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng như các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ (EU), Canada và Mexico.

Các nước chịu ảnh hưởng từ các mức thuế này của Mỹ đã lần lượt nhắm vào những mặt hàng nông sản, bao gồm đậu tương, các sản phẩm từ sữa, thịt và rượu.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Mỹ đạt 138 tỷ USD trong năm 2017, trong đó đậu tương, mặt hàng xuất khẩu giá trị nhất của nước này, chiếm 21,5 tỷ USD.

Đoàn Hùng (P/v TTXVN tại Washington)